Vì sao Vương quốc Anh hoài nghi về châu Âu?

Beat the EU. Photo courtesy EU Exposed.
Phần lớn trong số 28 nước thành viên Liên Minh Châu Âu (EU) gia nhập tổ chức này vì mục đích rõ ràng và dài hạn. Đối với hai nước Pháp và Đức, Liên Minh châu Âu là cách để hàn gắn vết thương chiến tranh. Nước Bỉ coi Liên minh này là cơ hội để thiết lập quan hệ kinh tế ngoại giao còn với các quốc gia Đông Âu mới gia nhập gồm Ba Lan, Hungary, Estonia thì Liên minh này là cơ quan bảo vệ họ trước sức ép của Nga. Trái lại, Vương quốc Anh gia nhập EU năm 1973 với tâm thế lưỡng lự, không mấy mặn mà trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng nhẹ.

Điều này thể hiện sự hoài nghi với châu Âu của Đảng Bảo thủ và đa số người dân nước Anh mà có lẽ sẽ dẫn tới việc nước này biểu quyết về việc rút khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2017. Ngay từ đầu, Vương quốc Anh đã không thực sự muốn gia nhập Liên minh. Động cơ duy nhất khiến quốc gia này trở thành thành viên EU là lợi ích kinh tế đến từ khu vực thương mại tự do châu Âu. Nước Anh không hề ấn tượng với chế độ trợ cấp dành cho nông dân Pháp hay các ưu đãi tương tự khác. Trong suốt ba thập kỉ đầu tiên gia nhập EU, nước Anh là quốc gia đóng góp ròng lớn cho ngân sách của Liên minh. Điều này cho thấy việc nước Anh do dự khi gia nhập tổ chức này là hoàn toàn đúng. Sự can thiệp ngày càng sâu từ các cơ quan thực thi và quy tắc của Liên minh đối với hệ thống tư pháp, công sở và nhiều lĩnh vực khác cùng với những khó khăn đang xảy ra tại khu vực đồng euro đã và đang tạo nên làn sóng phản đối ở Anh. Nhiều người Anh cảm thấy họ đang mắc kẹt trong một thỏa thuận siêu quốc gia nhưng suy tàn về kinh tế (economically moribund), mà họ chưa và sẽ không bao giờ ủng hộ. Rõ ràng là những người này có cái lý của mình.

Vậy vì sao người Anh lo lắng đến vậy? Liên minh châu Âu không được như kỳ vọng nhưng lợi ích của việc gia nhập khối tự do thương mại lớn nhất thế giới cũng lớn hơn những chi phí mà một quốc gia phải bỏ ra. Đó là lý do tại sao nhiều người Bắc Âu gồm Thụy Điển, Hà Lan và thậm chí cả Đức dù cùng quan điểm với những chỉ trích của người Anh, song đã không vận động Chính phủ của họ rút khỏi Liên minh. Một phần câu trả lời có thể tìm thấy ở lịch sử Vương quốc Anh, gần như là quốc gia duy nhất tự hào hơn là sợ hãi khi nhắc tới Thế chiến Hai. Không những vậy, nước Anh còn luôn ‘khoa trương’ về các lợi ích của việc tách biệt: là quốc đảo tách rời khỏi lục địa châu Âu. Chính điều này khiến nước Anh miễn cưỡng coi mình là một quốc gia châu Âu và gắn bó với vận mệnh của các quốc gia châu Âu khác. Các kí ức về một thời là đế chế hùng mạnh cũng góp phần tạo nên ảo tưởng này: một số thành viên hoài nghi về châu Âu của Đảng Bảo thủ (Tory) thậm chí còn mơ về việc tái lập khối Thịnh vượng chung hay khối Anh ngữ thay cho EU.

Tuy nhiên, trên thực tế, không hề có quốc gia nào thể hiện sự hào hứng đối với lựa chọn thay thế này, nên rõ ràng giấc mơ của người Anh chỉ là tự dối mình. Và, một đặc điểm khác của chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu ở Anh đó là ảnh hưởng to lớn từ ý thức hệ cánh hữu của Đảng Bảo thủ. Thủ tướng Đảng Bảo thủ David Cameron, ban đầu nhằm xoa dịu vận động hành lang này, đã cam kết tổ chức trưng cầu dân ý năm 2017 trong trường hợp Đảng Bảo thủ thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc năm sau. Tuy nhiên, cuộc phản đối trong Quốc hội hồi tháng Một vừa qua với sự tham gia của gần 100 đảng viên Bảo thủ hoài nghi châu Âu cho thấy nước đi (gambit) của ông Cameron đã thất bại thảm hại như nào: những người hoài nghi châu Âu không hề bị thuyết phục, đồng thời ông Cameron chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động nước Anh ở lại EU như chính bản thân ông với tư cách thủ tướng luôn mong muốn.

Phương Thùy
The Economist

Tags: economics

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc