Khía cạnh kinh tế của lễ hội âm nhạc Glastonbury

Glastonbury 2013. Photo courtesy Ben K Adams.

Vào ngày 25 tháng Sáu, khoảng 120.000 người sẽ tập trung ở Worthy Farm, Somerset để tham gia lễ hội âm nhạc Glastonbury. Được tổ chức lần đầu năm 1970, lễ hội này chỉ có chưa tới 1.500 người tham dự. Giá vé thời đó là 1 bảng (tương đương 2.40 đôla ngày nay) và nhóm nhạc diễn chính The Kinks thậm chí còn không xuất hiện. Kể từ ngày đó, Glastonbury đã trở nên ngày một chuyên nghiệp và nổi tiếng: dù chưa tiết mục nào được chốt vào thời điểm này nhưng tất cả vé của lễ hội năm nay với giá 210 bảng (355 đôla) một chiếc đã được bán hết sạch trong chưa đầy một tiếng rưỡi. Thành công của lễ hội này là biểu hiện của một xu hướng lớn hơn trong ngành công nghiệp âm nhạc. Đó là các buổi diễn trực tiếp ngày càng trở nên quan trọng hơn. Vì sao vậy?

Vào đầu thiên niên kỉ mới, khoảng 2/3 thu nhập của giới nghệ sỹ đến từ các bản thu âm trong khi 1/3 còn lại bao gồm nguồn thu từ biểu diễn trực tiếp, sản phẩm ăn theo và hợp đồng quảng cáo. Ngày nay, tình thế đã đảo ngược. Nhạc số - cả hợp pháp lẫn bất hợp phát – đã làm giảm lượng đĩa bán ra. Biểu diễn trực tiếp và sản phẩm ăn theo đã thay thế đĩa hát để trở thành nguồn thu nhập chính của các nghệ sỹ ở Anh. Vé xem biểu diễn mang lại lãi cao (juicy markup) trong khi áo thun, poster và những sản phẩm tương tự giúp làm đầy thêm túi tiền của các ban nhạc (boost bands’ coffers). Những tên tuổi như Rolling Stones, nhóm nhạc có tour diễn đầu tiên hơn 50 năm trước, hiện bán vé VIP với giá hơn 1.000 đôla.

Các địa điểm tổ chức hòa nhạc đều được lợi từ sự thay đổi thị trường này nhưng rõ ràng là các lễ hội đặc biệt thành công. Theo Cơ quan quản lý về biểu diễn và phổ biến tác phẩm âm nhạc (Performing Rights Society), năm 2011, các sân khấu lớn (arena) thu về 396 triệu trong thị trường nhạc sống trị giá 1.6 tỉ bảng của Anh. Các lễ hội cũng đạt được con số tương tự. Tuy nhiên, do vé của lễ hội đắt hơn nên chỉ cần 272 sự kiện là có được doanh thu trên so với 1.000 buổi biểu diễn ở các sân khấu lớn. Lễ hội cũng đem lại lợi ích cho các nghệ sỹ: khán giả đông hơn trong khi họ chỉ phải diễn ít hơn so với những lịch đi tour mệt mỏi và tốn kém. Khán giả cũng được lợi, được xem thỏa thích các ban nhạc trong không khí thoải mái hơn hẳn so với ở các sân khấu chật chội (cramped gig venue). (Cũng phải nói đây có thể là một trải nghiệm tốn kém vì không có nhiều lựa chọn để mua đồ ăn, nước uống). Mùa lễ hội ở Anh vì thế đã kéo dài hơn, hiện nay là từ tháng Năm cho tới suốt tháng Chín. Việc chính phủ loại bỏ các quy định về biểu diễn trực tiếp năm 2012 đã thúc đẩy các lễ hội nhỏ do người tổ chức không còn phải hoàn thành hàng đống giấy tờ thủ tục nữa.

Tuy nhiên thành công của các lễ hội cũng tạo ra vấn đề cung cầu của riêng nó. Chris Carey, giám đốc Media Insight Consulting, cơ quan luôn theo sát ngành công nghiệp âm nhạc, nhận xét các lễ hội đều đang phải tranh giành những tên tuổi hàng đầu, mà số lượng những nhóm này thì có hạn. Kết quả là những ‘ban nhạc lão thành’ (doddery “heritage bands”) được đưa trở lại sân khấu. Chi phí cao vút cho sự xuất hiện của các siêu sao khiến cho chẳng còn bao nhiêu tiền để trả cho những nhóm ít tên tuổi hơn. Rất nhiều lễ hội nhỏ đã phải hủy bỏ vào giờ chót vì không bán được vé. Thêm vào đó là sự cạnh tranh ngày một quyết liệt từ châu Âu: rất dễ bắt máy bay giá rẻ để tham gia các lễ hội ở Croatia và Latvia, nơi bia ngập tràn, các ban nhạc chất lượng và thời tiết tốt. Những người tham gia Glastonbury cũng sẽ được đảm bảo ít nhất 2 điều đầu tiên còn về điều thứ ba, có lẽ họ nên mang theo ủng đi mưa (welly, wellington): đúng như truyền thống, giai đoạn thời tiết tốt ở phía nam nước Anh được dự báo sẽ chuyển mưa vào đúng dịp cuối tuần này.

Đăng Duy
The Economist

Hội chợ Thế giới ở Chicago chào mừng ‘Một thế kỷ phát triển’
Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc