Mặt trái của những lời chỉ trích

Năm 1929, một chuyện kỳ dị xảy ra làm náo động cả giáo giới. Từ khắp nước Mỹ, những nhà thông thái ùa tới châu thành Chicago để được mục kích việc ấy. Vài năm trước, một thanh niên tên Robert Hutchins vừa đi làm - khi làm bồi, khi đốn củi, khi dạy tư, khi bán hàng ở một tiệm cắt áo - vừa học, mà giật được bằng cấp của trường Đại học Yale và tám năm sau được làm hiệu trưởng trường Đại học Chicago, lớn vào bực thứ tư ở Mỹ. Mà lúc ấy ông bao nhiêu tuổi? Ba chục! Thật không ai tin được. Những nhà mô phạm cổ đều lắc đầu. Khắp nơi chỉ trích anh chàng "thần đồng" như bão táp: "Y thế này. Y thế nọ. Con nít không có kinh nghiệm. Quan niệm giáo dục của y sai bét". Báo chí cũng hùa vào công kích nữa.

Ngày ông lãnh trọng trách, có người nói với thân phụ ông: "Sáng nay đọc báo, thấy một bài công kích con bác mà tôi khó chịu." Ông già đáp: "Phải, họ công kích dữ thật, nhưng bác nên nhớ rằng không ai thèm đá một con chó chết cả".

Đúng. Địa vị càng cao bao nhiêu thì đời càng thích mạt sát bấy nhiêu. Ông Hoàng xứ Galles, bây giờ là công tước Windsor đã nếm cái mùi ấy. Hồi đó, khoảng 14 tuổi, ông học trường Hải quân Dartmouth ở Devonshire. Một hôm các sĩ quan thấy ông khóc, liền hỏi duyên cớ. Mới đầu ông giấu, sau ông thú nhận rằng bị các bạn học đá đít. Vị sỹ quan hiệu trưởng bèn rầy bọn kia và bảo họ rằng Hoàng tử không mách, nhưng ông muốn hiểu tại sao họ không đá đít những người học sinh khác mà lại nhè Hoàng tử mà xử vậy? Họ nín thinh một hồi rồi đằng hắng, gật đầu, thú rằng họ làm vậy để sau này giữ chức Thuyền trưởng trong Hải quân của Hoàng gia, họ có thể khoe hồi nhỏ đã đá đít Hoàng đế.

Vậy khi bị đá, bạn nên nhó rằng người xử với bạn cách đó, thường chỉ để tỏ ra quan trọng; cũng có nghĩa là bạn đã làm sự gì đáng được chú ý và ghen tị. Nhiều kẻ mạt sát những người có giáo dục hơn họ hoặc thành công hơn mà thấy thỏa thích một cách khả ố... Schopenhauer trước kia đã nói: "Những kẻ hèn kém thấy thỏa thích vô cùng khi họ vạch ra những lỗi lầm cùng những tật nhỏ của hạng người xuất chúng".

... Xin lấy trường hợp của Đô đốc Peary, nhà thám hiểm đã làm cho cả thế giới kinh dị vì ông đã ngồi trong một chiếc xe do chó kéo mà tới được Bắc cực ngày 6/4/1909. Hàng mấy thế kỷ nay, không biết bao vị anh hùng chịu gian nan cực khổ, hy sinh tính mạng để tới đó mà không được. Chính ông Peary cũng gần chết lạnh, chết đói và tám ngón chân vì lạnh quá cứng đơ, phải chặt bỏ đi. Nhiều tai nạn dồn dập đến nỗi ông sợ gần hóa điên. Nhưng ông không điên. Chính những thượng cấp của ông sống sung sướng ở Washington lại phát điên, vì Peary đã nổi danh vang lừng trong nước. Bởi vậy họ tố cáo ông quyên tiền để thám hiểm cho khoa học mà rồi lại ăn no "nằm khểnh" ở gần Bắc cực. Và có lẽ họ tin như vậy thật, vì khi ta đã muốn tin điều gì thì cơ hồ khó mà không tin nó được. Họ hăng hái quyết định bôi nhọ và hãm hại Peary tới nỗi nếu không có lệnh trực tiếp của Tổng thống Mc. Kinley, Peary đã phải bỏ dở công việc thám hiểm ấy rồi.

Nếu Peary chịu làm một công chức nhỏ mọn trong phòng giấy của Bộ Hải quân tại Washington, ông có bị chỉ trích tới như vậy không? Quan trọng gì mà khiến kẻ khác ghen ghét ông được.

Đại tướng Grant còn gặp một cảnh chua cay hơn nữa. Năm 1862, Đại tướng thắng một trận quyết liệt, làm cho phương Bắc hoan hỉ - một trận thắng trong có một buổi chiều mà làm cho kẻ chiến thắng nổi danh ngàn thuở - một ảnh hưởng ghê ghớm tới cả châu Âu - một trận mà từ miền Maine tới sông Mississipi, đâu đâu cũng đổ chuông đốt pháo ăn mừng. Vậy mà sáu tuần sau, Đại tướng Grant vị anh hùng phương Bắc, bị giam cầm, tước cả quyền tư lệnh. Ông tủi nhục, thất vọng tới sa lệ.

Tại sao ông bị giam cầm trong khi danh lên như thủy triều vậy? Nguyên nhân chính là vì ông làm cho những bề trên tiểu kỷ ghen tài và ghét ông.

Vậy nếu những lời chỉ trích bất công có làm cho ta buồn bực, chán nản thì đừng quên quy tắc này:

Lời chỉ trích bất công thường là một lời khen che đậy.
P 263 - How to stop worrying and start living

Tags: skill

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc