Cuộc chơi được mất

Thí nghiệm "cuộc chơi được mất" có lẽ là thí nghiệm nổi tiếng nhất trong kinh tế học hành vi. Luật chơi đơn giản. Người làm thí nghiệm xếp cặp hai người với nhau. (Họ có thể giao tiếp với nhau, nhưng mặt khác lại giấu tên nhau.) Họ được nhận 10 đô la để chia cho nhau, theo luật như thế này: Một người (người đề xuất) tự mình quyết định việc chia như thế nào (50/50, 70/30 hay bất cứ tỷ lệ nào.) Sau đó, anh ta đưa ra lời đề nghị nhận-hay-không-nhận cho người kia (người đáp lại). Người đáp lại có thể chấp nhận lời đề nghị, khi đó cả hai người chơi đút túi phần tiền tương ứng của họ; hoặc từ chối lời đề nghị, trong trường hợp này cả hai người chơi đều phải ra về trắng tay.

Lúc này, nếu cả hai người chơi đều có lý trí thì người đề xuất sẽ giữ 9 đô la cho mình và đưa 1 đô la cho người đáp lại và người đáp lại sẽ nhận lấy. Suy cho cùng, dù lời đề nghị như thế nào, thì người đáp lại cũng nên chấp nhận, bởi vì nếu chấp nhận anh ta sẽ được một khoản tiền, còn nếu từ chối anh ta sẽ chẳng được đồng nào. Người đề nghị có lý trí nhận thấy điều này ngay nên sẽ đưa ra lời đề nghị rất thấp.

Tuy nhiên, trong thực tế, điều này hầu như không bao giờ xảy ra. Thay vào đó, những lời đề nghị quá thấp - bất cứ cái gì dưới 2 đô la - thường bị từ chối. Hãy nghĩ một chút xem điều này nghĩa là gì. Người ta thà không có gì còn hơn là để "đối tác" thắng được quá nhiều tiền. Họ thậm chí từ bỏ khoản tiền cho không để trừng phạt cái mà có lẽ họ coi là hành vi tham lam hay ích kỷ. Và điều thú vị là những người đề nghị đoán trước được việc này - có lẽ vì họ biết họ sẽ hành động tương tự nếu ở vị trí là người đáp lại. Do vậy, những người đề nghị trước hết sẽ không đưa ra nhiều lời đề nghị rẻ mạt. Lời đề nghị phổ biến nhất trong cuộc chơi được - mất trên thực tế là 5 đô la và lời đề nghị keo kiệt thường là khoảng 4 đô la.

Bây giờ, đây là cách hình dung về hình ảnh hành vi con người của "người có lý trí". Những người chơi trong cuộc chơi được - mất không chọn cái có lợi nhất về mặt vật chất cho mình và sự lựa chọn của họ rõ ràng hoàn toàn phụ thuộc vào việc người kia làm. Mọi người tham gia cuộc chơi được - mất theo cách này ở khắp mọi nơi trong thế giới phát triển: các nghiên cứu xuyên quốc gia về những người chơi ở Nhật, Nga, Mỹ và Pháp tất cả đều chứng minh hiện tượng giống nhau. Và việc tăng lượng tiền chơi dường như không quan trọng lắm. Rõ ràng, nếu người đề nghị có được cơ hội để chia 1 triệu đô la, thì người đáp lại có thể không khước từ khoản tiền 100.000 đô la chỉ để chứng minh một ý kiến. Tuy nhiên, cuộc chơi này đã diễn ra ở những nước như Indonesia, nơi số tiền có thể có được từ cuộc chơi tương đương với tiền công của ba ngày làm việc, nhưng những người đáp lại vẫn từ chối các lời đề nghị quá thấp.

Không chỉ có con người hành động theo cách này. Trong một nghiên cứu tình cờ được công bố vào ngày Dick Grasso* từ chức, hai nhà nghiên cứu bộ môn động vật linh trưởng là Sarah Brosnan và Frans B. M de Waal cho thấy những con cái trong loài khỉ mũ cũng nổi giận trước những phần chia bất công bằng. Những con khỉ này được huấn luyện theo cách chúng phải đưa cho Brosnan một viên đá granit để đổi lấy thức ăn. Tiền công, có thể nói như vậy, là một lát dưa chuột. Bầy khỉ làm việc theo cặp và khi cả hai con đều được thưởng dưa chuột, thì chúng đổi đá lấy thức ăn trong 95% lần. Hoạt động kinh tế thị trường dân dã này bị đổ vỡ khi các nhà khoa học thay đổi quy luật, thưởng trái nho thơm ngon cho một con, còn con kia vẫn chỉ được dưa chuột. Trước sự bất công này, những con khỉ bị bạc đãi thường từ chối ăn dưa chuột của chúng và có 40% lần đã ngừng việc trao đổi hoàn toàn. Mọi việc chỉ trở nên tồi tệ hơn khi một con được nhận nho mà không hề làm gì cả. Trong trường hợp này, con khỉ kia thường ném viên đá đi và việc trao đổi chỉ diễn ra có 20% tổng số lần trao đổi. Nói cách khác, những con khỉ mũ sẵn sàng từ bỏ thức ăn rẻ mạt - xét cho cùng, một viên đã đổi lấy một lát dưa chuột có vẻ là một vụ thỏa thuận khá tốt - chỉ đơn giản để bày tỏ sự bất bình trước phần thưởng hậu hĩnh bỗng dưng có được của bạn mình. Có lẽ nếu chúng có cơ hội ngăn không cho bạn nhận được phần thưởng đó - như những người chơi trong cuộc chơi được - mất, thì chúng sẽ làm một cách vui sướng.

Điều đơn giản đó là: dù phần thưởng có "công bằng" theo một nghĩa nào đó, thì dường như vẫn có vấn đề đối với cả con người và loài khỉ mũ. Điều đó có vẻ giống như một việc rõ ràng cần phải nghĩ tới, nhưng lại không phải. Nếu con khỉ đã nghĩ viên đá đổi lấy lát dưa là một vụ trao đổi hợp lý và đã vui lòng làm việc này trước khi nhìn thấy bạn nhận được quả nho thì nó cũng nên vui vẻ thực hiện việc trao đổi sau đó chứ. Dù sao công việc của nó cũng không vất vả hơn chút nào, dưa chuột cũng không hề kém ngon hơn. (Hoặc, nếu có, đó là bởi vì nó bị ám ảnh bởi những gì khi bạn sẽ được nhận.) Chính vì vậy, nó nên giữ nguyên những cảm nghĩ về vụ làm ăn. Tương tự, những người đáp lại trong cuộc chơi được - mất được đề nghị cho một khoản tiền với "công việc" chỉ trong vài phút, chủ yếu là trả lời "có" hoặc "không". Từ chối khoản tiền cho không, trong hầu hết mọi trường hợp, là vô nghĩa. Nhưng người ta sẵn sàng làm như vậy để bảo đảm phân chia mọi thứ đều công bằng.

Điều này có phải là mọi người cho rằng, trong một thế giới lý tưởng, tất cả mọi người sẽ có số tiền như nhau hay không? Không. Nó có nghĩa là trong một thế giới lý tưởng, mọi người nên dừng lại ở số tiền họ đáng được hưởng. TRong phiên bản gốc của cuộc chơi được - mất, chỉ có vận may quyết định ai sẽ được là người đề xuất và ai sẽ là người đáp lại. Chính vì vậy, mọi người đều cảm thấy việc phân chia nên công bằng. Nhưng hành vi của mọi người trong cuộc chơi thay đổi đột ngột khi luật chơi thay đổi. Chẳng hạn, trong một biến thể thú vị nhất của cuộc chơi được - mất, thay vì phân công vai trò người đề xuất một cách ngẫu nhiên, các nhà nghiên cứu làm ra vẻ như những người đề xuất đã kiếm được vị trí của họ bằng cách thực hiện tốt hơn trong một cuộc kiểm tra. Trong các thí nghiệm đó, những lời đề nghị đưa ra với tỷ lệ rất thấp (khoảng 20%), tuy nhiên không một lời đề nghị nào bị từ chối. Mọi người hình như nghĩ rằng người đề xuất đã xứng đáng với vị trí của họ nên đáng được hưởng khoản tiền nhiều hơn.

Vậy thì, theo nghĩa đơn giản nhất, mọi người (và các chú khỉ mũ) đều muốn có mối quan hệ hợp lý giữa thành tích và phần thưởng. Đây chính là cái còn thiếu trong trường hợp của Grasso. Ông được nhận quá nhiều cho việc làm được quá ít. Chắc chắn Grasso rất giỏi trong công việc của mình. Nhưng ông không phải là người không thể thay thế, chẳng ai nghĩ sở giao dịch có thể sụp đổ nếu không có ông. Hơn nữa, công việc của ông không phải là một công việc 140 triệu đô la. Xét về độ phức tạp và tinh vi thì nó không thể sánh với, chẳng hạn, việc điều hành một ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên, Grasso lại được trả thù lao chẳng kém gì so với nhiều chủ tịch hội đồng quản trị ở phố Wall, chính những người này còn bị trả lương thấp.

Lòng thôi thúc đòi hỏi sự công bằng khiến Grasso phải rời khỏi cương vị là một thực tế tồn tại trong nhiều nền văn hóa, nhưng văn hóa có tác động lớn đến những gì được xem là công bằng. Ví dụ, các chủ tịch hội đồng quản trị ở Mỹ kiếm được nhiều tiền hơn rất nhiều so với các chủ tịch hội đồng quản trị ở châu Âu và Nhật và những khoản tiền lương có thể khiến người Đức gặp rắc rối chỉ làm người Mỹ chú ý trong chốc lát. Nói chung, bản thân những khoản thu nhập cao dường như không làm người Mỹ bận lòng nhiều - cho dù Mỹ là nước có sự phân phối thu nhập bất bình đẳng nhất trong các nước phát triển, các cuộc thăm dò dư luận bao giờ cũng cho thấy người Mỹ ít quan tâm đến sự bất bình đẳng hơn nhiều so với người châu Âu. Điều này có một lý do là người Mỹ có xu hướng tin rằng sự giàu có là kết quả của sáng kiến và kỹ năng, còn người châu Âu có xu hướng coi đó là sự may mắn. Người Mỹ thậm chí nghĩ nước Mỹ là một xã hội tương đối động, trong đó con em của giai cấp công nhân cũng có thể trở nên giàu có. Trớ trêu thay, chính Grasso cũng trưởng thành từ một cậu bé thuộc giai cấp công nhân. Nhưng dường như ngay cả người Mỹ, không phải phất lên bằng cách nào cũng được chấp nhận.

Chắc chắn, sự phẫn nộ trước khoản tiền Grasso được chi trả, xét về ý nghĩa kinh tế, là phi lý. Giống như hành vi của những người đáp lại trong cuộc chơi được - mất, sự phẫn nộ này là một ví dụ về cái mà nhà kinh tế học Samuel Bowles và Herbert Gintis gọi là "sự đền đáp rõ ràng" (strong reciprocity), tức là sự sốt sắng trừng phạt hành vi xấu (và ban thưởng cho hành vi tốt) cho dù bạn chẳng được lợi ích vật chất gì cho riêng mình khi làm như vậy. Và sự đền đáp rõ ràng này, dù phi lý hay không, vẫn là một "hành vi vị xã hội" vì nó thúc đẩy mọi người vượt ra ngoài định nghĩa hạn hẹp về lợi ích riêng và làm những việc mà cuối cùng sẽ phục vụ cho lợi ích chung, dù cố ý hay không. Những người có quan điểm đền đáp rõ ràng không phải là người vụ tha theo nghĩa truyền thống của từ này. Họ không từ chối những lời đề nghị quá thấp, hay buộc Dick Grasso phải từ bỏ, bỏi vì họ có lòng nhân ái. Họ từ chối lời đề nghị quá thấp vì những lời đề nghị đó xúc phạm đến ý thức cá nhân của họ về việc trao đổi công bằng. Nhưng tác động thì giống như việc họ yêu thương nhân loại: nhóm sẽ được lợi. Sự đền đáp rõ ràng rất có tác dụng. Những lời đề nghị trong cuộc chơi được - mất thường hợp tình hợp lý và khi đưa ra các lời đề nghị như vậy thì nên căn cứ vào cách xác lập các nguồn lợi từ đầu. Và lần sau, khi nghĩ tới việc thuê người làm chủ tịch hội đồng quản trị, có lẽ Sở giao dịch Chứng khoán New York sẽ nghiêm khắc hơn trong việc tính toán xem chức vụ này thực sự xứng đáng được hưởng bao nhiêu. Nói cách khác, những hành động cá nhân phi lý có thể tạo ra kết quả tập thể hợp lý.

* Dick Grasso: Tháng 9 năm 2003, Dick Grasso lúc đó đang làm Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán New York, là Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị sa thải chỉ đơn giản vì làm ra quá nhiều tiền - Khi có tin Sở giao dịch có kế hoạch trả cho Grasso tổng số tiền thanh toán tính gộp là 139,5 triệu đô la - bao gồm trợ cấp hưu trí, tiền trả chậm và các khoản tiền thưởng - công chúng lập tức phản ứng kịch liệt và trong những tuần sau đó những lời kêu gọi Grasso từ chức nhiều tới mức đinh tai nhức óc. Khi Hội đồng quản trị của Sở giao dịch (tất nhiên, chính là những người đã đồng ý trả cho ông khoản tiền 139,5 triệu đô la đầu tiên) đã yêu cầu Grasso từ chức, rõ ràng vì sự giận dữ của công chúng khiến họ không thể giữ ông lại.
P. 175 - The Wisdom of Crowds

Thí nghiệm nhóm gây áp lực buộc các thành viên tuân theo
Con người cần tư duy độc lập
Thuyết Bằng chứng xã hội
Thí nghiệm con khỉ Imo về sự bắt chước
Chiến lược định giá Goldilocks
Thí nghiệm "Kẻ chen ngang"
Cuộc chơi được mất
Lý do hợp tác
Giao thông tại Singapore
Đám đông khích động
Tags: book

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc