Lưu chuyển vốn: Cái tốt, cái chưa tốt và cái tệ hại

Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài được hoan nghênh, nhưng quá nhiều trong ngắn hạn sẽ là mầm mống rắc rối.
Photo by Carlos Muza on Unsplash


Sân bay Shannon nằm trên bờ biển phía tây Ireland đã là một cửa ngõ nối châu Âu với Mỹ từ những năm 1940. Sân bay này được xây dựng trên cửa sông Shannon bắt nguồn từ Foynes, một thị trấn nhỏ từng là trạm tiếp nhiên liệu cho thủy phi cơ và máy bay dân dụng trên hành trình vượt Đại Tây Dương trong những năm chiến tranh. Tại đây, người đầu bếp người địa phương Joe Sheridan đã sáng tạo ra món cà phê Ireland khi cho thêm whisky vào tách cà phê nóng phục vụ các hành khách đang run lên vì lạnh trên những chiếc thủy phi cơ của hãng Pan Am. Năm 1947, Brendan O'Regan -- một nhà quản lý cung cấp thực phẩm cho các sự kiện -- đã khai trương cửa hàng miễn thuế đầu tiên trên thế giới tại sân bay Shannon, cho phép hành khách quá cảnh mua hàng miễn thuế.

Đây là địa phận thường xuyên nhận vốn ở Ireland, và hơn bất kỳ quốc gia nào, Ireland đã được thay da đổi thịt nhờ dòng vốn từ khắp các nơi khác đổ về. Trong những năm 1980, tưởng chừng như định mệnh của Ireland vĩnh viễn là nước chậm tiến của Tây Âu: "nước nghèo nhất trong những nước giàu", như kết quả trong một cuộc khảo sát của tờ The Economist. Nhưng trong vòng một thập kỷ, Ireland đã lột xác trở thành con hổ vùng Celtic, như sự đáp trả bất ngờ của châu Âu trước sự bùng nổ kinh tế ở khu vực Đông Nam Á.

Trọng tâm của sự thay đổi này diễn ra vào năm 1992 khi các công ty Mỹ tìm kiếm chỗ đứng ở Liên minh châu Âu trước sự hình thành một thị trường hàng hóa chung và bị thu hút bởi lực lượng lao động nói tiếng Anh được đào tạo bài bản nơi đây. Chính quyền mời gọi họ bằng trợ cấp và mức thuế doanh nghiệp thấp. Tập đoàn Intel chuyên sản xuất chip điện tử đã bắt đầu sản xuất tại Dublin từ năm 1990. Nhiều công ty lớn khác đã tiếp bước họ. Năm 1994, hãng sản xuất thiết bị y tế Boston Scientific đã mở cửa hàng tại Galway, chỉ cách sân bay Shannon một giờ lái xe. Từ đó khu vực này trở thành nơi quần tụ của các công ty công nghệ y tế và dược phẩm.

Một ví dụ điển hình
Nhờ có dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài như vậy, Ireland đã từ nước nghèo nhất trong những nước giàu trở thành một trong những nước giàu nhất. Đây là ví dụ điển hình về lợi ích của các dòng vốn. Nhưng Ireland cũng là một tấm gương về những tác dụng phụ tàn khốc của việc lưu chuyển vốn. Khi nước này giàu lên, các nước khác phản đối mức thuế doanh nghiệp thấp của nước này, vì cho rằng đây chỉ đơn thuần là một công cụ để giúp các công ty toàn cầu thu lời ở Ireland và nộp thuế ít hơn.

Tầm quan trọng của vấn đề được nêu bật vào tháng 7 khi cơ quan thống kê của Ireland cho biết GDP của nước này đã tăng 26% trong năm 2015. Tuy nhiên, con số này không thể hiện nhiều về sức khỏe của nền kinh tế Ireland. Đầu tiên, nó đã bị thổi phồng bởi biện pháp "đảo nghịch thuế", trong đó một công ty nhỏ của Ireland sáp nhập với một công ty lớn từ nước ngoài và công ty mới sáp nhập được đăng ký tại Ireland và hưởng lợi từ thuế suất thấp. Năm ngoái số lượng giao dịch loại này đạt cao điểm trước khi Mỹ ra tay kìm chế. Thứ hai, số liệu GDP đã bị ngành công nghiệp cho thuê máy bay bóp méo. Hai ông trùm cho thuê máy bay lớn nhất thế giới đều do sân bay Shannon quản lý, dù rất nhiều trong số 4.000 máy bay được đăng ký sẽ không bao giờ hạ cánh ở đó.

Nhưng đáng chú ý nhất phải kể đến thiệt hại do các dòng vốn ngắn hạn gây ra cho Ireland. Sau sự kiện đồng euro ra đời vào năm 1999, những người có điều kiện mua nhà đã bị mức lãi suất thấp không thể cưỡng lại được ở Frankfurt thu hút. Các ngân hàng Ireland đã vay mượn rất nhiều từ thị trường đồng euro liên ngân hàng để tiếp thêm vào bong bóng bất động sản và để tích trữ tài sản ở ngoài Ireland. Vào thời kỳ đỉnh cao, hoạt động vay vốn ngân hàng của khu vực tư nhân tăng gần 30% một năm trong giai đoạn 2004-2006. Khi bong bóng vỡ, đất nước rơi vào suy thoái và phải cần tới sự giải cứu của IMF. Thương tích còn đó Theo số liệu ban đầu từ chương trình điều tra dân số năm nay, có gần 10% căn hộ ở Ireland bị bỏ hoang. Một trong những khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất là miền tây Ireland, xung quanh bờ biển gần Shannon. Bất động sản ma và những nhà nghỉ giá rẻ là tàn dư từ cơn bùng nổ của ngành xây dựng vào năm 2007 khi cứ 8 công nhân thì có 1 người làm trong ngành này.

Những dòng vốn tự do lẽ ra phải là điều tốt đẹp. Giống như tự do thương mại toàn cầu, các thị trường vốn toàn cầu cho ta những cơ hội rộng mở hơn. Cơ hội nhiều hơn và tốt hơn giúp người ta giàu hơn. Nguồn vốn toàn cầu hóa đã phá vỡ sự ràng buộc giữa nguồn tiền dự trữ trong nước và nguồn tiền có từ đầu tư, tạo cơ hội cho các nước nghèo với nguồn tiết kiệm eo hẹp có nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP. Với các nền kinh tế đang phát triển, lưu chuyển vốn là đường băng dẫn đến các công nghệ tân tiến, quy trình quản lý chuyên nghiệp và mạng lưới kinh doanh mới. Nó cũng cho phép các nhà đầu tư có thể “bỏ phiếu bằng chân”, khuyến khích các chính phủ phải theo đuổi những chính sách điều tiết tiền tệ và tài khóa thận trọng.

Trong suốt một thời gian dài, kinh tế học tự do phản đối bất kỳ hạn chế nào đối với tài chính xuyên quốc gia . Một chuỗi các cuộc khủng hoảng trong ngành tài chính, bắt đầu ở Mỹ Latinh vào những năm 1980 và tiếp tục với cuộc khủng hoảng Đông Á năm 1997-1998, khiến ta phải suy nghĩ lại. Thay vì thiết lập được kỷ luật, việc tiếp cận được nguồn vốn nước ngoài dường như khiến các nước rơi vào mớ bòng bong lớn hơn . Trong tranh luận về những ưu và khuyết điểm khi hàng hóa hoặc con người được di chuyển tự do, các học giả hiện nay đều đồng ý rằng tự do hóa dòng vốn đôi khi lợi bất cập hại. Các chính trị gia thỉnh thoảng có thể rầu rĩ vì sự thay đổi như chong chóng của các nhà đầu tư quốc tế, nhưng trong hầu hết trường hợp, tự do lưu chuyển vốn không phải là tâm điểm chỉ trích của công chúng như cách người ta vẫn làm với tự do thương mại và tự do di cư.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy hậu quả khi dòng vốn ngắn hạn ào ạt quét qua. Trong một bài báo được công bố hồi đầu năm nay, Atish Ghosh, Jonathan Ostry và Mahvash Qureshi của Quỹ Tiền tệ quốc tế, đã xác định 152 giai đoạn "cao trào" (giai đoạn các dòng vốn lớn dâng lên bất thường) từ năm 1980 đến năm 2014 ở 53 thị trường mới nổi. Một phần năm số giai đoạn “cao trào” đó kéo theo các cuộc khủng hoảng ngân hàng và tiền tệ. Những cao trào dễ kết thúc trong nước mắt nhất là những cao trào chủ yếu nhờ cho vay ngân hàng xuyên quốc gia; trong khi đó những món vay từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ít khả năng gây họa hơn. Cuộc khủng hoảng đồng euro nói chung, và vụ phá sản ngân hàng ngoạn mục của Ireland nói riêng, đã chỉ ra rằng hội chứng này không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển.

Các thị trường vốn gặp những sai lầm khác với các thị trường hàng hoá. Cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản có thể thay đổi giá trị đến chóng mặt. Khi vốn di chuyển qua biên giới, những thay đổi này dao động càng lớn bởi khoảng cách, sự không thông thuộc luật lệ và rủi ro từ tỷ giá hối đoái. Còn rất nhiều khả năng khác dẫn đến sai sót, và các cuộc khủng hoảng kinh tế sau đó thường xảy ra trên quy mô lớn hơn. Các công ty nước ngoài có thể xây dựng hoặc mua văn phòng, nhà xưởng và cơ sở hạ tầng, nhưng khi người nước ngoài mua trái phiếu hoặc cổ phiếu, lợi ích họ nhận được thường không rõ ràng, và những đầu tư kiểu này có xu hướng không ổn định. Hệ thống tài chính của những nước đang phát triển chưa thực sự được trang bị đầy đủ để tối ưu hóa dòng vốn này, chứ chưa nói đến khả năng xử lý khi bị thoái vốn bất ngờ. Họ thường dùng các khoản vay ngắn hạn từ nước ngoài để trả các khoản vay dài hạn trong nước. Sự chênh lệch này càng rõ rệt hơn khi phải vay bằng ngoại tệ. Và những nước buộc phải duy trì dòng tiền nóng sẽ thường mắc "căn bệnh Hà Lan" (Dutch disease), một trạng thái đẩy đồng nội tệ cao hơn giá trị hợp lý, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước không thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Sàng lọc các dòng vốn
Hạn chế các dòng vốn ngoại trừ đầu tư trực tiếp nước ngoài có lẽ là một ý tưởng hay. Năm 2012, Quỹ Tiền tệ quốc tế thừa nhận rằng, trong trường hợp quy mô của dòng vốn vào gây rủi ro cho sự ổn định của nền tài chính và chính sách tiền tệ hay tài khóa thông thường không thể đáp ứng một cách hiệu quả thì kiểm soát vốn tạm thời và có mục tiêu là biện pháp cuối cùng. Nhưng cần làm gì để để ngăn chặn dòng vốn xấu và giữ lại được những dòng vốn tốt?

Đánh thuế “nhập cảnh” (hay còn gọi là thuế Tobin) (entry/Tobin tax) tương xứng với quy mô các dòng vốn vào và thu thuế tại thời điểm diễn ra giao dịch hoán đổi ngoại tệ là một cách. Các dòng vốn vào ngắn hạn sẽ bị đánh thuế nặng hơn. Cho đến gần đây người ta mới tin rằng kiểu sàng lọc như vậy không có mấy ảnh hưởng tới các dòng vốn vào. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Marcos Chamon từ Quỹ Tiền tệ quốc tế, và Márcio Garcia từ trường đại học PUC-Rio, cho rằng biện pháp này có thể có hiệu quả hơn chúng ta từng nghĩ.

Các tác giả nhìn vào kinh nghiệm của Brazil, trong tháng 10 năm 2009 họ áp mức thuế đầu vào 2% lên các danh mục đầu tư. Đây là cách ngăn đồng nội tệ, đồng real, tiếp tục tăng giá. Mức thuế nhanh chóng được nâng lên 4% và ngay sau đó là 6% . Lúc đầu các biện pháp dường như không hiệu quả, nhưng tình hình thay đổi vào giữa năm 2011 khi chính phủ bổ sung một loại thuế đánh vào giá trị danh nghĩa (notional) của các giao dịch phái sinh. Messrs Chamon và Garcia ước tính tới 10% trong sự giảm giá đồng real sau đó, thực tế là do can thiệp.

Khi đồng real mất giá vào năm 2012, Brazil bắt đầu dỡ bỏ kiểm soát vốn. Nhưng nếu dòng tiền nóng là mối đe dọa thường trực, thì luôn duy trì các biện pháp điều tiết không phải tốt hơn hay sao? Michael Klein của Đại học Tufts, phân biệt biện pháp kiểu "cổng kiểm soát" dùng để điều tiết dòng vốn theo từng giai đoạn nhất định, và kiểu "tường bảo vệ", dùng để kiểm soát lâu dài nhiều loại tài sản. Trong một nghiên cứu trên 44 quốc gia từ năm 1995 đến năm 2010, ông kết luận rằng biện pháp cổng kiểm soát không kiềm chế được tỷ giá hối đoái, thúc đẩy tăng trưởng GDP hoặc ngăn rủi ro tài chính ngày càng cao. Nhưng kiểm soát vốn lâu dài (biện pháp tường bảo vệ) có thể làm được.

Mười nước dùng "tường bảo vệ" trong nghiên cứu, bao gồm cả Trung Quốc, tính trung bình có mức tăng nợ tư nhân trong GDP chậm hơn và mức tăng tỷ lệ cho vay yếu hơn so với 34 quốc gia khác. Mười nước này cũng có vẻ ít gặp hiện tượng tăng vốn bất thường. Điều này cho thấy các tường bảo vệ là biện pháp hiệu quả. Nhưng về tổng thể, các nước có tường hào chặt chẽ lại nghèo hơn các quốc gia biết dùng cửa linh hoạt. Và khi Klein kiểm tra GDP bình quân đầu người, thì gần như không có sự khác biệt về mặt thống kê giữa hai nhóm quốc gia này. Không biện pháp kiểm soát vốn nào có hiệu quả lớn.

Phát hiện này khiến người ta lúng túng. Về nguyên tắc, sự linh hoạt của các “cổng” biến nó trở thành công cụ kiểm soát vốn tốt hơn so với “bức tường” thứ có thể ngăn chặn ngay cả dòng vốn tốt. Cách kiểm soát vốn lý tưởng nhất là thắt chặt kiểm soát khi luồng vốn vào gia tăng. Nhưng biện pháp cổng kiểm soát có thể không có hiệu quả vì những lý do rất thực tế. Mức thuế cần thiết để chống lại cơn lũ của các dòng vốn vào có thể cao bất thường. Và cơ chế cổng kiểm soát giúp vốn dễ dàng thâm nhập hơn tường bảo vệ, vì những nước đã áp dụng tường bảo vệ trong thời gian dài sẽ biết cách dùng dòng vốn hiệu quả. Ví dụ, Trung Quốc có thể kiểm soát tỷ giá hối đoái danh nghĩa trong nước nhờ vào cơ chế bảo vệ mà nước này áp đặt.

Có thể thấy phối hợp cả hai cách trên là biện pháp tốt nhất. Nhưng không phải ai cũng tin vào câu chuyện của Brazil. Mức thuế đưa ra phải đủ cao và được áp dụng rộng rãi mới có tác dụng rõ rệt. Điều này khiến chúng ta khó mà chỉ đánh thuế này lên các dòng vốn "xấu"; và vì giám sát chặt chẽ hơn ở một khu vực có thể dễ dàng khiến hoạt động vi phạm dịch chuyển sang khu vực khác, thuế Tobin có thể chỉ làm chuyển hướng các dòng vốn hơn là ngăn chặn chúng hoàn toàn. Theo một nghiên cứu của Kristin Forbes, hiện là thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ Ngân hàng trung ương Anh, và nhiều ý kiến khác, thuế Tobin ở Brazil đã khuyến khích nguồn vốn góp và trái phiếu từ thị trường mới nổi ồ ạt đổ sang các nước khác có hàng hóa phong phú.

Các nhà quan sát lâu năm nhớ lại rằng trước khi xảy ra câu chuyện của Brazil, Chile đã là một ví dụ điển hình của việc kiểm soát vốn khôn ngoan. Trong những năm 1990, dòng vốn vào Chile phải gửi không lãi suất một khoản tiền bằng 30% giá trị khoản đầu tư. Nhờ đó ngân hàng trung ương Chile đã tránh được các biện pháp kiểm soát có tính can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ (bán peso để dự trữ bằng nhiều hình thức khi dòng vốn vào rất mạnh), đây là một chính sách mẫu mực về tính chặt chẽ. Chính sách này giúp nền kinh tế ngăn nguy cơ mắc căn bệnh Hà Lan, nhưng không hề ngăn chặn các dòng tiền vào. Nếu mối lo ngại lớn nhất là quá nhiều vốn cho vay dựa trên tài sản, thì chính sách an toàn vĩ mô có lẽ sẽ phù hợp hơn. Đây là một biện pháp hữu ích để hạn chế lượng tiền mà các ngân hàng có thể cho vay theo tỷ lệ giá trị của tài sản.

Một vấn đề khó khăn
Các nhà kinh tế ở Ireland đã từng chỉ ra sự khác biệt của hai giai đoạn, một là khi nền kinh tế phát triển bùng nổ đưa đất nước trở thành con hổ vùng Celtic nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, và hai là giai đoạn "bong bóng" kinh tế, lạm phát do lãi suất thấp và vốn ngắn hạn. Nhưng ngày nay đầu tư trực tiếp nước ngoài không còn mang đến những nhà máy mới, cơ sở nghiên cứu hoặc tòa nhà văn phòng, với số công việc mới nhiều tương ứng mà nó đã chuyển tiền thành các tài sản vô hình phục vụ mục đích giảm thuế doanh nghiệp.

Ireland là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về đầu tư trực
Photo credit: The Economist.
tiếp nước ngoài so với GDP (xem biểu đồ). Phần lớn các nước khác trong danh sách cũng là những nước nhỏ có thuế doanh nghiệp thấp. Luxembourg, là một ví dụ, chỉ chiếm 0,07% GDP của thế giới nhưng chiếm tới 10% trữ lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu. Nói chung cạnh tranh là điều tốt, nhưng nhận định đó không đúng với thuế.

Các công ty đa quốc gia có thể tránh thuế vì thực tế có quá ít những nguyên tắc thống nhất về nghĩa vụ thuế xuyên quốc gia. Người Mỹ đánh thuế thu nhập toàn cầu của một công ty dựa trên cơ sở “đăng ký kinh doanh” của công ty đó (nơi đặt trụ sở chính), không phân biệt nơi thu được lợi nhuận. Châu Âu lại áp dụng cách đánh thuế trên lợi nhuận thu được ở nước sở tại. Trên thực tế hai biện pháp này thường được sử dụng kết hợp. "Anh có thể khích hai nước tranh cãi nhau về mức thuế [để thu hút doanh nghiệp đầu tư] rồi chẳng cần cư trú ở nước nào cả," một chuyên gia trong ngành cho biết.

Toàn cầu hóa và tầm quan trọng ngày càng tăng của tài sản vô hình, như bằng sáng chế, đã biến các khái niệm về trụ sở kinh doanh và nguồn thu nhập không còn mấy hữu ích. Các chuỗi cung ứng hiện nay phức tạp đến mức khó có thể truy nguồn gốc của lợi nhuận để áp thuế. Ví dụ, nếu giá trị của một công ty dược chủ yếu nằm ở các bằng sáng chế, thì công ty đó có thể di chuyển đến một thiên đường thuế và hưởng thuế suất thấp mà không cần di chuyển các cơ sở sản xuất.

Tăng đầu tư ra nước ngoài để tránh thuế doanh nghiệp có thể khiến lưu chuyển vốn trở thành tâm điểm chỉ trích của công chúng.

Những người theo chủ nghĩa thuần túy cho rằng, vì xét cho cùng tất cả các loại thuế đều đánh vào cá nhân, việc chạy khắp thế giới theo các công ty trốn thuế sẽ chẳng có tác dụng gì; cách tốt hơn là xóa bỏ thuế doanh nghiệp và thay vào đó là tăng thuế bán hàng. Có hai quan điểm phản đối chính sách này. Thứ nhất, vì lý do vốn sở hữu, người ta sẽ muốn đánh thuế các cổ đông chứ không phải người tiêu dùng. Thứ hai, thuế doanh nghiệp là loại thuế tạo nên phần lớn doanh thu của các nước nghèo mà giàu tài nguyên, nơi có rất ít lao động thuộc biên chế chính thức và ở đây rất dễ trốn thuế bán hàng.

Áp dụng một hệ thống đặc biệt về thuế tài nguyên và thuế đất đánh vào các công ty khai thác mỏ có thể là một cách để đối phó với tình trạng này. Chuyên gia về thuế Michael Devereux tại trường Kinh doanh Said của Oxford, dự đoán rằng về lâu về dài cạnh tranh về áp thuế và tránh thuế sẽ làm xói mòn nền tảng thuế doanh nghiệp ở các nước giàu. Ông đề xuất một loại thuế giá trị gia tăng có khấu trừ phí lao động và các chi phí đầu vào khác. Thuế đó sẽ giống như thuế đánh vào lợi nhuận siêu ngạch (excess profits), hay "đặc lợi" (rents).

Một nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài đích thực sẽ mang lại lợi ích thuần túy (unalloyed benefit). Nhưng việc tăng đầu tư ra nước ngoài để tránh thuế doanh nghiệp cũng có tiềm năng khiến việc luân chuyển vốn trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng, như luân chuyển tự do thương mại và di cư. Vụ kiện Apple của Liên minh châu Âu có thể chỉ là sự khởi đầu. Nhiều người nhìn nhận các công ty toàn cầu không bị kiểm soát và việc giải điều tiết là yếu tố trợ giúp cho thông lệ doanh nghiệp tồi tệ nhất này. Tuy nhiên, những căn bệnh khác của nền kinh tế như thu nhập thực tế thấp, nhân công bất bình đẳng và không lưu động có lẽ một phần là do sự thất bại trong tự do hóa thị trường hàng hóa hơn nữa.

Phương Anh
The Economist

Tags: ireland

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc