Phụ nữ ở phố Wall: Một thế kỉ thăng trầm

Hai phụ nữ đang làm việc tại văn phòng, năm 1921. Nguồn: Thư viện Quốc hội (Mỹ), Phòng In ấn và Nhiếp ảnh.

By Melissa S. Fisher / Phương Thùy dịch, Sơn Phạm (hiệu đính)

Khi bà Ina Drew từ chức Giám đốc đầu tư tại JPMorgan Chase & Co. (JPM) vào năm ngoái sau hàng loạt báo cáo về việc ngân hàng này chịu khoản lỗ hơn 6 tỷ USD, thời báo New York Times đã viết bà là ‘người phụ nữ phải chịu trách nhiệm’.

Sự kiện này làm dấy lên tranh luận phải chăng các công ty đang hi sinh những nữ doanh nhân như bà Drew làm ‘vật tế thần’ cho kết quả làm ăn bết bát từ cuộc khủng hoảng tài chính. Cuộc tranh luận này chưa có lời giải đáp, nhưng điều chắc chắn là chỉ nửa thế kỷ trước thôi việc một phụ nữ có thể vươn cao lên vị trí lãnh đạo tại Wall Street để có thể chịu trách nhiệm về bất kỳ sai lầm nào đều ngoài sức tưởng tượng.

Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là phụ nữ hoàn toàn “vô hình”. Một bài báo của New York Times vào năm 1958 đã chỉ ra trên thực tế, phụ nữ ‘cũng đóng góp phần nào, khi vào mỗi ngày làm việc, các bức tường đá và bê tông ở đây đều vang vọng tiếng lạch cạch giầy cao gót của gần 60.000 nữ nhân viên đảm nhiệm các công việc như thư ký, tốc ký (stenographer), kế toán, lễ tân, trực máy điện báo (ticker operator), văn thư, đưa tin và nhân viên phục vụ (page), lũ lượt từ các ga tàu điện ngầm đến văn phòng.’

Nhưng các văn phòng này đã khiến hầu hết phụ nữ không hiện diện; họ không những phải làm việc ở các vị trí thấp mà còn ‘phía sau hậu trường’. Họ phải trực chờ mệnh lệnh từ các lãnh đạo nam giới. Trong nhà vệ sinh của ít nhất một công ty, có những bóng đèn được gắn tên lãnh đạo. Khi một sếp nam gọi thư ký từ bàn làm việc của mình thì bóng đèn tương ứng sẽ sáng và nữ thư ký phải ngay lập tức có mặt.

Kết hôn với sếp
Nam giới không hề coi phụ nữ là đối thủ của mình trong lĩnh vực tài chính. Một bài báo của Times từng viết, ‘Phụ nữ sẽ hầu như không thể đạt được một vị trí danh vọng nào trong ngành tài chính, trừ phi cô ta cưới sếp, sống lâu hơn chồng và thừa kế cổ phiếu do chồng để lại’.

Tuy nhiên, về điều này, New York Times không hẳn đã đúng (on the mark). Một bộ phận tuy nhỏ nhưng ngày càng tăng các phụ nữ (đa phần là da trắng) thuộc tầng lớp trung lưu đã tận dụng cơ hội làm việc trong thời gian đầu sau Chiến tranh thế giới thứ II.

Quá trình thay đổi diễn ra một cách chậm chạp. Mãi đến năm 1969, Martin Mayer, phóng viên tác nghiệp tại Wall Street, mới ghi nhận sự xuất hiện của một người Mỹ gốc Á - một phụ nữ da đen trong lĩnh vực tài chính. Hai năm sau đó, Muriel Siebert trở thành người phụ nữ đầu tiên có được vị trí ở Sở Giao dịch chứng khoán New York. Nhưng khi Muriel mở công ty riêng, khoảng 60 phụ nữ khác đã noi theo bà và trở thành thế hệ nữ đầu tiên trong ngành tài chính.

Nhiều người thuộc thế hệ này đã thành công trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ 20 – một trong những thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất. Họ sống trong những căn hộ chật hẹp, đi bộ hoặc bắt xe buýt đi làm. Hầu hết đều bắt đầu từ những vị trí trợ lý văn phòng, đa phần là nghiên cứu chứng khoán. Một số tìm việc từ các mẩu quảng cáo trên báo, số khác nhờ các mối quan hệ gia đình và bạn bè. Mức lương mà họ nhận được thấp hơn rất nhiều so với đồng nghiệp nam. Họ cũng không được tham gia các chương trình đào tạo chính thức, và vì vậy, phải tự học việc từ sếp nam của mình - người tận tình, người không.

Đối với một số người, cơ hội được tiếp nhận, giúp đỡ và đào tạo phần nào bù đắp mức lương bèo bọt của họ. Một phụ nữ cho biết cô rất vui khi nhận được việc làm chuyên nghiệp đầu tiên vào đầu những năm 1970, mặc dù công ty trả lương cho nữ nhân viên nghiên cứu chứng khoán còn thấp hơn thư ký. Trưởng phòng nghiên cứu khoe rằng anh ta là người duy nhất tuyển dụng phụ nữ, vì như vậy có thể thuê được người tài với chi phí thấp và tự cho mình là người rộng lượng vì hàng năm anh ta đều tuyển nữ sinh viên tốt nghiệp đại học.

Tuy nhiên, nhiều phụ nữ khác không chấp nhận bị phân biệt đối xử như vậy. Năm 1973, Helen O’Bannon, ứng viên thất bại trong cuộc tuyển chọn kế toán trưởng của công ty Merrill Lynch & Co. đã kiện công ty này phân biệt giới tính. Cụ thể, Helen kiện công ty trên khi trong vòng tuyển chọn ứng viên cho chương trình đào tạo môi giới chứng khoán đã đưa ra những câu hỏi đại loại như ‘Khi gặp một người phụ nữ, điều gì ở cô ta khiến bạn cảm thấy hứng thú nhất?’.

Trí thông minh của phụ nữ
Không những câu hỏi dạng này mặc định rằng ứng viên là nam giới (heterosexual man) mà câu trả lời đúng còn phải là “vẻ đẹp”; những ai trả lời họ ngưỡng mộ trí thông minh của cô ta thậm chí còn bị điểm thấp nhất. Helen O’Bannon đã thắng vụ kiện và giờ đây, các công ty tại Wall Street phải chú ý.

Trong vòng 3 thập kỷ sau đó, những phụ nữ thuộc thế hệ đầu tiên tại Wall Street đã tiến xa trên con đường sự nghiệp một phần nhờ những nỗ lực của chính họ và một phần nhờ những đàn anh giàu kinh nghiệm. Nhưng có lẽ họ sẽ chẳng thể nào tham gia vào lực lượng lao động chuyên nghiệp nếu như không có phong trào nữ quyền kiên quyết đấu tranh quyền được tham gia của phụ nữ vào những lĩnh vực xưa nay vốn chỉ dành riêng cho nam giới như tài chính.

Và họ đã giúp đỡ lẫn nhau. Khi bắt đầu sự nghiệp, đa phần phụ nữ đều cảm thấy bị cô lập nhưng dần dần họ đã hình thành mối liên kết với những người khác tại Hiệp Hội Phụ nữ ngành tài chính của thành phố New York. Họ duy trì mạng lưới riêng của mình ngoài các mối quan hệ trong công ty và nó trở thành một kênh đào tạo chuyên môn khác cho phụ nữ.

Ngoài ra, lĩnh vực nghiên cứu chứng khoán (đa phần do phụ nữ đảm nhiệm), khởi nguồn từ giữa những năm 1970 ngày càng trở nên quan trọng, và các nữ phân tích chứng khoán trở thành những nhân viên có giá trị, những người cuối cùng đã được ngồi cùng với nhân viên đầu tư và những người khác tại “phòng tiền sảnh” (“front-office”). Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ 20 đến những năm đầu thiên niên kỷ mới, số lượng phụ nữ phá bỏ “rào cản vô hình” (glass ceiling) để vươn lên ở Wall Street dù còn ít, nhưng đã không còn là chuyện bất thường nữa.

Zoe Cruz - cựu đồng chủ tịch của Morgan Stanley, Erin Callan - cựu Giám đốc tài chính của Lehman Brothers Holdings Inc. và Sallie Krawcheck - cựu Giám đốc điều hành cấp cao của Bank of America Corp. và Citigroup Inc. đều tiếp bước thế hệ phụ nữ đầu tiên trong ngành tài chính. Rất nhiều người tin rằng một ai đó trong thế hệ phụ nữ đầu tiên này sẽ phá được “bức tường” cuối cùng và trở thành một CEO.

Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã dập tắt hi vọng này. Thay vì phá bỏ thành công rào cản giới tính cuối cùng, những phụ nữ thành đạt như Cruz đã từ chức. Số lượng phụ nữ thế hệ tiếp nối trong ngành tài chính cũng giảm tương tự. Trong thập kỷ đầu của thiên niên kỷ mới, số phụ nữ trong độ tuổi 20 - 35 làm việc tại các ngân hàng đầu tư, công ty môi giới và các công ty dịch vụ tài chính khác giảm 315.000 người, tương đương 16.5%. Trong khi đó, số nam giới trong độ tuổi này tăng 93.000 người, tương đương 7.3%.

Nhìn chung, những người thuộc thế hệ phụ nữ đầu tiên tại Wall Street đã rời bỏ ngành tài chính. Một số tự bỏ cuộc còn số khác bị yêu cầu rời khỏi chức vụ.

Di sản của họ chưa trọn vẹn. Các sếp nam không thể gọi nữ thư ký từ nhà vệ sinh được nữa. Một số phụ nữ tiên phong thấy rằng, các sếp nam đã cảm thấy thoải mái với sự hiện diện của phái nữ, ít nhất khi họ là bộ phận nhỏ trong công ty. Tuy nhiên, theo nhóm tư vấn Catalyst, chỉ có 3% số giám đốc điều hành các công ty tài chính là nữ. Và phụ nữ vẫn chưa là CEO của một công ty tài chính lớn nào ở Wall Street.

(Melissa S. Fisher là giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Phân tích Xã hội và Văn hóa tại Đại học New York, là tác giả của cuốn sách ‘Phụ nữ phố Wall’ - ‘Wall Street Women’.)

Bloomberg


Tags: bankfinance

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc