Phân biệt đối xử với lao động

SỰ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ TỪ PHÍA NHÀ TUYỂN DỤNG

Chúng ta hãy tưởng tượng ra một nền kinh tế trong đó người lao động bị phân biệt theo màu tóc của họ. Người lao động tóc vàng và người lao động tóc đen có cùng kỹ năng, kinh nghiệm và động cơ làm việc. Song do sự phân biệt đối xử, các chủ doanh nghiệp không thích tuyển dụng lao động tóc vàng. Do vậy, cầu về lao động tóc vàng thấp hơn mức bình thường. Kết quả là, người lao động tóc vàng có tiền lương thấp hơn lao động tóc đen.

Sự phân biệt tiền lương này có thể tồn tại bao lâu? Trong nền kinh tế nêu trên, một doanh nghiệp nào đó có thể dễ dàng tìm được cách đánh bại các đối thủ cạnh tranh: Nó chỉ cần thuê người lao động tóc vàng. Bằng cách thuê lao động tóc vàng, doanh nghiệp phải trả mức lương thấp hơn và do vậy có chi phí thấp hơn các doanh nghiệp thuê lao động tóc đen. theo thời gian, ngày càng có nhiều doanh nghiệp "tóc vàng" tham gia vào thị trường để tận dụng lợi thế về chi phí. Những doanh nghiệp "tóc đen" hiện tại có chi phí cao hơn và do vậy bắt đầu mất dẫn lợi nhuận khi phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh "tóc vàng" mới. Tổn thất đó khiến các doanh nghiệp "tóc đen" phải từ bỏ kinh doanh. Cuối cùng, sự gia nhập của các doanh nghiệp "tóc vàng" và sự rút lui của các doanh nghiệp "tóc đen" sẽ làm cho nhu cầu về lao động tóc vàng tăng và nhu cầu về lao động tóc đen giảm. Quá trình đó tiếp tục cho tới khi không còn sự phân biệt tiền lương.

SỰ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ TỪ PHÍA KHÁCH HÀNG VÀ CHÍNH PHỦ

Để xem sở thích của khách hàng đối với sự phân biệt đối xử có thể ảnh hưởng đến tiền lương như thế nào, một lần nữa chúng ta hãy xem lại nền kinh tế với những người lao động tóc vàng và tóc đen theo giả thuyết trên. Giả sử khi tuyển nhân viên phục vụ, các chủ nhà hàng đã phân biệt đối xử với người tóc vàng. Kết quả là những người phục vụ tóc vàng có tiền lương thấp hơn so với những người phục vụ tóc đen. Trong trường hợp này, một nhà hàng nào đó có thể mở rộng cánh cửa đối với những người phục vụ tóc vàng và do vậy sẽ có giá cả rẻ hơn. Nếu khách hàng chỉ quan tâm đến chất lượng và giá cả bữa ăn, thì các nhà hàng có sự phân biệt đối xử sẽ bị loại khỏi kinh doanh và sự phân biệt tiền lương không còn nữa.

Nhưng khách hàng có thể thích được những người tóc đen phục vụ. Nếu sở thích phân biệt đối xử này lớn, thì sự xuất hin của các nhà hàng tóc vàng không nhất thiết thành công trong việc loại bỏ sự phân biệt tiền lương giữa người tóc đen và người tóc vàng. Nghĩa là, nếu khách hàng có sở thích phân biệt đối xử, thì tình trạng phân biệt tiền lương sẽ tồn tại trên thị trường cạnh tranh. Nền kinh tế với sự phân biệt đối xử như vậy có hai loại nhà hàng. Nhà hàng tóc vàng tuyển các nhân viên phục vụ tóc vàng, có chi phí thấp hơn và giá rẻ hơn. Những khách hàng không quan tâm đến màu tóc của nhân viên phục vụ bị hấp dẫn bởi mức giá thấp của nhà hàng tóc vàng. Những khách hàng mù quáng sẽ đến những nhà hàng tóc đen. Họ phải trả mức giá cao hơn cho sở thích phân biệt đối xử của mình.

Một khả năng tồn tại khác của sự phân biệt đối xử trên thị trường cạnh tranh là do chính phủ quy định những thông lệ mang tính phân biệt đối xử. Ví dụ, nếu chính phủ thông qua đạo luật quy định những người tóc vàng có thể rửa bát ở nhà hàng nhưng không được phục vụ bàn, thì sự phân biệt tiền lương có thể tồn tại trên thị trường cạnh tranh. Gần đây, trước khi Nam Phi từ bỏ chế độ Apartheid, người da đen đã bị cấm làm một số công việc. Các chính phủ phân biệt đối xử đã thông qua những đạo luật nhằm tiêu diệt lực lượng tạo ra sự bình đẳng thông thường trên thị trường tự do và cạnh tranh.

Kết luận: Thị trường cạnh tranh có một phương thuốc tự nhiên đối với sự phân biệt đối xử của các nhà tuyển dụng. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận sẽ loại bỏ sự phân biệt tiền lương. Những phân biệt về tiền lương chỉ tồn tại trên các thị trường mà khách hàng sẵn sàng trả tiền để duy trì thông lệ phân biệt đối xử hoặc khi có những quy định của chính phủ.
Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc