Vì sao ước mơ thâm nhập Silicon Valley của tập đoàn GE tan vỡ?

Động thái tránh thuế đã sớm chấm dứt hoạt động sản xuất máy tính của GE. Nguồn: Thư viện Quốc Hội (Mỹ), Phòng In Ấn và Nhiếp Ảnh.

By Elizabeth Tandy Shermer / Phương Thùy dịch, Sơn Phạm (hiệu đính)

Công ty sản xuất thiết bị xây dựng Caterpillar Inc. (CAT) mới đây đã gia nhập danh sách dài các công ty đe dọa sẽ di dời cơ sở sản xuất vì thuế tiểu bang quá cao. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy một số bài học ‘đau buồn’ (sobering) đối với các công ty có ý định như vậy.

Những năm sau Thế chiến II, các giám đốc điều hành bắt đầu tiến hành di dời trụ sở khỏi vùng Đông Bắc, miền Trung Tây và bờ Thái Bình Dương. Đây là hành động đối phó với việc áp dụng thuế lũy tiến của chính quyền các bang và liên bang – được những người theo ‘Chính sách kinh tế mới’ (New Deal) khởi xướng trong thập niên 1930.

Không hề ngạc nhiên, các ông trùm (magnate) và trợ lý lựa chọn địa điểm phải nắm vững các mức thuế khi đánh giá môi trường kinh doanh một nơi nào đó có thuận lợi hay không. Một nhà phân tích đã chỉ ra: ‘Địa thế tốt có thể góp phần giảm ít nhất 10% chi phí sản xuất và phân phối’. Nhưng, ông cũng cảnh báo: ‘nếu đánh giá sai lầm thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề hơn bất kì quyết định nào khác’.

Bài học từ GE
Các nhà lãnh đạo của General Electric Co. (GE) thực sự thấm thía lời cảnh báo này. Vào giữa những năm 1950, GE đang trên đà trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực máy tính. Phòng thí nghiệm của công ty tại Palo Alto, bang California đã thành công trong việc lắp đặt một trong những chiếc máy đầu tiên có khả năng đáp ứng nhu cầu của dịch vụ ngân hàng hiện đại. Ngân hàng Mỹ (Bank of America Corp.) - đã ký hợp đồng với GE – muốn những chiếc máy này được sản xuất không phải ở một bang thuế suất cao như Golden State (California) nhằm tránh 1,2 triệu USD thuế doanh thu – số tiền tương đối lớn vào những năm 1950 song không là gì so với lợi nhuận của ngân hàng này.

Giám đốc dự án này tại GE - Barney Oldfield, lưỡng lự trước quyết định rời bỏ vùng đất Silicon Valley non trẻ, nơi Hewlett- Packard Co. (HPQ) đã rất phát triển. Theo đánh giá của Oldfield, chi phí tăng thêm để hoàn thành dự án này ‘trong trường hợp trụ sở chính và tư liệu sản xuất đặt xa nhóm kỹ thuật phát triển’ là ‘vài triệu USD. Tôi nghĩ điều này sẽ làm lệch cán cân (tính toán)’.

Tuy nhiên, chủ tịch GE – Ralph Cordiner - rất muốn chuyển cơ sở đến khu thuế suất thấp Nashville, bang Tennessee. ‘Chúng tôi đã gạt bỏ (shoot down) ý tưởng này với lí do các chuyên gia cao cấp không muốn làm việc tại đây’, Oldfield nhớ lại. Do vậy, GE đã chọn Phoenix, thời đó là ‘suối nguồn’ (well-spring) của hàng loạt cải tiến trong ngành hàng không vũ trụ, chứ không phải công nghệ máy tính.

Từ Phoenix đến Los Angeles chỉ mất 8 giờ đi ô tô và một chuyến bay ngắn để đến được San Francisco, ngắn hơn nhiều so với việc đi lại giữa phòng thí nghiệm Palo Alto và Tennessee. Và công ty đã dễ dàng thực hiện các điều khoản của hợp đồng đầu tiên với chiếc máy đã định hình tiêu chuẩn cho công nghệ ngân hàng trong khoảng 40 năm. Tuy nhiên, trong dài hạn, quyết định này lại là một thảm họa.

Bộ phận sản xuất này, bị tách biệt khỏi trung tâm công nghệ và do đó bị hạn chế cả về quy mô lẫn phạm vi, dần dần chỉ phục vụ nhu cầu kế toán của công ty. Một thành viên cao cấp của dự án đổ lỗi nguyên nhân của tình trạng này là do những nhân viên địa phương ‘không hề biết (lack the faintest idea) sử dụng máy tính để thiết kế một máy tính khác và chỉ biết thiết kế thủ công’.

Rất ít kỹ sư ở phòng thí nghiệm Palo Alto muốn rời California để đến Phoenix giúp cải thiện tình hình (pick up the slack). ‘Họ không hứng thú với Phoenix, dù đây là địa điểm du lịch hay nơi làm việc’, trưởng bộ phận nhớ lại.

Cuối cùng, GE đành từ bỏ hoạt động trong lĩnh vực máy tính vào đầu thập niên 1970. Oldfield nói, ‘Tôi đang cố hình dung xem điều gì sẽ xảy ra nếu công ty cho phép chúng tôi đặt trụ sở bên cạnh nơi sau này trở thành Silicon Valley – ‘sân nhà’ của Apple, Intel, Hewlett-Packard, Beckman Instruments, Sygnetics và nhiều công ty khác nữa’.

Thời điểm đó, cũng như hiện nay, California là bang có mức thuế rất cao. Tuy nhiên, đây cũng là nơi khai sinh nền kinh tế số của nước Mỹ, mà GE, dù với rất nhiều dòng sản phẩm đa dạng, vẫn không là một phần trong đó.

(Elizabeth Tandy Shermer là giáo sư dự khuyết về lịch sử tại Đại học Loyola, Chicago. Bà là tác giả cuốn ‘Nền tư bản Nam và Tây Nam: Phoenix và sự biến đổi hoàn toàn chính trị nước Mỹ’ - ‘Sunbelt Capitalism: Phoenix and the Transformation of American Politics'.)

Bloomberg


Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc