Rockefeller Jr. tham gia cuộc chiến phản đối lệnh cấm rượu

Một thành viên của phong trào phản đối lệnh cấm rượu gắn miếng che lốp xe có dòng chữ 'Bãi bỏ Tu chính án số 18'. Nguồn: Thư viện Quốc hội (Mỹ), Phòng In ấn và Nhiếp ảnh.

Giáo sư Philip Scranton có bài ở Bloomberg kể về việc ngày 6 tháng Sáu năm 1932, John D. Rockefeller Jr. đã khiến mọi người chú ý. Ông từ bỏ sự ủng hộ dài lâu của mình đối với Lệnh cấm Sản xuất, Vận chuyển và Buôn bán Rượu, khi đó tờ New York Times mô tả đây là 'sự kiện kịch tính nhất về rượu kể từ khi lệnh cấm được áp dụng.'

Con trai người sáng lập Công ty Standard Oil đã công bố việc thay đổi ý định của mình trong một bức thư gửi đến Hiệu trưởng Nicholas Murray Butler của trường Đại học Columbia, người kêu gọi bãi bỏ lệnh cấm rượu. Rockefeller cho rằng Lệnh cấm này khiến mọi người uống rượu nhiều hơn, ở các quán rượu lậu thay vì ở nơi công khai, khuyến khích việc vi phạm luật pháp và gia tăng tội phạm tới 'mức độ chưa từng có.'

Rockefeller, thế hệ thứ ba trong gia đình kiêng rượu hoàn toàn, từ lâu là một trong những người ủng hộ nổi tiếng nhất của Tổ chức vận động cấm rượu Anti-Saloon League, đã quyên tặng 350.000 USD cho tổ chức này trong suốt những năm 1920. Tuy nhiên, ông nói ông đã 'dần dần và bất đắc dĩ' bị thuyết phục rằng việc bãi bỏ lệnh cấm sẽ góp phần 'khôi phục thượng tôn pháp luật.' Do việc thực thi lệnh cấm của liên bang được nhiều người cho là thất bại, vì vậy ông lập luận, quy định kiểm soát rượu nên thuộc về các tiểu bang.

'Những người phản đối lệnh cấm' rất hoan nghênh sự ủng hộ của Rockefeller. 'Những người đứng đầu chủ trương không cấm rượu từ tất cả các giai tầng xã hội, nam giới và phụ nữ đại diện doanh nghiệp, tầng lớp lao động, tài chính, hội đoàn, các ngành nghề, trường học và nhà thờ bày tỏ sự hài lòng về một người nổi tiếng như Rockefeller gia nhập hàng ngũ những người phản đối lệnh cấm rượu,' tờ New York Times đưa tin.

Hàng nghìn người đã gửi các bức điện tín chúc mừng tới Rockefeller, nhiều đến mức ngành bưu điện phải thuê thêm người để có thể đáp ứng được 'trận tuyết lở tin nhắn' này, tạp chí Time đưa tin.

Trong khi đó, 'Những người ủng hộ lệnh cấm' sửng sốt và tức giận. Giám mục James Cannon, 'người phản đối lệnh cấm nổi tiếng của miền Nam', cho rằng quan điểm của Rockefeller là 'không hề ngạc nhiên đối với những ai biết được các ảnh hưởng xung quanh ông ta, người đang sống như thể chỗ ở của quỷ Sa tăng' tại New York.

Những người khác cáo buộc ông đưa ra các báo cáo không trung thực, dẫn chứng tới các dữ liệu của chính phủ cho thấy sản xuất rượu đã giảm hai phần ba kể từ đầu những năm 1920.

Những người phản đối lệnh cấm rượu chế nhạo các số liệu thống kê này, cho rằng chúng do các nhân viên thực thi liên bang lo lắng ngụy tạo. Sau đó, Ủy viên lệnh cấm rượu Mỹ Amos Woodcock đưa ra con số đáng xấu hổ: 3.844. Đó là số lượng các quán bán rượu lậu và các cửa hàng rượu được phát hiện trong một cuộc điều tra đường phố chỉ riêng trong quận Manhattan. New York thực sự là 'tổ quỷ', nơi ẩn giấu một đế chế rượu rộng lớn và bất hợp pháp trị giá hàng triệu đô la.

Rockefeller thúc giục cả hai bên thêm mục "trình lại" trong cương lĩnh năm 1932 của họ, tiến một bước tới việc đưa các nghị quyết bãi bỏ lệnh cấm tới Quốc hội và các cơ quan lập pháp. 'Những người ủng hộ lệnh cấm rượu' tin chắc rằng hơn 13 bang sẽ từ chối việc sửa đổi hủy bỏ (lệnh cấm), do đó ngăn chặn thay đổi hiến pháp. Trong khi đó, họ đe dọa sẽ bỏ phiếu loại ra những kẻ tái phạm và phản bội sự nghiệp đấu tranh của họ.

'Bức thư của Rockefeller như một tín hiệu giải phóng những cảm xúc bị dồn nén của nhiều người Mỹ', tờ Times viết xã luận. 'Họ đã nhìn thấy các hạ nghị sĩ ở bang của mình tại Quốc hội từ lâu phải hành động dưới đe dọa hay thậm chí khủng bố chính trị. Thời kỳ đó rõ ràng sắp đến lúc kết thúc.'

Nhưng Lệnh cấm rượu sẽ không thể chấm dứt mà không có cuộc chiến nào và các hội nghị sắp tới sẽ chỉ như bước vào giai đoạn một mà thôi.

Sơn Phạm
Bloomberg


Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc