Vì sao giá nhà ở London lại đắt như vậy?

Photo courtesy Donna Rutherford.

Không mấy ai hy vọng thị trường nhà ở tại Vương quốc Anh có thể phục hồi (quick rebound) sau đợt sụt giảm năm 2008 nhanh như vậy. Sau đợt đổ vỡ giá bất động sản gần nhất năm 1989, phải mất gần 10 năm sau giá nhà ở mới trở về mức trước đó (dù mới tính theo giá danh nghĩa, chưa điều chỉnh ảnh hưởng của lạm phát). Tuy nhiên, thời gian phục hồi sau đợt suy trầm 2008 lần này chỉ bằng nửa giai đoạn trước. Tại London, giá nhà ở đã cao hơn mức giá đỉnh điểm năm 2008 là 25% và đang gia tăng ở mức 18% một năm. Một ngôi nhà bình thường ở thủ đô London có giá 450.000 euro (760.000 usd); một số khu khác, giá nhà trung bình cao gấp 10 lần thu nhập bình quân. Điều gì dẫn đến sự phục hồi ngoạn mục này và vì sao giá nhà ở tại London tăng cao đến vậy?

Một trong các nguyên nhân là tài chính. Giá nhà ở rơi vào vòng xoáy giảm sút trong thời gian suy thoái, các ngân hàng không còn cung cấp những khoản vay mua nhà hào phóng như trước, mà chỉ những người có lượng lớn tiền gửi ổn định mới vay được từ ngân hàng. Tuy nhiên, kể từ khi suy thoái xảy ra, một phần nhờ các khoản trợ cấp từ Chính phủ, các khoản vay thế chấp mua nhà với số tiền vay tới 95% giá trị tài sản (95% loan-to-value mortgage, người mua chỉ cần đặt cọc 5%) đã xuất hiện trở lại. Số lượng các khoản vay mới đã tăng 1,5 lần trong năm ngoái. Trong khi đó, nhờ vào chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh, lãi suất thấp tạo điều kiện cho người dân vay được những khoản vay giá trị lớn. Tuy nhiên, vấn đề là, các khoản vay lãi suất thấp (cheap money) có ở khắp nước Anh còn giá nhà thì không phải ở đâu cũng tăng. Giá nhà tại London và các khu vực giàu có phía Đông Nam đang tăng rất cao, còn khu vực miền Bắc nước Anh vẫn thấp hơn nhiều so với mức năm 2008.

Hiện tượng giá nhà tăng cao ở London là do cung hạn chế trong khi cầu tăng mạnh. Ở miền Bắc nước Anh, kinh tế tăng trưởng chậm, tỷ lệ gia tăng dân số thấp cùng với việc các nhà mới liên tục được xây dựng khiến nhà ở dư thừa trong khi cầu về nhà ở không cao. Trái lại, ở London và miền Đông Nam với quy định chặt chẽ về quy hoạch đô thị và diện tích đất eo hẹp, số lượng nhà được xây mới không nhiều dù kinh tế phát triển nhanh và gia tăng dân số cao khiến cho nhu cầu về nhà ở tăng. ‘Các vành đai xanh’ – các khu vực cấm xây dựng – quanh London và các thành phố nhỏ như Oxford và Cambridge khiến việc xây dựng các khu ngoại ô mới trở nên khó khăn. Các tòa chung cư cao tầng bị hạn chế (constrict) bởi luật nhằm duy trì cảnh quan đường chân trời, cũng như khó khăn và chi phí tốn kém trong việc thu hồi đất (acquiring land) và giải phóng mặt bằng (demolishing existing homes). Luật cho phép xây dựng trên các khu đất bỏ hoang hay khu công nghiệp, thương mại không được sử dụng (brownfield land) song chi phí xây dựng đắt đỏ và người mua cũng không mấy mặn mà với nhà ở tại những khu đất này. Do vậy, dù giá nhà ở tại London đã cao hơn mức đỉnh điểm năm 2008 là 25%, số lượng nhà mới được xây vẫn ở mức dưới 20% so với năm 2008. Giáo sư Paul Cheshire thuộc Đại học Kinh Tế London cho hay trong 5 năm 2008-2013, số lượng nhà mới được xây ở Doncaster và Barnsley – hai khu đô thị ảm đạm (struggling) ở miền Bắc - cao gấp hai lần so với hai thành phố thịnh vượng (thriving) là Oxford và Cambridge.

Điều này cho thấy nếu không được xây thêm thì giá nhà tại London và khu vực Đông Nam sẽ tiếp tục tăng, nhất là khi lãi suất còn ở mức thấp, dân số tiếp tục tăng nhanh và không có khủng hoảng tài chính nào khác. Điều đó cũng có nghĩa là giá nhà sẽ tăng dẫn đến nguy cơ bong bóng khi mọi người cùng cố đoán mức tăng “hợp lý”, và suy tính nên mua nhà sớm hay muộn. Trước đây, chính phủ nỗ lực đảm bảo giá nhà tiếp tục tăng nhằm làm hài lòng các cử tri là chủ sở hữu bất động sản. Nhưng khi giá nhà tại miền Đông Nam nước Anh ngày càng tăng tới mức không hiểu nổi (sillier) và số người sở hữu bất động sản giảm, quan điểm chính trị về nhà ở đang thay đổi. Nhiều nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu thảo luận biện pháp để chấm dứt tình trạng bong bóng này.

Phương Thùy
The Economist


1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc