Thung lũng Silicon và Chính quyền Mỹ: Một thế kỉ phụ thuộc lẫn nhau

Federal Telegraph Co. là một trong những công ty công nghệ đầu tiên ở Palo Alto, California. Nguồn: historysanjose.org

By Stephen B. Adams / Sơn Phạm dịch

Những tiết lộ mới đây về việc các công ty khổng lồ công nghệ Mỹ có thể hỗ trợ Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ dường như mâu thuẫn với hình ảnh của thung lũng Silicon như là một pháo đài (bastion) của tư tưởng tự do chủ nghĩa (libertarian thinking).

Nhưng một sự hợp tác như vậy lại không hề có gì mới: từ một thế kỉ trước, chính phủ liên bang đã ký một hợp đồng quốc phòng béo bở với công ty công nghệ đầu tiên của thung lũng Silicon.

Đó là Federal Telegraph Co., được thành lập vào năm 1909 tại Palo Alto, California. Trước năm 1913, công ty này đã thực hiện một dự án hệ thống không dây mà họ hy vọng có thể cạnh tranh với các mạng có dây của Western Union, mà một khi nắm được quyền lực công nghiệp sau đó kết hợp với AT & T Inc. (T) Federal Telegraph đã thiết lập một mạng lưới bao gồm các trạm ở Phoenix, Kansas City, Missouri, và Chicago.

Tuy nhiên, thật không may, thời tiết ôn hòa ở bờ biển phía Tây đã khiến ban quản lý ở Federal Telegraph lạc quan sai lầm về khả năng mở rộng mạng lưới của họ sang phía đông từ San Francisco, Los Angeles và San Diego. Mùa hè năm 1912 đã dẫn đến thảm họa, khi người dùng bị mất kết nối vì giông bão và nhiễu sóng (static) ở vùng Midwest. Khách hàng đồng loạt từ bỏ dịch vụ đã buộc công ty phải kiếm tìm những cơ hội khác.

Các trạm không dây 
Cơ hội hứa hẹn nhất đó là được cung cấp cho chính phủ. Năm 1913, Federal Telegraph nhận được một hợp đồng xây dựng thiết bị truyền dẫn cho trạm không dây của Hải quân Mỹ ở khu vực kênh đào Panama (Canal Zone). Kể từ chiến thắng trước Tây Ban Nha vào năm 1898, chính quyền Mỹ đã tìm cách để bảo vệ tài sản ở nước ngoài. Ngay trước khi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất, Quốc hội Mỹ đã cho phép lập nên một chuỗi các trạm không dây, bao gồm khu vực kênh đào (Panama), Hawaii, Puerto Rico và Philippines. Mỗi trạm sẽ trở thành một nguồn thu khác cho các công ty viễn thông trẻ.

Federal Telegraph ban đầu tìm kiếm cơ sở khách hàng khu vực tư nhân. Tuy nhiên, chỉ khi trở thành một phần mở rộng công nghiệp của chính sách đối ngoại Mỹ, công ty này mới phát triển thành một doanh nghiệp triệu đô la với 300 nhân viên. Vào những năm 1920, Bộ Ngoại giao hỗ trợ Federal Telegraph hợp đồng cung cấp thiết bị viễn thông trị giá 13 triệu đô la Mỹ cho chính phủ Trung Hoa.

Theo mô hình này mà hiện vẫn tiếp tục đến ngày nay, chính quyền liên bang đã trợ giúp các công ty Mỹ khi họ theo đuổi phần lớn các cơ hội thương mại ở vùng Viễn Đông.

Tuy nhiên, các nỗ lực ngoại giao của chính phủ thay cho Federal Telegraph đã thất bại. Sau đó, công ty đã được mua lại bởi International Telephone & Telegraph (ITT) và được chuyển tới New Jersey vào những năm 1930.

Hỗ trợ của chính phủ dành cho Thung lũng Silicon sau đó nhanh chóng lan rộng sang các ngành công nghiệp khác bên ngoài ngành viễn thông. Các hợp đồng quốc phòng đã thúc đẩy (spur) sự phát triển của công ty sản xuất công cụ Hewlett-Packard (HP) không lâu sau khi công ty  này được thành lập vào năm 1939. Các công ty sản xuất chất bán dẫn cũng theo mô hình tương tự trong những năm 1950. Fairchild Semiconductor - một số người quản lý của công ty này sau đó thành lập tập đoàn Intel (INTC) - đã dựa vào các hợp đồng quốc phòng để có được hầu hết doanh thu của họ trong những năm hoạt động đầu tiên. Chính phủ cung cấp các dự án quan trọng (và cả nguồn lực) cho các công ty này trước khi mảng kinh doanh thương mại của họ có thể cất cánh.

Điều tương tự cũng đúng với toàn bộ khu vực. Khi thị trường phát triển cho các máy tính và các trạm làm việc, các ứng dụng Internet và trò chơi video, và đầu tư mạo hiểm trở nên dồi dào hơn, Thung lũng Silicon mới chuyển sang mô hình ít lệ thuộc vào chính phủ.

Trong những năm hình thành khu vực phía Bắc California, chính quyền liên bang, theo lời Martin Kenney, giáo sư Đại học California, Davis, gọi là "khách hàng hàng đầu ít nhạy cảm về giá." Trong vai trò đó, chính quyền đã giúp 'ươm tạo' Federal Telegraph, Hewlett-Packard, và Fairchild Semiconductor, mà sau đó, đến lượt mình, các công ty này đã tạo ra các công ty thế hệ kế tiếp - bao gồm cả Apple, Google và Facebook - ít phụ thuộc hơn vào hợp đồng chính phủ.

Tuy nhiên, nếu những lời cáo buộc của 'người tuýt còi' (whistle-blower) Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ - Edward Snowden là đúng, thì các đại gia công nghệ của thế kỷ 21 đã cho thấy rằng: họ, tương tự vậy, cũng (vẫn) là chân rết của chính phủ (mà thôi).

(Stephen B. Adams là phó giáo sư về quản lý tại Trường Kinh doanh Franklin P. Perdue, Đại học Salisbury.)

Bloomberg


Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc