Đạo tặc và cuộc đấu tranh cho tự do thương mại

Biểu ngữ và áp phích chính trị năm 1857. Nguồn: Thư viện Quốc hội (Mỹ), Phòng In ấn và Nhiếp ảnh.

By Jean-Philippe Vergne / Phương Thùy dịch, Sơn Phạm (hiệu đính)

Kim Dotcom, nhà sáng lập dịch vụ lưu trữ đám mây Megaupload.com, mới đây đã có một phát biểu gây kinh ngạc trên tạp chí the Guardian: ‘Tôi tôn trọng bản quyền. Nhưng điều khiến tôi không tôn trọng đó là chủ nghĩa bản quyền cực đoan và mô hình kinh doanh khuyến khích đạo tặc’.

Trước khi nghi ngờ sự thành thật (disingenuous) trong các bình luận này của Kim, chúng ta nên nhớ đến việc đạo tặc từ lâu luôn là những người ủng hộ trung thành cho thị trường tự do, chống độc quyền và các rào cản thương mại khác.

Thật vậy, sự nổi dậy của cướp biển trùng với cuộc cách mạng trong thương mại quốc tế. Năm 1498, Vasco da Gama giong buồm từ Bồ Đào Nha vòng qua Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) và mở ra tuyến đường đến phía đông Tiểu lục địa Ấn Độ (East Indies). Trong khoảng thời gian 15 năm sau đó, Bồ Đào Nha đã cử nhiều hạm đội (armanda) đến Đông Ấn nhằm loại bỏ cạnh tranh từ phía các thương nhân Hồi Giáo.

Sự kiện này đánh dấu việc ra đời một hình thức tổ chức kinh tế mới. Đó là độc quyền thương mại ở các nước Châu Âu. Đế chế Bồ Đào Nha lúc bấy giờ muốn tận dụng (capitalize) các cơ hội giao thương mới mà chuyến đi của Vasco da Gama mang lại, và để đạt mục tiêu này, Hoàng gia đã cho phép tổ chức thương mại Carreira da India độc quyền nhập khẩu các loại gia vị vào Châu Âu.

Độc quyền nhà nước
Đầu thế kỷ 17, nhiều cường quốc Châu Âu khác cũng gia nhập cuộc đua thành lập các công ty độc quyền với sự hậu thuẫn của các công ty từ Ấn Độ. Năm 1602, cộng hòa Hà Lan (United Provinces) cho phép công ty Dutch East India độc quyền thương mại phía Đông Mũi Hảo Vọng trong vòng 21 năm.

Hành động này đã dẫn đến sự phá sản của nhiều công ty thương mại lâu đời và làm dấy lên hai hình thức tự vệ: một vài công ty chống lại các công ty độc quyền bằng cách hình thành tuyến đường thương mại trái phép song song; trong khi đó, các công ty khác dùng vũ lực để chiếm lại những khu do công ty độc quyền kiểm soát.

Các quốc gia coi cả hai hình thức này đều là đạo tặc. Chẳng hạn, các tổ chức đạo tặc hoạt động vào cuối thế kỷ 17, đầu 18 đã bán nô lệ cho đảo Manhattan, phá hoại hoạt động kinh doanh của công ty Royal African - nhà độc quyền trong lĩnh vực này. Nhà sử học Marcus Rediker ước tính, vào đầu thế kỷ 18, các cuộc tấn công liên miên (incessant) của đạo tặc đã khiến Đế chế Anh rơi vào khủng hoảng và đe dọa tới sự ổn định của thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, những tên cướp biển này không hề có động cơ cao cả về ủng hộ thị trường tự do. Mà, thật ra, họ là những nhà buôn độc lập, bị buộc trở thành những kẻ sống ngoài vòng pháp luật do các hoạt động độc quyền ở các nước Châu Âu gây ra. Và nhiều người không còn cách nào khác phải dùng đến bạo lực để đòi lại quyền giao thương.

Trong luận thuyết (treatise) “Biển tự do” của mình, học giả Hugo Grotius ở thế kỷ 17 đã viết biển và hàng hải là “tự do” vì biển là của chung, không thuộc sở hữu của riêng ai. Tuy nhiên, các vương quốc bán đảo Iberia và Đế chế Anh tuyên bố phần vùng biển gắn liền với lãnh thổ của họ phải được coi là thuộc về (appropriate) họ một cách hợp pháp.

Quan điểm của Grotius cuối cùng đã chiến thắng. Tự do trên đại dương – giờ đây chiếm hơn 50% diệc tích biển trên bề mặt Trái Đất – đã đạt được thông qua một loạt hiệp ước, bắt đầu từ Tuyên ngôn Paris năm 1856, tuyên ngôn bãi bỏ cướp biển (privateering*). Nhà sử học Anne Perotin-Dumon diễn giải, để xóa bỏ cướp biển thì ‘độc quyền thương mại cũng phải được chấm dứt cùng lúc’.

Trên nhiều khía cạnh, âm hưởng cuộc chiến giành tự do trên đại dương giữa thế kỷ 19 lại được vang vọng trong cuộc tranh luận về tự do sóng radio (airwaves) đầu thế kỷ 20.

Đặc quyền BBC
Vào thập niên 1920, Chính phủ Anh đã trao độc quyền cho Tập đoàn phát thanh truyền hình vương quốc Anh (BBC - British Broadcasting Corporation) giống như đã từng trao cho Công ty Đông Ấn hơn 300 năm trước. Điều này cho phép chính phủ khai thác sóng radio và ngăn cản phát thanh tự do.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Leonard Plugge đã thành lập công ty International Broadcasting Co. và mua lại thời gian phát sóng từ các trạm radio bất hợp pháp ngoài vùng lãnh hải (Anh). Plugge không chấp nhận sự độc quyền của BBC và nguyên lý cơ bản về việc chủ quyền nước Anh vươn tới cả sóng radio. Ông, hiển nhiên, cũng bị coi là đạo tặc.

Bị áp lực dồn dập bởi hiện tượng này, chính phủ Anh đã chấm dứt độc quyền của BBC vào năm 1967, cho phép phát thanh và sóng radio tự do. Nhà sử học Adrian Johns viết ‘Vào năm 1967, BBC chỉ là một trong nhiều công ty truyền thanh khác nhau. Điều trớ trêu là, chính vào lúc này, công ty mới có được tiếng nói phê phán và hoài nghi mà trước nay chưa từng có’.

Tương tự như vậy, khi công nghệ truyền thông được cải thiện, các công ty có vị trí thống lĩnh như AT&T Inc. ngày càng quan tâm tới việc mở rộng kiểm soát không gian mạng. Nhiều người coi AT&T là công ty độc quyền kiểm soát đầu tiên trong lịch sử không gian mạng, và vào khoảng năm 1970, nó đã trở thành mục tiêu ưa thích của ‘đạo tặc’ (phone phreak), những người chuyên hack các cuộc điện thoại một cách bất hợp pháp (để không phải trả cước phí viễn thông).

Lịch sử gắn kết lẫn nhau này giữa chủ nghĩa tư bản và đạo tặc cho ta một góc nhìn khác về những căng thẳng kinh tế ngày nay đang xoay quanh các quy định về Internet. Rất nhiều đạo tặc thời nay phản đối độc quyền dưới mọi hình thức, từ địa vị thống trị (dominant) trong các ngành kinh tế mới nổi như tối ưu hóa tìm kiếm trực tuyến (online search optimization) đến chủ nghĩa bản quyền cực đoan trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông.

Các nhà hoạt động đồng tình với các tổ chức như Wikileaks và Anonymous đang kêu gọi một không gian mạng Internet mở và tự do (cho tất cả mọi người), xuất phát từ tiền đề (premise) ‘thông tin muốn được tự do’ (information wants to be free).

Bằng việc thách thức (defy) các quy tắc, luật lệ trong nhiều lĩnh vực, đạo tặc đã chứng tỏ vai trò chủ chốt của họ trong sự phát triển của xã hội tư bản.

Tuy nhiên, thành công đôi khi lại biến một công ty từng là đạo tặc trở thành ‘kẻ thống trị’. Một đạo tặc điện thoại, khi còn là thiếu niên, từng coi khinh hành động độc quyền của AT&T, thì 30 năm sau, đã có một tuyên bố nổi tiếng về việc bảo vệ phần mềm độc quyền của mình và sẽ thực hiện cuộc ‘chiến tranh hạt nhân’ (thermonuclear war) để hủy diệt mã nguồn mở Android. Đạo tặc này, không ai khác, chính là Steve Jobs.

(Jean-Philippe Vergne là giáo sư dự khuyết về chiến lược tại Trường kinh doanh Ivey thuộc Đại học Western, Canada. Bài viết này là trích đoạn trong cuốn sách của ông, đồng tác giả với R. Durand, ‘Tổ chức đạo tặc: Bài học từ những kẻ bên lề của chủ nghĩa tư bản’ - ‘The Pirate Organization: Lessons from the Fringes of Capitalism’)

Bloomberg



* sự truy bắt bằng tàu lùng (tàu của tư nhân được Chính phủ giao nhiệm vụ chuyên đi bắt tàu buôn địch).
Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc