Việt Nam cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút FDI

Việt Nam cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút FDI, đặc biệt từ các DNNVV Nhật Bản

Sáng ngày 22/3/2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Diễn đàn Phát triển Việt Nam (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế”.
 Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài trước đây chú trọng các công nghệ thâm dụng lao động và đã thành công trong việc giải quyết vấn đề việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2020, chính sách thu hút FDI cần chú trọng các dự án sử dụng công nghệ xanh, công nghệ mới, không gây mô nhiễm môi trường và nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm.

Ông Yasuaki Tanizaki,  Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, khuyến nghị Việt Nam cần cố gắng có những chính sách chú trọng, phát triển công nghệ hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp Nhật Bản vì các nước khác trong khối ASEAN cũng cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài và tạo nhiều điều kiện thuận lợi.

Cũng trong phần khai mạc, Ông Tsuno Monotori, Trưởng đại diện JICA đã giới thiệu các chương trình, chính sách của JICA về xúc tiến công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam trong đó có việc phái cử chuyên gia hỗ trợ chính sách công tác dài hạn ở Cục Đầu tư nước ngoài và Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). JICA cũng thực hiện 1 dự án tại Đại học Công nghiệp nhằm cải thiện nội dung giảng dạy và đào tạo giảng viên, và 1 dự án tổ chức các khóa học kinh doanh ở Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC). Sắp tới, JICA sẽ cử chuyên gia tư vấn phát triển địa phương tới thành phố Hải Phòng bắt đầu từ tháng 4/2012 để tư vấn các chính sách thu hút đầu tư.

Giáo sư Kenichi Ohno, Giám đốc Diễn đàn phát triển Việt Nam, người tâm huyết nghiên cứu Việt Nam từ năm 1995, nêu vấn đề hiện nay của Nhật Bản do già hóa dân số và khả năng kinh doanh của các DNNVV chế tạo, sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi, tăng cường công nghệ của các doanh nghiệp ở Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Thêm vào đó, đồng yên tăng giá mạnh trong những năm gần đây gây khó khăn các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật và việc thiếu hụt năng lượng và gián đoạn của chuỗi cung ứng do khủng hoảng điện hạt nhân từ đợt sóng thần vừa qua.

Giáo sư đánh giá tình hình tại Việt Nam mặc dù tăng trưởng cao trong quá khứ nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn chưa đủ để hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đến năm 2020, còn yếu kém về năng suất, công nghệ, nhân lực, môi trường và kinh tế vĩ mô không ổn định như lạm phát cao,  chi phí đầu vào tăng... Giáo sư lưu ý dưới sức ép toàn cầu hóa, thời hạn AFTA 2015 sắp đến gần và sự phát triển của các nước khác (bao gồm Myanma) có thể làm giảm đi tính cạnh tranh của Việt Nam và vốn FDI có thể rút khỏi Việt Nam.

Giáo sư Ohno lấy ví dụ như tại Thái Lan, mặc dù xảy ra lũ lụt và tình hình chính trị bất ổn, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đánh giá cao lợi thế của Thái Lan về các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nhân lành nghề và chính sách tốt. Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều tới Myanma, vốn ODA và hỗ trợ chính sách của Nhật Bản cũng đang được nối lại. Đối với Trung Quốc, vốn FDI từ Nhật tăng từ khi có chính sách mới của Trung Quốc nhằm thu hút FDI vào ngành công nghệ cao và thâm dụng vốn. Tại Indonesia, FDI của ngành ô tô và xe máy đang tăng lên. Trong khi đó, các nước Campuchia, Philippine, Ấn Độ... cũng đang xây dựng các khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Giáo sư lưu ý các nỗ lực thu hút DNNVV Nhật Bản đã được thực hiện tại 2 quốc gia, tuy nhiên các hoạt động này cần tích hợp với nhau để tạo ra một mạng lưới chính sách chặt chẽ, cần có sự chia sẻ và trao đổi thông tin thường xuyên giữa các chuyên gia và các cấp liên quan đến đầu tư giữa hai nước như kết nối các tổ chức hỗ trợ Nhật Bản (METI, chính quyền địa phương, Cục DNNVV, Phòng Thương mại và Công nghiệp, Đại sứ quán, JETRO, JICA v.v...).  Các địa phương cần nâng cấp khu công nghiệp, cung cấp nhà xưởng cho thuê cho DNNVV Nhật Bản chú ý quy mô thiết kế, boong tải, v.v cần phải phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp. Các địa phương cần thu hút các công ty chủ đạo (các nhà lắp ráp quy mô lớn) để tạo ra hiệu ứng Canon và nâng cao năng lực quy hoạch và đầu tư, lập kế hoạch và marketing FDI tại các tỉnh thành tiếp nhận đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần hiệu quả và đảm bảo nguồn cung ứng điện năng...

Ông Makoto Ryouke, Trợ lý Giám đốc, Bộ phận hỗ trợ sản xuất, công nghiệp và lao động thành phố Osaka, giới thiệu thành phố Osaka hiện có dân số gần 9 triệu người nhưng GDP 403 tỉ USD, gần bằng các nước Ả rập Xê út (467 tỉ), Na Uy (451 tỉ), Áo (413 tỉ). Osaka có 41 nghìn doanh nghiệp, đứng thứ nhất Nhật Bản và số lao động 561 nghìn người (đứng thứ hai Nhật Bản), trong đó, giá trị sản xuất của DNNVV là 110 tỉ usd, chiếm 62% tổng giá trị sản xuất các doanh nghiệp tại Osaka (cao nhất Nhật Bản). Hiện tại, Osaka có những doanh nghiệp lớn như công ty Takenaka sản xuất bulong không rỉ với 90% số lượng được dùng cho các nhà máy điện hạt nhân, tàu điện ngầm, cầu lớn... Các công ty đứng đầu thị trường ngách như Mitsumoto sản xuất ống thổi không bị mốc trong tiểu thủ công nghiệp; công ty Tokai sản xuất lò xo nhận 30 nghìn đơn hàng từ 960 doanh nghiệp một năm, hay những doanh nghiệp với công nghệ tiên tiến không thể bắt chước như doanh nghiệp Namitel sản xuất sợi cáp quang cho tàu ngầm... Ông Ryouke cũng giới thiệu các hoạt động hỗ trợ DNNVV tại Osaka như hỗ trợ kỹ thuật doanh nghiệp sản xuất có công nghệ tiên tiến, cải thiện QCD (chất lượng, chi phí, giao hàng), thúc đẩy sáng kiến quản lý và kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn và với các doanh nghiệp ở thị trường mới nổi ở châu Á.

Ông Muichi Hotta, Đại diện Cơ quan xúc tiến đầu tư ra nước ngoài thành phố Ota, Tokyo trình bày về xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các DNNVV Ota. Quận Ota rộng gần 60km2, nằm ở phía cực Nam Tokyo, là quận lớn nhất trong số 23 quận của Tokyo, nơi có sân bay  quốc tế Haneda và dân số của quận là 675 nghìn người. Lịch sử hình thành ngành công nghiệp ở đây bắt đầu từ khi Nhà máy Tokyo Gas được thành lập vào năm 1908, các doanh nghiệp gia tăng dần lên do Chiến tranh thế giới thứ nhất rồi bị trận động đất Great Kanto phá hủy hầu hết vào năm 1923. Sau đó, nhiều nhà máy sản xuất ô tô ra đời, rồi chuyển hướng sản xuất vũ khí vào những năm 1930, nhưng tiếp tục bị phá hủy bởi Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tuy nhiên, số doanh nghiệp cũng tăng nhanh trong thời kì Nhật Bản tăng trưởng thần kì những năm 1960-1970 và hiện các doanh nghiệp tập trung sản xuất nhiều về đồ kim loại, máy móc...

Hiện nay Ota có những doanh nghiệp hiện đại như công ty Kitajima Shibori sản xuất thiết bị cho vệ tinh không gian, hàng không và năng lượng hạt nhân, công ty Koden Industry sản xuất máy tính xử lý tín hiệu thông tin có thể đo lường, xác định vị trí, khoảng cách, độ sâu ở biển động, ví dụ một số sản phẩm hiện đại như radar phát hiện kim tự tháp cổ ở Ai Cập, máy  khoan siêu thanh dùng trong các công trình xây dựng công nghệ cao; công ty Yasuhisa Koki sản xuất tim nhân tạo trong y tế... Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp ở Ota cũng gặp những vấn đề như thuế thu nhập doanh nghiệp cao, thuế xuất khẩu, và quá trình đàm phán FTA chậm chạp, đồng yen lên giá mạnh, chi phí lao động cao và điều luật về lao động khắt khe ở Nhật, yêu cầu giảm thiểu khí CO2, nguồn cung điện hạn chế và giá điện tăng... Số DNNVV của Ota đã giảm từ 9000 xuống còn 4000 doanh nghiệp do sát nhập và chuyển sang đầu tư ở nước ngoài. Khu công nghệ Ota ở Thái Lan đã được thành lập. Ông Hotta nêu yêu cầu đối với Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản như mong muốn có môi trường chính sách thu hút đầu tư ổn định, đăng kí kinh doanh dễ dàng hơn, dịch vụ thu hút đầu tư một cửa và thay đổi suy nghĩ đối tác Việt Nam về hợp tác “đôi bên cùng có lợi”...

Kết thúc Hội thảo, các đại biểu nhất trí các DNNVV Nhật Bản khi tìm kiếm địa điểm đầu tư ở Việt Nam bao giờ cũng định hướng vào các KCN do không đủ khả năng tài chính mua quyền sử dụng đất xây dựng cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, các KCN của Việt Nam vẫn còn thiếu đồng bộ và thiếu các giải pháp hợp lý về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo để thu hút các doanh nghiệp của Nhật. Do đó, các địa phương Việt Nam cần nâng cấp các khu công nghiệp, có chính sách đồng bộ phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối với cảng biển, sân bay, các thành phố lớn; đồng thời, nâng cao chất lượng điện, xúc tiến dịch vụ một cửa, cải thiện thủ tục hải quan, dịch vụ hỗ trợ, v.v... nhằm thu hút và tận dụng tốt hơn nguồn vốn FDI, đặc biệt từ các doanh nghiệp Nhật Bản.

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc