Truyền thuyết về sư tổ Bồ Đề Đạt Ma

Singapore, Feb 2012
Bồ Đề Đạt Ma được coi là sơ tổ của Thiền tông, người đã mang hành Thiền vào Trung Quốc vào thế kỉ 5. Một số nguồn cho rằng ngài là hoàng tử thứ ba con vua Pallava xứ Tamil, phía đông nam Ấn Độ, gần Sri Lanka này nay. Để truyền bá Phật giáo Đại thừa và võ thuật, ngài đã đi từ Ấn Độ sang Indonesia, từ đó sang Malaysia, Thái Lan, Việt Nam (khoảng năm 447, đời nhà Tống), rồi từ đây lên phương bắc tức Trung Quốc ngày nay. Tại Trung Quốc ngài còn có tên là "Bích Nhãn Hồ" (碧眼胡) có nghĩa là "kẻ ngoại bang mắt biếc". Ngài cũng được coi là vị tổ của môn phái võ Thiếu Lâm Tự.

Tục truyền vào năm 527, Bồ Đề Đạt Ma yết kiến Lương Vũ Đế – vua nước Lương, đồng thời là một nhà bảo trợ Phật giáo.

Vũ Đế hỏi: "Trẫm đã cho xây chùa, chép kinh, cứu vớt chư tăng, dựng tượng Phật không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?"
Đạt Ma đáp: "Không có công đức gì. Những việc bệ hạ đã làm đem lại nghiệp tốt trong thiên hạ, nhưng không phải công đức."
Vũ Đế: "Vậy ý nghĩa tối cao của chân lý cao thượng là gì?"
Đạt Ma: "Không có chân lý cao thượng, chỉ có sự trống rỗng."
Vũ Đế: "Ai đang đối diện với trẫm đây?"
Đạt Ma: "Tôi không biết."

Đạt Ma và gái làng chơi.
Tranh của hoạ sĩ Nhật Bản 
Katsukawa Shunkō 
(1743-1812).
Sau khi Đạt Ma lui, Vũ Đế hỏi quan thủ thư Đạt Ma là ai. Quan thủ thư thưa đó là hiện thân của Quan Âm Bồ Tát thuyết giảng về Tâm Phật. Vũ Đế tỏ ý tiếc, định phái sứ giả đi mời Đạt Ma quay lại song quan thủ thư can, nói nếu dân chúng toàn quốc có chạy theo mời, ngài cũng không quay lại nữa đâu.

Thấy Vũ Đế không hiểu chân tâm, Bồ Đề Đạt Ma bỏ nước Lương sang nước Bắc Ngụy, tới chùa Thiếu Lâm. Bị từ chối nhập chùa, ngài vào một cái hang gần đó ngồi thiền, mắt trân trân nhìn vào vách hang, không nói một lời nào. Để khỏi ngủ gật trong khi thiền, ngài đã cắt mí mắt cho mắt không nhắm lại được. Mí mắt ngài rơi xuống đất làm đâm chồi cây chè đầu tiên trên đất Trung Quốc. Từ đó trà trở thành đồ uống để giữ tỉnh táo trong khi thiền. Sau 9 năm ngồi thiền ngài được nhập chùa và giáo huấn tại đó. Một số sử sách khác lại chép rằng ngài đã tịch trong hang ở tư thế ngồi thẳng lưng, hai chân teo lại do ít vận động. Vì thế hình tượng Bồ Đề Đạt Ma tại Nhật Bản thường không có chân (Người Nhật gọi Bồ Đề Đạt Ma là Đa-rư-ma)




Daruma - quà thầy Takeda dạy macro tặng khi thầy quay về IMF

Nhật Bản có phong tục đầu năm mua đồ chơi Daruma bằng giấy bồi, tô một mắt, còn mắt kia để trắng hàm ý nhắc nhở mục đích phải phấn đấu. Tới cuối năm, sau khi đã đạt được mục đích của năm, người ta tô nốt mắt còn lại rồi đem Daruma ra chùa đốt cầu may. 

Tags: transform

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc