Gorbachev: His Life and Times

Gorbachev đã trở thành người chủ trương đường lối thay đổi cấp tiến như thế nào?

Gần cuối cuốn tiểu sử mới về Mikhail Gorbachev, tác giả William Taubman miêu tả
Tổng thống Nga và vợ ông, Raisa, nghỉ mát tại Foros ở mũi phía Nam bán đảo Crimea, đi dạo dọc theo bờ biển chỉ vài ngày trước cuộc đảo chính thất bại năm 1991. Đó đã là thói quen của hai người trong nhiều năm, họ vừa đi bộ vừa cùng nhau trò chuyện rôm rả. Họ tranh luận: Các nhà lãnh đạo chính trị được định hình theo tính cách hay do tình thế? Hai người cùng đồng ý rằng các nhà lãnh đạo 'dẫn dắt' lịch sử như 'cưỡi trên lưng hổ', và điều này khiến họ mạnh mẽ nhất. Theo tác giả Taubman, hai người kết luận "Thời thế nâng tầm các nhà lãnh đạo, và thường biến những đặc điểm thoạt nhìn tưởng là điểm yếu trở thành thế mạnh.”

Đây là câu hỏi thiết yếu về Gorbachev và giai đoạn lịch sử quan trọng ông đã tạo nên. Làm thế nào một người con nhà nông dân ở một tỉnh xa xôi trong Liên bang Xô viết, đến trường Đại học Moscow "ăn nói và nom rõ hai lúa", trở thành lãnh đạo Đảng Cộng Sản địa phương, thành người
dưới trướng Giám đốc KGB Yuri Andropov, và luôn giữ "tuyển tập tác phẩm Lenin đầy đánh dấu trang trên bàn làm việc của mình" sẽ lãnh đạo Liên bang Xô viết vượt qua bờ vực thẳm, chấm dứt Chiến tranh Lạnh và tiêu diệt ý thức hệ cộng sản mà chính ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng trong các sách của Lenin?

Câu trả lời được dệt nên qua những trang sách của cuốn tiểu sử giàu thông tin khai sáng này. Tác giả Taubman, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại trường Amherst, tác giả của cuốn tiểu sử đoạt giải Pulitzer về Nikita Khrushchev, dành một phần ba tác phẩm này cho những năm đầu của Gorbachev, và bằng kỹ năng viết xuất sắc, đã cho thấy quá trình phát triển rất quan trọng cho những hành động sau này của Gorbachev. Taubman cho thấy khi Gorbachev thăng tiến, ông dần hoài nghi sâu sắc về tất cả những gì mình nhìn thấy. Mối hoài nghi này lên đến đỉnh điểm khi ông nhậm chức vào tháng 3 năm 1985, thể hiện qua lời ông nói với Raisa khi cùng đi tản bộ: "Chúng ta không thể cứ sống mãi như thế này được." Gorbachev là một nhà lãnh đạo, một tác nhân thay đổi cấp tiến vô hình âm thầm tiến vào Bộ Chính trị Liên Xô cứng nhắc và bảo thủ. Nhưng ý định của ông không phải phá bỏ nó. Ông nghĩ mình có thể cứu Liên Xô và làm cho chủ nghĩa xã hội lại trở nên vĩ đại. Qua ngòi bút tác giả Taubman, cuộc hành trình là câu chuyện phi thường về trận đấu căng thẳng giữa một người đàn ông và lịch sử. Người đó đã chiến thắng bằng cách thua cuộc.

Gorbachev, từ thời trẻ, đã nhìn thấy khoảng cách khổng lồ giữa khẩu hiệu của Đảng Cộng sản với điều kiện sống nghèo nàn và môi trường khắc nghiệt của cuộc sống hằng ngày. Các bạn học năm nhất của ông tại Đại học Moscow có lẽ đã nhạo báng anh sinh viên hai lúa mặc chiếc áo gắn huy hiệu được nhiều người thèm muốn "Huân chương Cờ đỏ Lao động" mà ông giành được trong năm mùa hè giúp cha mình vận hành chiếc máy gặt đập liên hợp khổng lồ, nhưng Gorbachev cũng biết, biết rõ hơn họ, rằng phong trào hợp tác xã của Stalin đã khiến nông thôn rơi vào thảm hoạ.

Sau đó, trong công việc đầu tiên ở Đảng, ông viết thư cho vợ tương lai của mình rằng các lãnh đạo địa phương rất "đáng ghê tởm" trong cách cư xử: ngạo mạn, mặt dày trơ trẽn và hủ lậu. Bản thân cũng là lãnh đạo Đảng ở địa phương, ông đã bàng hoàng khi thấy ngôi làng Gorkaya Balka (Thung lũng Đắng cay) xa xôi gồm toàn "những căn chòi thấp xả đầy khói, những hàng rào xiêu vẹo đen thui" và hỏi: "Sao có thể vậy, ai có thể người sống được như thế chứ?" Tuy nhiên sau đó, Gorbachev tham gia một đoàn đại biểu Liên Xô đến thăm Tiệp Khắc sau khi quân đội Liên Xô đè bẹp Mùa xuân Prague năm 1968. Tại Brno, công nhân nhà máy quay lưng lại với ông, và ông rút ra bài học là việc Moscow sử dụng vũ lực đã không giải quyết được điều gì cả. Gorbachev bắt đầu đặt dấu hỏi về mức độ tập trung hóa quá cao của hệ thống Liên Xô. Những hoài nghi ấy tiếp tục trong chuyến thăm Canada năm 1983, khi Gorbachev đã liều lĩnh, trong lúc đi dạo vườn hoa lúc nghỉ giữa giờ với Alexander Yakovlev -- người sau này là đại sứ Liên Xô tại Canada, tâm sự những mối lo âu sâu sắc của mình. Yakovlev sau này trở thành kiến trúc sư cho tư duy mới của Gorbachev.

Gorbachev mang theo những hoài nghi này khi lên nắm chức Tổng thư ký Liên Xô và sau này là Tổng thống, bắt đầu cuộc cải cách chấn động thế giới, nhưng vẫn thận trọng lèo lái chính trị -- cố gắng không làm những người bảo thủ thấy 'chướng tai gai mắt', khao khát thay đổi nhanh và triệt để hơn, và cảm thấy nản chí vì không biết làm sao để đạt được mục tiêu. Tác giả Taubman miêu tả Gorbachev như một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và dám "tiến xa", một nhà lãnh đạo với "sự lạc quan bẩm sinh và sự tự tin, trí tuệ đáng khâm phục" và khát vọng mạnh mẽ để chứng tỏ bản thân, nhưng cũng là một người theo chủ nghĩa tiệm tiến bị suy yếu bởi sự không chắc chắn từ ban đầu và không sẵn lòng từ bỏ hệ thống Liên Xô.

Hết lần này đến lần khác, các ý định cấp tiến của Gorbachev đều bị đánh giá thấp. Khi ông nói với các nhà lãnh đạo Đông Âu vào năm 1985 rằng ông sẽ không áp đặt các mệnh lệnh của Moscow lên họ — một nhận xét xuất phát từ sự ghê tởm của ông với Mùa xuân Prague và sự chán ghét của ông đối với việc sử dụng vũ lực — thì họ đơn giản không hiểu được. Tác giả Taubman cho rằng các nhà lãnh đạo Hiệp ước Warsaw “đã rời đi với niềm tin rằng ông sẽ không bỏ rơi họ, mà sẽ cứu họ khỏi cái huyệt họ tự đào cho chính mình.” Gorbachev nói là làm, và bốn năm sau đó, ông đã không cứu họ khi Bức tường Berlin sụp đổ và kéo họ theo cùng. Tương tự, khi Gorbachev đề xuất vào tháng 1 năm 1986 việc giải trừ tất cả vũ khí hạt nhân vào cuối thế kỷ, ông đang nhắc lại những lời tuyên truyền của Liên Xô trong nhiều năm qua, và nó đã bị coi vẫn chỉ là tuyên truyền mà thôi. Nhưng Gorbachev "đã rất nghiêm túc," tác giả Taubman cho hay, và quyết tâm khiến Tổng thống Ronald Reagan bất ngờ tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Tháng 10, ông đã làm điều đó tại Reykjavik. Mặc dù nhiều người trong hội nghị thượng đỉnh—bao gồm cả tôi—cho rằng đây là một thất bại vì bế tắc trong Sáng kiến Quốc phòng Chiến lược của Reagan, Gorbachev nhận ra đây là bước đi đầu tiên để kìm hãm cuộc chạy đua hạt nhân.

Ở trong nước, Gorbachev mở cửa hệ thống bế quan cũ kỹ của Liên Xô. Năm 1989, một cơ quan lập pháp mới, Đại hội đại biểu nhân dân, đã được tuyển chọn trong cuộc bầu cử tương đối tự do đầu tiên kể từ cuộc Cách mạng Bolshevik. Gorbachev ra lệnh đưa cuộc vận động của quốc hội lên truyền hình, và cả nước sững sờ trước những tranh luận và chỉ trích công khai. Nhưng những thay đổi ngoạn mục của Gorbachev đã khiến mọi loại lực ly tâm vượt khỏi tầm kiểm soát của ông, bao gồm khao khát độc lập trong số các nước cộng hòa Xô viết. Tác giả Taubman cũng cho thấy ảnh hưởng suy nhược do cạnh tranh của Gorbachev với Boris Yeltsin hung hăng. Nhìn lại, Gorbachev chưa tiến đủ xa. Ông lẽ ra nên rời bỏ đảng, hạ chiếc khiên bảo vệ cũ kỹ, và tự mình bắt đầu xây dựng một nền dân chủ xã hội. Do ông không sẵn lòng thực hiện những hành động như vậy nên đã mắc kẹt trên boong của con tàu đang chìm.

Hạt nhân thối rữa trong hệ thống Liên Xô là nền kinh tế, nhưng Gorbachev chỉ thực hiện những biện pháp nửa vời và không thể thực hiện cú nhảy vọt vào chủ nghĩa tư bản, đi ngược lại kế hoạch "500 ngày" của Grigory Yavlinsky để chuyển sang nền kinh tế thị trường. Tác giả Taubman không dừng lại ở đó, và một trong những thay đổi đáng chú ý nhất của thời đại Gorbachev, vẫn còn được nhắc lại ngày nay, là các hợp tác xã, các doanh nghiệp tư nhân đầu tiên, từ đó các đầu sỏ chính trị thời Yeltsin được hưởng "quả ngọt" lợi nhuận đầu tiên. (Tiết lộ: Tôi đã chia sẻ một số tài liệu nghiên cứu với Taubman, và chúng tôi từng tham gia hội thảo với Gorbachev ở Moscow.)

Với tất cả những điểm yếu của mình, Gorbachev đã mở con đường dẫn tới nền dân chủ cho hàng chục triệu người, giải tỏa Chiến tranh Lạnh đã khóa thế giới vào cuộc đối đầu trong bốn thập kỷ và phá tan tành chủ nghĩa cộng sản Liên Xô tại cái nôi của nó. Trong lời tóm lược xuất sắc cho cuốn sách, Taubman khẳng định, "Liên Xô sụp đổ khi Gorbachev làm suy yếu nhà nước trong nỗ lực truyền sức mạnh cho các cá nhân." Những thành tựu của Gorbachev và cuộc đấu tranh của ông không được đánh giá cao ở Nga hay các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Nhưng có lẽ một ngày nào đó, một bức tượng sẽ được dựng lên để tôn vinh một anh nhà quê hai lúa -- người đã đi vào lịch sử và đẩy chủ nghĩa độc tài toàn trị xuống mồ.

Quỳnh Anh
Washington Post

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc