Các ngân hàng có thể học được gì từ Usain Bolt về quản trị rủi ro tài chính?

Photo courtesy friskytuna.

Một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là do ngành ngân hàng đã yếu kém trong việc đánh giá các 'rủi ro đuôi' (tail risk), các sự kiện có xác suất xảy ra rất nhỏ (biến cố hiếm hoi) nhưng mức độ tàn phá rất lớn (extremistan). Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng, cơ quan thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế về vốn ngân hàng, đã đề xuất những thay đổi trong các mô hình rủi ro nội bộ mà các định chế tài chính đang sử dụng. Cụ thể, Ủy ban này muốn các ngân hàng chuyển từ kỹ thuật 'hạn mức giá trị chịu rủi ro' (value-at-risk, VaR) sang kỹ thuật 'tổn thất kỳ vọng' (expected shortfall, ES).

VaR là cách đo lường mức độ rủi ro của một công ty sẽ chịu thiệt hại lớn nhất trong một khoảng thời gian nhất định (một ngày, một tuần, một tháng) với độ tin cậy xác định. Ví dụ, VaR theo ngày là 1 triệu USD với xác suất 1% có nghĩa là tới 99% khả năng bạn mất không quá 1 triệu USD vào bất kì ngày nào. Tuy nhiên, vấn đề với phương thức này là nếu trong 100 ngày tới mà bạn có đúng một ngày tồi tệ, các khoản lỗ có thể cao hơn rất nhiều con số 1 triệu USD này. Giá trị VaR không cho biết điều gì về các khoản thiệt hại đó lớn ra sao. Phương thức tiếp cận 'tổn thất kỳ vọng' sẽ trả lời câu hỏi trên. Thay vì hỏi 'xác suất mọi việc tồi tệ đến mức chúng ta lỗ 1 triệu USD là bao nhiêu?', phương thức này đặt câu hỏi: 'Nếu tình hình tồi tệ đến vậy, chúng ta sẽ thật sự lỗ bao nhiêu?'

Để trả lời được, cách tiếp cận này sử dụng phương pháp thống kê gọi là 'lý thuyết các giá trị cực trị' (extreme value theory), hay còn có thể gọi là lý thuyết các biến cố hiếm (những biến cố ít xảy ra nhưng khi xảy ra thì gây thiệt hại rất lớn), xem xét cụ thể những gì xảy ra ở đuôi phân bố (tail of distribution). Một ví dụ đơn giản về việc lý thuyết các giá trị cực trị được sử dụng có thể tìm thấy trong bài báo năm 2011 của hai nhà nghiên cứu tại Đại học Tilburg thu thập dữ liệu về thành tích cá nhân tốt nhất của các vận động viên ưu tú từ năm 1991 đến năm 2008, để cố gắng tính toán 'kỷ lục thế giới tới hạn' cho cuộc đua 100m chạy nước rút (sprint) - giới hạn tuyệt đối về khả năng con người trong các thời kỳ, với thiết bị và các chính sách chất kích thích thịnh hành thời đó. Đối với cuộc đua 100m nam, các nhà nghiên cứu (boffin) tính được kỷ lục thế giới tới hạn ở mức 9,51 giây, so với kỷ lục ở thời kỳ đó là 9,72 giây, và kỷ lục thế giới hiện nay là 9,58 giây do Usain Bolt thiết lập vào năm 2009. Kết luận này trông có vẻ khả quan: mô hình đã đưa ra một con số nằm trong tiêu chuẩn thời đó, và đối với kỷ lục hiện thời sẽ vẫn là một cải tiến lớn. Nếu lý thuyết các giá trị cực trị giúp các ngân hàng suy nghĩ thấu đáo (think through) về các biến cố hiếm, điều này thật đáng khích lệ.

Nhưng cũng giống như các mô hình trước đây, tổn thất kỳ vọng cũng không thể đoán trước tương lai. Trong một bài báo năm 2006, các nhà nghiên cứu từ chính đại học này cố gắng tính toán kỷ lục thế giới tới hạn cho nhiều sự kiện khác, bao gồm cả marathon nam. Lúc đó, các nhà nghiên cứu đã dự đoán thành tích tốt nhất ở cự ly này là hai giờ, bốn phút và sáu giây. Tuy nhiên, kỷ lục thế giới hiện nay là hai giờ, ba phút và 23 giây (do Wilson Kipsang thiết lập vào năm 2013). Nói cho công bằng, các nhà nghiên cứu không kết luận rằng kỷ lục tới hạn của họ không thể bị phá vỡ. Tuy nhiên, liệu các ngân hàng có nhớ rằng thực tế có khi còn tồi tệ hơn so với dự kiến lại là câu chuyện khác. Việc áp dụng 'tổn thất kỳ vọng' sẽ là một cải tiến so với kỹ thuật VaR; nhưng đây cũng không phải là một quả cầu pha lê (đoán trước tương lai).

Sơn Phạm
The Economist

Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc