Làm thế nào để trường sinh bất lão?

Photo credit: AP.

Cụ bà Jeanne Calment (ảnh trên) – người giữ kỉ lục sống lâu nhất thế giới (122 năm 164 ngày) – từng nói bí quyết trường thọ của bà là chế độ ăn giàu dầu ô liu, rượu vang đỏ Port và chocolate. Bà cũng hút thuốc tới khi 117 tuổi. Cụ Alexander Imich, từng là người đàn ông già nhất còn sống (111 tuổi) trước khi mất vào tháng Sáu vừa qua, cũng không có bí quyết gì. Khi được hỏi làm thế nào có thể sống thọ đến vậy, cụ nói: ‘Tôi chả biết, chỉ là tôi không chết sớm hơn mà thôi’. Các nhà khoa học đang tìm kiếm những lí do xác đáng và rõ ràng (plausible and definitive) hơn để giải thích vì sao một số người trong số chúng ta sống lâu hơn hẳn phần còn lại. Nhiều ý kiến cho rằng gene của những người thọ trăm tuổi (centenarian) như bà Calment và ông Imich là lí do chính. Một số khác tin rằng nghiên cứu của họ rồi một ngày sẽ mang lại câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi đã cuốn hút nhân loại ít nhất từ thời Herodotus: có cách nào để con người trở nên bất tử không?

Có một số thành phần sinh học tham gia vào quá trình lão hóa. Chúng làm cơ thể dần dần xuống cấp (degrade) ở cấp độ tế bào (cellular level). Tuổi già cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới nhiều bệnh tật thông thường khác như ung thư và tim mạch. Vì thế xử lý quá trình lão hóa được coi là cách để chống lại nhiều loại bệnh một lúc. Đây chính là động cơ phía sau dự án chống lão hóa Calico của Google do Art Levinson - cựu lãnh đạo của Genentech, một công ty tiên phong trong ngành công nghệ sinh học, thành lập và đứng đầu. Craig Venter, nhà di truyền học (geneticist) có vai trò quan trọng trong việc giải mã bộ gene người, cũng đã thành lập một công ty tương tự đầu năm nay. Mục đích chính của các công ty kiểu này không nhất thiết để kéo dài tuổi thọ con người mà là kéo dài ‘tuổi khỏe’ (healthspan) – số năm sống với sức khỏe tốt. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học tin rằng bất kì nỗ lực nào dừng hay làm chậm sự tiến triển các bệnh liên quan đến tuổi già phải giải quyết được sự tổn thương tế bào trong quá trình lão hóa, và do đó, tuổi thọ dài hơn sẽ là sản phậm phụ bắt buộc và được hoan nghênh của các nỗ lực này.

Những tổ chức (outfits) và các nghiên cứu về chống lão hóa trong một thập kỉ qua đã tập trung phần lớn vào gene. Khả năng một người sống qua tuổi 80 chủ yếu phụ thuộc vào hành vi – không hút thuốc, chế độ ăn hợp lý và tập thể dục; nhưng khả năng sống quá mốc đó phần lớn lại do gene quyết định. Vì vậy, giới khoa học đang tìm kiếm các ‘gene bảo vệ’ có khả năng làm chậm sự suy giảm tế bào (cellular decline) và đẩy lùi (ward off) bệnh tật ở những người như các cụ Calment và Imich. Nếu các nhà nghiên cứu có thể tìm ra chúng thì sẽ có hi vọng các tập đoàn dược phẩm có thể tạo ra các loại thuốc mô phỏng tác dụng của các gene này với những người vốn chỉ có thể đạt được tuổi thọ thông thường. Nhờ thế, họ có thể đạt được số tuổi như bà Calment mà theo một số nhà khoa học là cực hạn của tuổi thọ con người. Những người khác cho rằng để tiến xa hơn thế, cơ thể cần được coi như một cỗ máy phải được sửa chữa và thay thế các bộ phận thường xuyên. Các dược phẩm tái sinh (regenerative medicine) đem lại hi vọng ở khía cạnh này, trong khi giới khoa học đang sử dụng tế bào gốc (stem cells) để nuôi cấy bộ phận thay thế ở người như mô (tissue) và nội tạng (organ). Về lý thuyết, một người có thể đến cửa hàng để mua các bộ phận mới chừng nào não của họ còn nguyên vẹn (remain intact). Các nhà khoa học thậm chí còn nói về chữa trị các bệnh tàn phá (ravage) não như Alzheimer và Parkinson bằng cách thay thế tế bào thần kinh.

Những người lạc quan như nhà nghiên cứu chống lão hóa ở Anh Aubrey de Grey (người nổi tiếng với những phát biểu ‘kích động’) tin rằng công nghệ sẽ giúp con người sống vượt xa con số 122 năm của cụ Calment. Hầu hết những người khác thì cho rằng còn xa mới đạt được tiến bộ đó. Một hi vọng thực tế hơn là nghiên cứu chống lão hóa sẽ dẫn tới giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Một trong các đặc điểm của những người cực thọ là họ thường khỏe mạnh tới tận khi chết. Vì thế họ tiết kiệm rất nhiều cho hệ thống y tế so với hầu hết người già, đặc biệt là những ai có bệnh mãn tính (chronic disease). Các nhà khoa học nói về ‘cổ tức tuổi thọ’ (longevity dividend) đạt được bằng cách giảm thiểu (compress) quãng thời gian bệnh tật cuối đời cho mọi người. Điều này ít ra cũng giải quyết được mâu thuẫn (paradox) của tham vọng bất tử: con người muốn sống mãi nhưng chẳng hề muốn già đi.

Đăng Duy
The Economist

Tags: idea

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc