Phúc lợi

Một biện pháp nhằm làm tăng mức sống của người nghèo là chính phủ hỗ trợ cho thu nhập của họ. Cách cơ bản mà chính phủ thường làm là thông qua hệ thống phúc lợi. Phúc lợi là thuật ngữ rộng phản ánh nhiều chương trình khác nhau của chính phủ. Chương trình trợ giúp tạm thời cho các hộ gia đình nghèo (trước đây được gọi là Chương trình trợ giúp những gia đình có trẻ em sống phụ thuộc) là một chương trình nhằm giúp đỡ các gia đình có trẻ em, nhưng không có người lớn có khả năng nuôi sống gia đình. Những gia đình điển hình nhận được loại trợ cấp này thường là không có bố, còn mẹ ở nhà nuôi con nhỏ. Một chương trình phúc lợi khác là phụ cấp an sinh thu nhập (SSI), nhằm trợ giúp những gia đình nghèo ốm đau hoặc tật nguyền. Chú ý rằng trong cả hai chương trình phúc lợi này, một cá nhân nghèo chỉ với thu nhập thấp thì không đủ tiêu chuẩn để được trợ cấp. Cá nhân đó phải chứng minh được rằng anh ta còn có những "tiêu chuẩn" khác, ví dụ có con nhỏ hoặc bị tật nguyền.

Một phê phán phổ biến đối với các chương trình phúc lợi là chúng tạo ra động cơ để mọi người trở nên "túng bấn". Ví dụ, những chương trình đó có thể khuyến khích các gia đình chia lìa nhau, bởi vì nhiều gia đình chỉ đủ tiêu chuẩn nhận được trợ cấp nếu không có ông bố. Chúng cũng có thể khuyến khích việc sinh đẻ không hợp pháp, bởi vì nhiều phụ nữ nghèo chỉ đủ tiêu chuẩn nhận được trợ cấp khi họ có con. Do những bà mẹ nghèo, sống cô độc là một phần quan trọng của vấn đề nghèo khổ và do các chương trình phúc lợi có vẻ như làm tăng số bà mẹ nghèo, sống đơn độc, nên những người chỉ trích hệ thống phúc lợi khẳng định rằng các chính sách đó làm trầm trọng thêm căn bệnh mà chúng định cứu chữa. Do những lập luận như vậy, cuối cùng hệ thống phúc lợi đã được sửa đổi trong một đạo luật vào năm 1996 quy định khoảng thời gian giới hạn có thể nhận trợ cấp của các cá nhân.

Những vấn đề tiềm ẩn nêu trên nghiêm trọng đến mức nào đối với hệ thống phúc lợi? Không một ai biết chắc được điều này. Những người đề xuất hệ thống phúc lợi chỉ ra rằng việc trở thành những bà mẹ nghèo sống cô độc là một hiện thức khó khăn, và họ không tin rằng nhiều người có động cơ để theo đuổi một cuộc sống như vậy. Hơn nữa, những xu hướng qua thời gian đã không ủng hộ cho quan điểm cho rằng sự giảm sút số gia đình có đầy đủ bố mẹ phần lớn chính là triệu chứng của hệ thống phúc lợi, như những người phê phán hệ thống này thỉnh thoảng chỉ trích. Từ đầu những năm 1970, trợ cấp phúc lợi (đã loại trừ lạm phát) đã giảm, song phần trăm số trẻ em sống chỉ với bố hoặc mẹ lại tăng.
Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc