Khi di dân Trung Hoa đến từ Mexico

Một sĩ quan cảnh sát biên giới Mexico (rurale), trên lưng ngựa vào khoảng năm 1903. Nguồn: Thư viện Quốc hội (Mỹ). Phòng In ấn và Nhiếp ảnh.

By Peter Andreas / Sơn Phạm dịch

Biên giới Mỹ - Mexico từ lâu đã là nơi di chuyển (conduit) của các công nhân không giấy tờ. Điều ít được biết tới đó là: những người di cư đầu tiên không phải là người Mexico; mà là người Trung Hoa.

Bắt đầu từ những năm 1850, hàng chục nghìn lao động Trung Hoa (nhiều người trong số họ rời bỏ quê hương vi phạm luật di cư của nước mình) ban đầu được săn đón ở miền Tây nước Mỹ như là nguồn lao động rẻ, đặc biệt để xây dựng đường sắt xuyên lục địa. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ được chào đón, và không thể trở thành công dân. Ngay sau khi nhu cầu lao động cạn kiệt, phản ứng bài Hoa nhanh chóng xảy ra.

Trước sức ép chính trị phải 'làm điều gì đó' đối với 'mối nguy da vàng' ngày càng lên cao, Quốc hội lần đầu tiên đã thông qua đạo luật Page năm 1875 (với việc thực thi chủ yếu ngăn chặn phụ nữ Trung Hoa đến làm điếm), tiếp sau đó là đạo luật loại trừ người Hoa sâu rộng hơn nữa vào năm 1882. Những luật này - như là những nỗ lực ban đầu của chính phủ liên bang để loại trừ những di dân 'không mong muốn' - được làm mới, sửa đổi, củng cố và mở rộng đối với các nhóm dân châu Á trong những năm sau và nhiều thập kỉ sau đó (và không bị hủy bỏ cho tới tận năm 1943).

Do lối vào cửa trước thông qua San Francisco và các cảng biển khác của Mỹ đã trở nên khó khăn hơn vào cuối thế kỉ 19, một số lượng ngày càng lớn dân di cư Trung Hoa chuyển sang lối cửa hậu: các biên giới đất liền ở phía Bắc và phía Nam của Mỹ rộng lớn và được trang bị lực lượng cảnh sát tối thiểu.

Biên giới Canada
Vào cuối những năm 1880 và 1890, Canada là căn cứ ưa thích đối với di dân lậu để vào Mỹ. Nhưng khi Canada bắt đầu hợp tác với chính quyền Mỹ, di dân Trung Hoa và những người buôn lậu ngày càng chuyển sang ngả Mexico. Đất nước này ít có khuynh hướng hợp tác với Mỹ nguyên do bởi vết thương cuộc chiến Mỹ-Mexico nửa thế kỉ trước vẫn còn nhức nhối.

Các nỗ lực của Bộ Ngoại giao nhằm thương lượng các hiệp định với chính phủ của Tổng thống Porfirio Diaz để ngăn chặn di dân người Hoa không đi đến đâu.

Cũng như trong trường hợp với Canada, các mạng lưới mới tàu hơi nước, tàu hỏa và đường bộ tạo thuận lợi cho di dân lậu qua Mexico. Nhưng không giống như Canada, các công ty vận tải của Mexico không bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với Mỹ.

Hiệp ước Hữu nghị và Thương mại được kí kết giữa Trung Hoa và Mexico vào năm 1899, và sự thành lập tuyến tàu hơi nước trực tiếp từ Hong Kong đi Mexico vào năm 1902, đã mở cửa cho một làn sóng di dân Trung Hoa. Và điều này, đến lượt nó, trở thành bàn đạp cho di dân lậu vào Mỹ. Năm 1900, mới chỉ có vài nghìn dân Trung Hoa ở Mexico; chưa tới thập kỉ sau, gần 60.000 dân di cư Trung Hoa đã tới Mexcio. Một số ở lại, nhưng Mỹ mới là điểm đến hấp dẫn hơn rất nhiều. Năm 1907, một điều tra viên của chính quyền Mỹ quan sát có tới hơn 50 dân Trung Hoa đến thị trấn biên giới Juarez bằng tàu hỏa hàng ngày, tuy nhiên cộng đồng người Hoa ở đây không bao giờ tăng.

Báo trước các cuộc thảo luận tương lai, một bài xã luận tháng 1 năm 1904 trên tờ El Paso Herald-Post cảnh báo 'nếu việc di dân của người Hoa vào Mexico tiếp tục, sẽ cần thiết phải có hàng rào kẽm gai chạy dọc theo Rio Grande.'

Năm 1906, báo cáo thực thi luật về dân buôn lậu Trung Hoa lưu ý rằng, 'Trên toàn phía bắc Mexico, dọc theo các đường ray tàu hỏa, là các nhà trọ và hàng quán, đây là nơi tập kết của di dân Trung Hoa và những người buôn lậu của họ, và những thị trấn và các ngôi làng nhỏ trong khu vực này chứa toàn cu li Trung Hoa, mà công việc chính dường như chỉ là nằm chờ cho đến khi có sự thu xếp hoàn hảo để đưa họ qua biên giới.'

Xì căng đan tham nhũng
Khi nhà chức trách Mỹ thắt chặt việc thực thi tại các cửa khẩu đô thị dọc theo biên giới Mexico-California, dân buôn lậu chuyển sang các khu vực xa hơn về phía Đông như ArizonaNew Mexico và Texas. Họ cũng cố gắng mua chuộc (buy off) các nhà chức trách Mỹ khi họ di chuyển người qua đường này. Đó là trường hợp ở Nogales, Arizonam, nơi các kiểm soát viên biên giới, bao gồm cả thu ngân hải quan, bị cáo buộc thu tiền của những người buôn lậu t 50 USD đến 200 USD một người. Những viên chức này đã bị bắt bởi nhân viên đặc vụ của Bộ Ngân khố và các nhân viên mật vụ vào tháng 8 năm 1901. Tờ Washington Post viết rằng 'chỉ trừ 2 hoặc 3 ngoại lệ, toàn bộ cơ quan hải quan và quản lý xuất nhập cảnh ở Nogales có dính líu' đến vụ này.

Di dân Trung Hoa không phải là đối tượng duy nhất đi qua cửa hậu này. Họ chỉ đơn thuần đứng đầu trong danh sách ngày càng tăng những đối tượng 'không mong muốn', bao gồm người Lebanon, Hy Lạp, Ý, Slav từ vùng Balkan và dân Do Thái. Các quan chức xuất nhập cảnh thực hiện việc đẩy lùi những người trong các nhóm này với lực lượng mỏng không cân xứng, và họ phát hiện ra Mexico là một lựa chọn cửa hậu thuận tiện.

Cuộc cách mạng Mexico, từ năm 1910 tới năm 1917, và Thế chiến I làm gián đoạn việc sử dụng Mexico như một bước đệm cho việc nhập cảnh bất hợp pháp. Buôn lậu di dân chỉ phục hồi mạnh mẽ trở lại khi dịch vụ tàu hơi nước quốc tế được nối lại. Tuy nhiên, giờ đây nó liên quan đến người Âu châu nhiều hơn là người Hoa, những người mà lúc này là các mục tiêu chính của phản ứng bài di dân ngày càng tăng và lên tới đỉnh điểm với việc giới hạn quota 'nước xuất xứ' vào năm 1921 và 1924.

Ngày nay, di dân Trung Hoa không còn là mối quan tâm chính sách chủ yếu, tuy nhiên một số việc thực thi biên giới và động lực né tránh vẫn tương tự. Trên thực tế, nếu quá khứ như là bất kì chỉ dẫn nào, thì những di dân Mexico quyết tâm ngày nay - cũng giống như nhiều người trước đó - có lẽ không bị chùn bước bởi hàng rào và cảnh sát tuần tra. Họ sẽ tìm ra những lối đi mới. Cũng tương tự như những di dân Trung Hoa một thế kỉ trước đã chứng minh, khi có ý chí, ắt sẽ có con đường (bí mật).

Peter Andreas là giáo sư khoa học chính trị và giám đốc lâm thời Viện Nghiên cứu quốc tế Watson tại Đại học Brown. Bài này là trích dẫn từ quyển sách mới của ông 'Quốc gia dân buôn lậu: Thương mại bất hợp pháp hình thành nước Mỹ như thế nào.' - 'Smuggler Nation: How Illicit Trade Made America.'

Tags: china

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc