Theo dấu toàn cầu hoá trong hơn một thiên niên kỷ qua

bài bình sách của S. Frederick Starr
22 tháng 4 năm 2016

Cuốn sách hấp dẫn nhưng có cái tên gây hiểu lầm lạ kỳ này là câu chuyện về "những Con đường tơ lụa" và gần như là về "Lịch sử thế giới”. Peter Frankopan, chuyên gia người Oxford về Byzantium, trình bày khoảng hai chục "con đường" hoặc các giai đoạn trong lịch sử châu Âu và châu Á trong hơn hai thiên niên kỷ, trong đó Con đường tơ lụa chỉ là một giai đoạn. Và trong khi tác giả tuyên bố viết về lịch sử thế giới, toàn bộ các nền văn minh và các lục địa (bao gồm cả châu Phi và châu Mỹ) chỉ xuất hiện trong câu chuyện của ông khi các châu lục này phải chịu ảnh hưởng từ người châu Âu. Nhật Bản hầu như không đáng đề cập đến. Trọng tâm thực sự của tác giả là lục địa Á-Âu, và mục tiêu của ông là thuyết phục người đọc rằng những câu chuyện của châu Á và châu Âu thực ra chỉ là một câu chuyện lớn, và hai châu lục này liên tục tương tác với nhau trong quá khứ và càng như vậy ngày nay.

Được nghiên cứu kỹ và viết rất hay, cuốn sách dày của Frankopan là tác phẩm đáng đọc,
với 2/5 nội dung dành cho những thế kỷ trước thời Columbus, một phần ba dành cho thời cận đại và 2/5 nói về thế kỷ 19 và 20. Cùng lúc đó, tác giả đưa ra nhiều kiến thức gây tranh cãi, ví dụ như tính châu Á trong Kitô giáo, cách thức quân Thập tự chinh kết hợp tôn giáo với thương mại, làm sao mà số vàng dùng để xây lăng Taj Mahal lại có thể truy nguồn từ Tân thế giới và việc người Anh Knox D'Arcy phát hiện ra dầu mỏ ở Ba Tư đã biến đổi chính trị thế giới như thế nào. Chủ đề thường xuyên của Frankopan là cách toàn cầu hoá do mậu dịch thúc đẩy đã là thực tế từ hàng thiên niên kỷ trước khi thuật ngữ này trở nên phổ biến. Đây không phải là khám phá mới, nhưng là điểm
quan trọng, và Frankopan bảo vệ luận điểm này một cách hết sức thuyết phục.

Câu chuyện của ông đi vào nhiều lĩnh vực kì lạ sẽ khiến tất cả mọi người đều sẽ tìm thấy điều thú vị nào đó trong 500 trang sách này. Tuy nhiên, tác giả cũng có đôi chỗ thiên vị. Ông chỉ trích La Mã cổ đại là "nổi tiếng về bạo lực và giết chóc", nhưng lại không đánh giá như vậy khi nói đến nhiều chế độ độc tài phương Đông. Ông theo xu hướng hiện thời khi đánh giá cao chính sách mậu dịch tự do của Mông Cổ đồng thời tán dương việc họ sử dụng bạo lực “một cách có chọn lọc và thận trọng.” Tác giả giảm nhẹ tính nghiệm trọng từ sự tàn phá của quân Mông Cổ đối với toàn bộ những thành phố đã xây dựng và duy trì mậu dịch lục địa hàng thiên niên kỷ, vì ông cho rằng hầu hết các thành phố đã hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều trong số các thành phố lớn nhất đã không hồi phục, bởi người Mông Cổ đã hủy hoại hệ thống tưới tiêu và thủy lợi của họ.

Cũng theo tinh thần đó, tác giả đã dành một chương về sự tham gia của người Viking và những người Bắc Âu khác trong buôn bán nô lệ ở châu Á mà không đề cập đến chế độ nô lệ thời trung cổ, cũng giống như chế độ nô lệ hiện đại, được thúc đẩy bởi nhu cầu và rằng trong một thiên niên kỷ trước Vasco da Gama, nhu cầu đến từ các thị trường nô lệ lớn như Hồi giáo Trung Đông và Trung Á. Sự thật là, văn hóa sang trọng của các vị vua cai trị thời trung cổ được xây dựng trên nền tảng vững chắc của chế độ nô lệ, một thực tế Frankopan bỏ qua.

Khi viết về thời cận đại, ông đưa ra những nhận định có thể khiến nhiều người thấy khó nghe. Tác giả bác bỏ giá trị cuộc Cải cách châu Âu khi "sự cuồng tín và tôn giáo cực đoan đang nhanh chóng trở thành những đặc điểm nổi bật", nhưng ông ít đề cập đến sự phân chia của Hồi giáo Sunni và Shiite và những cuộc chiến tranh đẫm máu cùng với đàn áp tri thức mà nó gây ra, từ Địa Trung Hải đến Ấn Độ. Tương tự, hàm ý so sánh với chủ nghĩa thực dân Tây Âu, ông lập luận rằng sự mở rộng của Nga sang phía nam và đông đã được thực hiện bằng "sự can thiệp nhẹ nhàng hợp lý". Hãy nói những lời ấy với hàng ngàn người Caucasus đã thiệt mạng do đội quân Nga hoàng tấn công, hoặc 16.000 người Turk thiệt mạng chỉ trong một ngày trong cuộc bao vây Geok Tepe của Nga (hiện nay là Turkmenistan) vào năm 1881. Tác giả cũng miêu tả chiến dịch Liên Xô cướp đoạt ngành công nghiệp Đông Âu và ép các chuyên gia của Đông Âu phục vụ cho quân đội là "hợp lý."

Hết chương này đến chương khác, người châu Âu nổi lên như những kẻ phản diện. Không rõ vì sao, có nhiều điều để biện minh cho quan điểm này, và chúng ta có nhiều nghiên cứu xuất sắc cho thấy các hành động tàn ác của người châu Âu ở Trung Đông, Châu Phi và Tân Thế giới. Nhưng Frankopan không hài lòng với việc chỉ kể lại câu chuyện. Thay vào đó, tác giả kể không ngừng về cách thức các quốc gia hiện đại của châu Âu trỗi dậy như "kẻ mạnh (nghĩa là phương Tây) nuốt chửng kẻ yếu đuối", họ đã thành công như thế nào qua "việc củng cố sức mạnh và tính tham lam", làm thế nào mà phương Tây thành công đặt mình vào trung tâm thế giới nhờ "mối quan hệ chặt chẽ với bạo lực và chủ nghĩa quân phiệt". Như thể sợ chúng ta vẫn chưa hiểu, ông kết luận rằng "đặc điểm của châu Âu là ngày càng hung hăng, không ổn định, và kém hòa bình hơn các khu vực khác trên thế giới và giờ phải trả giá.”

Càng viết càng giận dữ, tác giả bác bỏ giá trị của nghệ thuật châu Âu vào thế kỷ 17 và 18 là "hình thành bởi bạo lực", một dấu hiệu phản đối ông đã không thể hiện đối với hầu hết các tác phẩm được tạo ra dưới cai trị của các bạo chúa từ phương Đông cho đến người Mughal ở Ấn Độ . Ở đây, vấn đề không phải là tác giả đã sai mà là ông không tính đến phần còn lại của câu chuyện, dù đó là sự nổi lên của du mục Seljuks hay những kẻ cực đoan châu Á như Mahmud của Ghazni, Tamerlane hay Babur, đều hoàn toàn xuất phát từ sự tàn bạo. Thật vậy, có rất ít sự khác biệt giữa Nhà nước Hồi giáo ngày nay với sự tàn bạo của những kẻ Hồi giáo cực đoan đối với Ấn Độ trong nhiều thế kỷ. Các trường hợp xấu cá biệt vốn có thể khiến tác giả suy ngẫm về bản chất con người, thì lại khiến ông đưa ra các ưu nhược điểm theo cách vừa phiến diện vừa phải đạo chính trị.

Ta thấy rằng Frankopan đưa ra một loạt những nhận xét gay gắt (và thường tức cười) của người châu Âu về tính dối trá, tàn bạo hoặc bốc mùi của nhiều dân tộc Đông phương mà không động chạm đến những câu nhận xét đáng chú ý tương tự được tìm thấy trong các tác phẩm của Ả Rập và các nhà văn Đông phương khác khi nói về người phương Tây hay, ở phạm trù này, nói về người dân Nga hoặc dân tiểu lục địa Ấn Độ. Khi học giả thế kỷ 11 al-Biruni dám viết một tác phẩm đánh giá cao Hindu giáo, ông đã nêu rõ quan điểm khi đối lập cuốn sách của mình với thái độ thô bạo mà các nhà văn tiếng Ả rập trước đây vẫn dồn lên người Ấn Độ và tôn giáo của họ.

Cuộc đua giành vai nhân vật phản diện chính của Frankopan rất hấp dẫn, nhưng ít nhất người Mỹ có thể sánh ngang với người Huns, Tamerlane, Cortes và Anh. Tác giả bắt đầu nhẹ nhàng, dẫn dắt chúng ta rằng lễ Tạ ơn đầu tiên của Những người hành hương, vào năm 1621, đã được tổ chức "để đánh dấu việc cập bến an toàn tới vùng đất rộng lớn đồng thời còn là sự tưởng niệm chiến dịch chống lại toàn cầu hóa". Khi viết đến thế kỷ 20, ông rất hăng say, cho rằng — không phải không có cơ sở — với Iran, nước Mỹ luôn sẵn sàng "chơi trò hai mặt và lừa gạt" ở mọi thời điểm, và lên án các cuộc tấn công vào Afghanistan và Iraq, nhưng không có sự phân biệt giữa hai trường hợp này hoặc tìm hiểu sâu hơn về bối cảnh trong nước ở cả hai quốc gia trên. Frankopan sau đó, một cách hợp lý, cáo buộc Washington về việc "thỏa thuận và giao kèo theo kiểu được chăng hay chớ, giải quyết các vấn đề trước mắt mà không lo lắng về hậu quả tương lai."

Đây không phải cuốn sách đầu tiên coi cư dân đa dạng của khối lục địa Âu Á như một thể duy nhất chứ không phải là tập hợp các tiểu vùng và dân tộc tự trị lớn. Tuy nhiên, điểm mạnh chính yếu của nó là ở chỗ tập trung trực tiếp và nhất quán vào mậu dịch như là động cơ chính cho hội nhập trong khu vực. Frankopan nhấn mạnh luận điểm quan trọng này với sự kiên trì và tính rõ ràng. Người ta có thể châm chọc hoặc cười khẩy một số thành kiến và tính lập dị của tac giả, nhưng rút cuộc ông cũng đã đem lại ích không nhỏ cho chúng ta.

Quỳnh Anh
Washington Post

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc