Nơi nương tựa vững chãi

Mỗi khi trở về sau một chuyến đi dài mệt nhọc, vừa mở cửa bước vào nhà là chúng ta lập tức thấy khoẻ nhẹ, thoải mái ngay. Cũng như sau một ngày làm việc, phải đối phó với những biến cố, những khó khăn của đời sống hàng ngày, khi được về nhà, được ngồi hoặc nằm nghỉ trong căn phòng của mình ta thấy rất dễ chịu, và căn phòng đó thật quen thuộc, ấm áp. Thực tập trở về hải đảo tự thân cũng giống như vậy. Trong ta có sẵn một vùng rất êm ấm, an ninh. Mỗi khi ta nương theo hơi thở để trở về vùng đất đó thì ta cảm thấy rất bình an, thấy mình được che chở. Cái đó gọi là hải đảo tự thân. Trước khi đức Thế Tôn nhập diệt Ngài cũng có dạy về điều này, nương tựa hải đảo tự thân.
Quê hương bình yên, êm ấm ấy vốn đã có sẵn trong tâm ta. Mỗi khi muốn trở về, ta không cần tốn tiền và mất thời gian đi máy bay hay tàu hỏa mà chỉ cần nương vào hơi thở có ý thức là chúng ta lập tức chạm chân tới miền đất an lành đó. Và quê hương ấy, căn nhà an toàn ấy đi đâu ta cũng mang theo. Tại vì cái hải đảo đó không nằm ở không gian hay ở thời gian ngoài kia mà nó nằm ở trong tâm ta.
Đức Thế Tôn dạy chúng ta phải thường xuyên trở về với hải đảo tự thân của mình. Khi mở những cánh cửa giác quan thì chúng ta tiếp xúc với những cái thấy, cái nghe, cái xúc chạm từ bên ngoài. Những pháp trần này như những luồng gió thổi vào căn nhà của ta. Nó làm xáo trộn tâm ta. Cho nên khi trở về, chúng ta phải đóng bớt những cánh cửa giác quan lại.
Đạo Bụt nói tới hai loại tâm thức: một phần tâm thức lớn gọi là tàng thức; một cái thức nhỏ hơn gọi là ý thức, đây là cánh cửa mở ra đón nhận thế giới bên ngoài. Trong đời sống hàng ngày, những âm thanh, những hình ảnh, những bận rộn, lo toan, những ồn ào cụ thể ở bên ngoài sẽ đi vào trong ý thức để rồi rơi vào tàng thức. Nếu những ngọn gió đó mang nhiều ô nhiễm mà cứ ồ ạt thổi vào những cánh cửa giác quan của ta thì sẽ làm cho ta mệt mỏi. Những lúc ấy ta nên đóng cửa lại, ở yên trong “ngôi nhà của mình”. Duy trì hơi thở vào ra có ý thức trong khoảng vài phút thì tâm sẽ bình an trở lại. Đối với người biết thực tập thì chỉ cần một, hai phút là lấy lại được trạng thái cân bằng.
Mỗi khi lên giường tắt đèn đi ngủ, ta nằm nghiêng trong tư thế “Sư tử toạ” đó là thế nằm nghiêng về phía bên phải, trở về với ngôi nhà chân thật của mình và thở. Ta không còn nghe gì nữa, không nói gì nữa. Ta hoàn toàn trở về với chính mình và thở thật bình an. Sau vài ba hơi thở, tự nhiên căn phòng đó trở nên êm dịu, ấm áp, rất thoải mái. Nếu đã quen với phương pháp thở có ý thức, thì chỉ nội trong vài phút là tâm ta có sự lắng dịu và bình an. Và sự lắng dịu, bình an ấy sẽ thấm nhuần giúp nuôi dưỡng và trị liệu những khổ đau trong thân tâm ta.
Có những người không bao giờ cưỡng lại được sự rong ruổi. Họ không biết cách trở về hải đảo tự thân để được nuôi dưỡng. Chúng ta là những người có rất nhiều phước đức nên đã may mắn biết tới phương pháp theo dõi hơi thở để trở về nơi hải đảo tự thân. Và phải biết thêm rằng, nếu thực tập cho giỏi thì trong cái hải đảo tự thân đó vốn có sẵn chim muông, cỏ cây, hoa lá; có suối, bướm, hoa, trời xanh, mây trắng ở trong. Ban đầu ta nghĩ, chỉ có thế giới bên ngoài mới có mặt trời, mới có hoa lá cỏ cây. Nhưng kỳ thực, ở trong này cũng có. Và có khi nó còn đẹp hơn cả ở bên  ngoài. Chúng ta từng đi qua những giấc mơ, trong đó có những hình ảnh, những âm thanh còn đẹp hơn bên ngoài. Vì vậy, ở trong thế giới này cũng có thể có trời xanh, mây trắng. Và tất cả những cái đó đều là những hạt giống ta đã gieo, nay nó trở về và biểu hiện lên bề mặt ý thức. Mây và nắng không hẳn chỉ ở ngoài, mây và nắng nằm cả ở bên trong. Mỗi người phải biết tự chế ra mây, gầy ra nắng, để tới khi bên ngoài không còn mây, không còn nắng thì trong lòng mình vẫn đầy ắp mây trắng nắng vàng. Nhà thơ Mai Thảo đã viết:  


“Hãy chế lấy mây và gầy lấy nắng.
Chế lấy đừng vay mượn đất trời.

Để khi nhật nguyệt còn xa vắng,
Đầu hè vẫn có ánh trăng soi.”

Taken at Bongeunsa Temple, Korea
 Ánh trăng này là từ trong tâm chiếu ra. Hàng ngày, mỗi khi thực tập thiền hành, thiền toạ ; mỗi khi tiếp xúc được với những mầu nhiệm như nụ hoa, đám mây, giọt nắng, bầu trời xanh, thì tất cả những cái đó đều đi vào tàng thức của ta và trở thành “của để dành” của ta. Thay vì để dành tiền bạc thì ta để dành nắng, để dành mây, để dành niềm hạnh phúc, để dành sự bình an. Đó chính là tu tập.
...
Ngồi thiền
Ngồi là một trong bốn tư thế của con người: đi, đứng, nằm, ngồi; gọi là tứ uy nghi. Ai trong chúng ta cũng muốn mình ngồi thật đẹp, ngồi thật hạnh phúc. Vì vậy, mỗi người cần phải tìm ra cái thế ngồi mà mình cảm thấy vững chãi, hạnh phúc nhất. Khi đã tìm được một thế ngồi thích hợp thì ta mới có thể ngồi lâu được. Ta có thể ngồi được nửa giờ, bốn mươi lăm phút, một giờ hoặc có thể là một giờ rưỡi. Điều này tùy theo khả năng của mỗi người.
Khi ngồi thiền chúng ta thường hay ngồi trong tư thế kiết già, đó là thế ngồi vững chãi nhất. Nếu không ngồi được kiết già thì ta có thể ngồi bán già, hoặc tìm một thế ngồi nào thích hợp với mình, như ta có thể ngồi trên một chiếc ghế, buông hai chân chạm đất. Tư thế nào cũng được miễn sao ngồi cho thật vững chãi, thật thoải mái, dễ chịu là được.
Tập ngồi thiền, trước hết phải học cách dừng lại. Đầu tiên là dừng lại những hoạt động của thân, kế đến là dừng lại những hoạt động của tâm. Trong khi ngồi thiền, trước hết ta để ý tới hơi thở. Thở vào ta có thể nói: “Con mời Bụt thở bằng phổi của con”. Vừa mời xong thì lập tức Bụt sử dụng phổi của ta để thở liền. Trong khi thở như vậy, cơ thể của ta rất buông thư và ta nếm được pháp lạc. Chỉ khi nào ngồi thiền mà có pháp lạc thì khi ấy ta biết rằng ta đang thở đúng. Còn ngồi thiền mà không có pháp lạc tức là ta đang thở sai rồi đó. Có thể là lúc ấy bạn đang cố gắng quá nhiều, dụng công quá nhiều nên bạn cảm thấy cả thân lẫn tâm mình bị căng thẳng. Thở chứ có làm gì đâu mà phải dụng công?



Tiếp theo, ta mời Bụt ngồi bằng cái lưng của mình. Mời xong thì cái lưng của ta tự động thẳng lên bởi vì một khi Bụt đã ngồi thì Bụt ngồi rất thẳng. Ta ngồi với cái lưng của Bụt chứ nhất định không chịu ngồi với cái lưng của bà ngoại.

Chúng ta bắt đầu ngồi thiền bằng việc điều thân và điều tức. Điều thân là điều chỉnh tư thế ngồi của mình cho ngay ngắn, buông thư. Đầu không cúi xuống quá cũng không ngước lên, thân buông thư thật thoải mái. Điều tức là  điều hòa hơi thở. Hơi thở có ý thức làm cho tâm thấm vào trong thân và thân thấm vào trong tâm. Khi thân tâm đã nhất như, đã buông thư rồi thì trong người sẽ khoẻ nhẹ, dễ chịu. Mỗi khi ngồi thiền chúng ta đều phải làm việc này trước hết. Làm sao để mỗi khi ngồi thiền thân tâm phải buông thư, phải cảm thấy dễ chịu, thư thái trong giây phút ấy.
Bạn chỉ ngồi đó và để ý tới hơi thở mà không cần phải làm gì hết vì cuống óc đã phụ trách nhịp thở và nhịp đập của trái tim rồi. Còn nếu muốn thì bạn có thể kéo dài nhịp thở của mình để có thêm pháp lạc. Thành ra, khi mình thở vào, thở ra có ý thức thì hai cánh tay, hai bờ vai rồi toàn thân từ từ được buông thư trọn vẹn. Khi thấy thân của mình đang thư giãn, nhịp đập của trái tim chậm lại, tức là khi ấy hệ thống miễn dịch đang được củng cố. Lúc này cơ thể của mình có khả năng tự trị liệu được những đau đớn trong thân cũng nhưng trong tâm. 
Ôm ấp niềm đau



Trong chúng ta ai cũng có một chút bệnh, không bệnh nhiều thì bệnh ít. Theo dõi hơi thở, ngồi thiền, thiền hành có thể giúp điều trị, làm giảm bớt và chấm dứt những căn bệnh đó. Sự trị liệu này xảy ra trong từng giây phút. Khi theo dõi hơi thở và buông thư, hơi thở vào có thể là ba hoặc bốn giây, hơi thở ra có thể là năm hoặc bảy giây, thì ba bốn giây, hay năm bảy giây ấy đã là trị liệu rồi. Điều này đúng cho cả thân và tâm. Khi trong tâm có những buồn phiền, lo lắng, bực bội thì hơi thở chánh niệm sẽ ôm lấy tâm hành đó, làm cho tâm hành đó lắng dịu xuống. 

Cảm xúc là một năng lượng, cảm thọ là một năng lượng, và năng lượng đó có thể làm cho ta dễ chịu hay khó chịu. Khi có một cảm xúc mạnh thì ta không có bình an, dù đó là cảm xúc vui hay cảm xúc buồn. Có nhiều người nghe tin mình trúng số độc đắc, rồi vì vui mừng quá mà lăn đùng ra ngất xỉu. Vì vậy, biết thực tập hơi thở thường xuyên thì ta sẽ có khả năng nhận diện và ôm lấy cảm xúc, ôm lấy cảm thọ khi gặp những chuyện bất ngờ xảy tới. Lúc ấy ta sẽ không bị những cảm xúc mạnh chi phối vì ta đã buông thư những cảm thọ đó rồi. Cái đó gọi là an tịnh tâm hành. Trong kinh “An Ban Thủ Ý” có một bài thực tập gọi là “an tịnh thân hành”, tức là làm cho thân an tịnh và buông thư. Rồi lại có một bài thực tập khác nữa gọi là “an tịnh tâm hành”, tức là làm cho những cảm giác, cảm xúc của ta lắng dịu lại. Sau khi đã buông thư cái thân rồi thì tiến tới bước thứ hai là buông thư cái tâm. 

Nếu đang hờn giận hay buồn phiền, thì ta phải trở về với hơi thở liền lập tức. Biết trở về với hơi thở thì những cảm xúc mạnh ấy sẽ yếu dần đi. Nếu  cảm thọ khổ đau lớn quá thì ta quán chiếu thêm một chút nữa về người kia, cái người mà ta nghĩ rằng đã làm cho ta buồn khổ. Nếu nhìn sâu vào họ, ta sẽ thấy rằng chính người kia cũng đang đau khổ. Người ấy có những thói quen không tốt nhưng người ấy lại không có khả năng quản lý, điều phục được nó, cho nên người đó đang tự làm khổ chính mình và làm khổ những người chung quanh. Người đó là nạn nhân của chính người đó. Khi thấy được người ấy đang khổ sở thì ta có thể phát khởi được tâm từ bi tại vì trong ta có sẵn hạt giống của tình thương. Hễ thấy ai khổ thì ta thương. Sở dĩ ta ghét người kia, ta không thể thương được họ là vì ta không thấy được nỗi khổ của họ. Một khi đã thấy thì tự nhiên ta thương được, một khi tình thương đã phát khởi thì lòng ta sẽ trở nên mát mẻ không còn bị nóng bức nữa. Vì vậy cho nên cái nẻo về của tâm ý vốn có thể được thay đổi. 

Chúng ta thường có hai khuynh hướng tư duy, một là đi tới cái giận, hai là đi tới cái thương. Nhưng khổ nỗi tư duy của ta cứ thích chạy về phía giận hờn và trừng phạt. Ta vốn có sẵn cục giận ở trong lòng nên mỗi khi nghe điều gì không vừa tai, thấy cái gì không hợp mắt thì cái giận bị kích thích và chúng ta bị kéo đi theo lối giận hờn. Khi giận, ta muốn trừng phạt người kia - cái người dám làm cho ta khổ. Mình giận người ấy vì không biết rằng người ấy cũng đang đau khổ,  không biết rằng vì họ đau khổ nên họ mới nói và làm cho ta đau khổ. Khi quán chiếu và thấy được nỗi khổ của người ấy rồi thì lập tức tâm của ta sẽ tự động rẽ sang một ngả khác, ngả của thương yêu. Lúc đó lòng ta khoẻ nhẹ và tâm hành được an tịnh mau chóng. 

Tôi có viết một câu thiền ngữ : “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”. Nhìn lại để thương tức là nhìn lại để thấy cái người đã làm mình khổ, người ấy cũng đang đau khổ lắm. Vì họ đau khổ nên họ mới vung vãi khổ đau của họ lên ta. Và nhìn lại để thấy rằng trong quá khứ ta cũng đã từng chịu ơn người ấy. Thấy được hai điều này rồi thì tự nhiên cơn giận của ta tan biến và tình thương lập tức đơm hoa. Tâm hành giận hờn, cảm giác khổ đau trước đó từng làm cho ta điêu đứng, khốn đốn không sao trấn ngự được. Vậy mà khi có cái thấy kia tự nhiên ta an tịnh được tâm hành.
Con đã có đường đi - TS Thích Nhất Hạnh
Tags: transform

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc