Vì sao đồng euro vẫn mạnh khi kinh tế châu Âu chao đảo như vậy?

Photo courtesy Alf Melin.

Khu vực đồng euro có vẻ như đang phục hồi so với giai đoạn trước đây, song điều này cũng không nói lên gì nhiều. Nền kinh tế chịu khủng hoảng từ lâu giờ mới dần thoát khỏi suy thoái kể từ đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp trên đà giảm (level off), lo ngại về khủng hoảng cũng như chi phí vay mượn của chính phủ giảm dần (ebb). Tuy nhiên, tỉ lệ tăng trưởng rất khó mới đạt tới 1% vào năm sau, dẫn đến các lo ngại giảm phát. Các doanh nghiệp và hộ gia đình châu Âu vẫn đang ngập trong nợ nần. Đầu tháng này, trước những dấu hiệu suy thoái kinh tế mới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất cơ bản xuống còn 0.25%. Từ cuối năm 2009 đến giữa năm 2012, đồng euro sụt giá do khủng hoảng nợ châu Âu trầm trọng hơn. Nhưng kể từ tháng Bảy năm ngoái, đồng euro đã phục hồi và hiện trở về mốc năm 2007. Sau nửa thập kỉ với các biến động (gyrations) tài chính, các nhà đầu tư dường như muốn giữ đồng euro hơn bao giờ hết. Vì sao đồng euro vẫn mạnh khi kinh tế châu Âu chao đảo như vậy?

Một đồng tiền lên giá có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Tỷ giá hối đoái là nhân tố quyết định đối với giá cả hàng hóa một nước trên thị trường nước ngoài. Nếu giá xe ôtô của Mỹ giữ nguyên trong khi giá đôla tăng thì giá xe ôtô Mỹ tính bằng đồng yên hoặc euro cũng sẽ tăng và Mỹ sẽ bán được ít ôtô hơn ở các thị trường nước ngoài. Châu Âu có nhiều lý do để e ngại về một đồng tiền mạnh. Với việc các doanh nghiệp, hộ gia đình và cả chính phủ hiện đang phải thắt lưng buộc bụng, châu Âu phụ thuộc vào hàng xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng và tuyển dụng lao động. Một số nhà lãnh đạo châu Âu như Tổng thống Pháp François Hollande lo ngại rằng đồng euro mạnh sẽ gây tổn hại cho các công ty xuất khẩu của châu Âu.

Lý giải biến động tỷ giá hối đoái gần như là một nhiệm vụ bất khả thi. Một đồng tiền có thể trở nên mạnh hơn khi triển vọng kinh tế gia tăng dẫn đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài hoặc do các ngân hàng nội địa bán (liquidate) các khoản đầu tư nước ngoài và thu tiền về trang trải cho những thất thoát dự kiến. Tuy nhiên, có hai nhân tố rõ ràng có thể là lí do khiến đồng euro tăng giá. Đầu tiên là việc giảm nguy cơ tan vỡ khu vực đồng euro. Đồng euro đảo chiều từ yếu sang mạnh khi tháng Bảy năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để duy trì đồng tiền chung này. Các thị trường khi đó đã thở phào nhẹ nhõm và dường như ít lo ngại hơn khi nắm giữ đồng euro. Chính sách tiền tệ tương đối thắt chặt cũng có thể là một nhân tố. Lãi suất châu Âu thường cao hơn các nơi khác trong khi tỷ lệ lạm phát thấp hơn. Những mức chênh lệch nhỏ nhoi này có thể giúp mang lại khoản lợi nhuận kếch sù cho các nhà đầu tư vay (ví dụ) đôla và sử dụng chúng để mua đồng euro rồi gửi vào các ngân hàng châu Âu. Kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) làm tăng giá trị tương đối của đồng euro so với các đồng tiền khác.

Tuy nhiên, đồng euro tăng giá không hoàn toàn là xấu. Nó có thể là chỉ dấu các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới việc cho chính phủ các nước ngoại biên (periphery) vay. Và người dân châu Âu sẽ có lợi từ giá nhập khẩu giảm. Nhưng cái giá phải trả - đối với các công ty xuất khẩu và đến từ tình trạng giảm phát – có thể còn lớn hơn thế. May mắn là châu Âu không hoàn toàn bất lực trước việc đồng euro lên giá. Ngân hàng Trung ương châu Âu có khả năng ngăn chặn kinh doanh chênh lệch lãi suất bằng cách trả lãi suất âm đối với tiền gửi và áp dụng biện pháp ‘nới lỏng định lượng’ (quantitative easing - QE) như nhiều ngân hàng trung ương ở các nước phát triển khác để thúc đẩy kinh tế. QE có nghĩa là sẽ phải in thêm euro để mua trái phiếu chính phủ. Cuối cùng thì, tỷ giá hối đoái đơn thuần chỉ là một mức giá: giá của đồng euro tính theo các đồng tiền khác và cách chắc chắn nhất để giảm giá đồng tiền này đơn giản là chỉ việc in thêm tiền (mà thôi).

Phương Thùy
The Economist

Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc