August Belmont: đặc vụ tầm cỡ của gia tộc Rothschild

Mở màn trận đua ngựa tại Công viên Belmont, quận Queens, New York, ngày 2 tháng Sáu năm 1913. Nguồn: Thư viện Quốc hội (Mỹ), Phòng In ấn và Nhiếp Ảnh.

By David K. Thomson / Phương Thùy dịch, Sơn Phạm (hiệu đính)

Vào thứ 7 này (8/6/2013), hàng triệu người Mỹ sẽ theo dõi cuộc đua ngựa Belmont Stakes lần thứ 145, chặng đua cuối cùng và cũng là chặng cam go nhất của The Triple Crown*. Thế nhưng, có lẽ rất ít người trong số chúng ta biết được: người trùng tên với cuộc đua này - August Belmont, là một nhân vật tầm cỡ trong ngành tài chính vào thế kỷ 19.

Belmont bắt đầu sự nghiệp của mình trong vai trò là nhân viên ngân hàng của gia tộc Rothschild. Đầu tiên, ông được giao theo dõi danh mục đầu tư ở Cuba. Năm 1837, Belmont rời Châu Âu để đảm nhận chức vụ mới của mình ở Mỹ, nơi đang quay cuồng trong cơn bão tài chính lớn và hoạt động của gia tộc Rothschild bị xáo trộn. Belmont nhanh chóng tuyên bố Mỹ sẽ là ‘căn cứ’ làm việc mới của ông.

Belmont (và ngân hàng gia tộc Rothschild) đã hốt bạc khi kinh tế phục hồi sau khủng hoảng, đặc biệt trong thời kỳ bùng nổ bông và thuốc lá. Ông thường xuyên liên kết với các thành viên đảng Dân chủ, đảng ủng hộ lợi ích của người sản xuất bông ở miền Nam. Năm 1860, Belmont đã thất bại trong việc đưa ứng cử viên đảng Dân chủ - Stephen Douglas – người có khả năng ngăn chặn Nội chiến và vì thế đảm bảo lợi nhuận – ngồi vào chiếc ghế Tổng thống.

Tuy nhiên, ngay khi nội chiến nổ ra, Belmont nhận thấy việc ủng hộ Liên minh miền nam (Confederacy) hay ‘các bang bông’ theo như ông vẫn gọi sẽ là canh bạc sai lầm. Bông rất có giá trị và Liên minh Miền Nam có thể sẽ thắng, nhưng cơ sở hạ tầng tài chính của họ chưa phát triển và chưa đủ độ tin cậy, nên dù Liên minh miền Nam có thắng thì kinh doanh cũng sẽ gặp bất lợi. Do đó, Belmont đã bác bỏ thẳng thừng đề nghị vay 50 triệu USD của Tổng thống Liên minh miền Nam Jefferson Davis. Trước đó, bốn bang miền Nam đã không trả (repudiate) khoản nợ trước nội chiến (antebellum) của họ tại ngân hàng nhà Rothschild.

Những chính khách liều mạng
Năm 1863, Belmont phát biểu ngay trước khi trận Gettysburg diễn ra: “Dưới sự lãnh đạo của những chính khách liều mạng và thiếu kỷ luật nhất, Liên minh miền Nam mới không hề có nền tảng để tồn tại lâu dài (principle of vitality) và chẳng sớm thì muộn sẽ tan rã”.

Belmont đặt niềm tin vào (more bullish on) chính phủ Liên Bang miền Bắc hơn. Ông nói: ‘Khi mọi người biết rằng Liên Bang miền Bắc sẽ theo đuổi cuộc chiến với tất cả năng lượng và nhiệt huyết, lòng tin được củng cố và thị trường chứng khoán đã được cái thiện.’ Mùa hè năm 1861, Belmont đến Châu Âu với tư cách là đại diện không chính thức của chính phủ Mỹ theo chỉ thị (behest) của Tổng thống Abraham Lincoln và Bộ trưởng Ngoại giao William Seward. Belmont đã không thể thuyết phục Rothschilds mua trái phiếu của Liên Bang miền Bắc nhưng đã thuyết phục được gia tộc này rằng ‘dồn tiền’ cho Liên minh miền Nam sẽ là một đầu tư tồi.

Dù ủng hộ Liên Bang miền Bắc, Belmont vẫn thận trọng đối với chính sách tài khóa từ (emanate from) Washington, đặc biệt là chính sách tăng thuế, việc thông qua Luật Tiền tệ chính thức (Legal Tender Act) và Luật Ngân hàng quốc gia (National Banking Act). Belmont phê phán quyết định của chính quyền Lincoln về việc phát hành tiền pháp định (fiat currency) được biết tới phổ biến là đồng bạc xanh (greenbacks) để chi trả cho cuộc chiến nhưng ông cũng nhận ra rằng không còn lựa chọn nào khác tốt hơn. In tiền có thể dẫn đến lạm phát nhưng vay tiền từ các ngân hàng ở New York rất tốn thời gian và công sức. Điều thậm chí còn khiến Belmont lo ngại hơn đó là tình trạng đầu cơ tràn lan trong thời chiến, nhất là trong các ngành đường sắt, than và vàng.

Belmont nói ‘Những kẻ đầu cơ sẽ kiếm được hàng triệu đô la trong khi những nạn nhân khốn khổ, cuối cùng, sẽ chẳng còn tài sản gì đáng giá trong tay’.

Ông đã đưa ra cảnh báo đen tối (dire warning) về cuộc khủng hoảng năm 1873 – ảnh hưởng đặc biệt tới những nhà đầu tư đường sắt. ‘Khi kinh tế sụp đổ, chúng tôi e rằng đó sẽ là một cuộc khủng hoảng tồi tệ’, ông nói.

Kể từ khi đến Mỹ, Belmont đã thể hiện tài năng tiên đoán ‘thời cuộc’ (the direction of the wind) của mình. Dù đã thu được rất nhiều lợi nhuận từ bông, ông thậm chí còn kiếm được nhiều hơn thế từ việc ủng hộ cuộc chiến chống lại ‘các bang bông’. Không như gia tộc Rothschilds luôn né tránh việc mua trái phiếu chính phủ trong thời kỳ nội chiến, Belmont đã đầu tư một khoản lớn cho trái phiếu của Liên Bang miền Bắc và nhờ đó trở nên giàu có.

Năm 1866, Belmont dành một phần tài sản của mình để tài trợ cho trường đua Jerome Park tại Bronx, nơi diễn ra cuộc đua Belmont Stakes lần đầu tiên vào năm 1867.

Bloomberg

(David K. Thomson là nghiên cứu sinh lịch sử tại Đại học Georgia).



* 3 giải lớn nhất Bắc Mỹ: Kentucky Derby, Preakness, và Belmont. Ngựa đua ở Bắc Mỹ bắt đầu cho chạy từ năm khi ngựa chỉ mới được 2 tuổi. Ba giải này chỉ dành riêng cho ngựa 3 tuổi, gọi chung là "The Triple Crown". Cho đến nay chỉ có được 11 con ngựa thắng được cả 3 giải này trong một năm.
Tags: bankfinance

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc