Việt Nam: Thất nghiệp thấp nhưng không đáng mừng

shared via giangle.
-----
Định nghĩa thất nghiệp của Việt Nam tuân thủ theo thông lệ quốc tế, chính xác hơn là tuân thủ theo định nghĩa của ILO. Nếu mẫu điều tra của Việt Nam trong Q2 2014 là 50.000 hộ gia đình như TS Hương công bố thì có thể nói mẫu này khá lớn khi so với sample của Mỹ là 60.000 hộ gia đình cho một đất nước có dân số đông gấp ba lần Việt Nam. Trên thực tế , theo thông tin tại website của TCTK có năm mẫu này lên đến 173,000 hộ (2007). Mặc dù chưa được chi tiết như Handbook of Methods của Mỹ, TCTK đã rất cố gắng (với sự trợ giúp của UNDP) đưa toàn bộ bản hỏi và phương pháp điều tra lên mạng. Với những thông tin nói trên tôi đánh giá cuộc điều tra này khá chất lượng, ít nhất về mặt thiết kế và tổ chức khảo sát. Tất nhiên chất lượng điều tra thực địa và xử lý số liệu có thể có vấn đề, nhưng với sự giúp đỡ của ILO và UNDP những con số thống kê được công bố có lẽ không quá xa chuẩn quốc tế.

Vậy tại sao tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam lại thấp như vậy? Theo tôi, lý do quan trọng nhất chính là ở cái "chuẩn quốc tế" mà Việt Nam cố gắng theo đuổi. Chuẩn quốc tế ở đây là Standards and Guidelines on Labour Statistics của ILO, trong đó bao gồm một Resolution 1982 liên quan đến các định nghĩa về lao động và thất nghiệp. ILO, một tổ chức quốc tế được thành lập tại Hội nghị Hòa bình Versailles năm 1919 với mục đích chuẩn hóa các tiêu chuẩn, chính sách bảo vệ người lao động, đưa ra các tiêu chuẩn thống kê thống nhất để có thể so sánh thị trường lao động giữa các nước thành viên. Không khó có thể đoán bộ tiêu chuẩn này dựa vào tiêu chuẩn thống kê của Mỹ và các nước phát triển khác. Bởi vậy,  những định nghĩa quan trọng như thất nghiệp hay thu nhập bình quân (hourly rate) có đặc thù của một nền kinh tế công nghiệp với phần lớn nhân công lao động làm thuê theo hợp đồng cho các đơn vị kinh tế cố định (công ty, nhà xưởng, cửa hàng).

Áp dụng máy móc định nghĩa của ILO vào thị trường lao động Việt Nam hẳn nhiên những người bán trà đá, hàng rong, hay chạy xe ôm sẽ không bị coi là thất nghiệp. Không chỉ Việt Nam mà ở hầu hết các nước nghèo người lao động không thể không làm việc vì cơ chế bảo hiểm xã hội quá ít hoặc không tồn tại. Nói theo một chuyên gia quốc tế thất nghiệp ở các nước nghèo là một điều "xa xỉ", hầu như chỉ có những người rất giầu mới có thể cho phép mình không lao động. Do vậy có thể đoán các nước nghèo có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp chứ không riêng gì Việt Nam. Dưới đây là tỷ lệ thất nghiệp của một số nước (nguồn WB), đồ thị này cho thấy Thailand và Cambodia có tỷ lệ thất nghiệp còn thấp hơn Việt Nam và tôi tin những người bán hàng rong hay chạy xe ôm ở những nước này cũng được tính là không thất nghiệp.

Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào con số tuyệt đối tỷ lệ thất nghiệp 1.84% quá tốt so với thế giới, nhưng tôi tin không một lãnh đạo nào của Việt Nam dám đưa con số này ra làm bằng chứng cho "tính ưu việt" của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trên thực tế tỷ lệ thất nghiệp thấp như vậy là bằng chứng cho thấy người lao động VN phải làm bất cứ công việc gì với bất cứ mức thu nhập như thế nào để tồn tại. Nói theo lý thuyết kinh tế, structural unemployment rate của Việt Nam (và các nước nghèo khác) rất thấp, có lẽ xấp xỉ bằng không. Quan sát của TS Hương về việc tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tục rất có thể là sự sụt giảm của structural unemployment rate, cho thấy cuộc sống của người lao động ngày càng bấp bênh, không có gì đáng tự hào.

Điều này có thể thấy rõ hơn qua một thống kê khác về lao động việc làm: tỷ lệ lao động dễ tổn thương (người nội trợ, lao động tự do như bán trà đá, chạy xe ôm). Cũng giống như những nước nghèo khác tỷ lệ này của Việt Nam cao hơn hẳn, >60% ở Việt Nam và Cambodia, >50% ở Thailand,  so với các nước phát triển <10%. Đây mới là một trong những chỉ số mà báo chí, dư luận, và những người làm chính sách Việt Nam phải lưu tâm thay vì chăm chăm vào phê phán tỷ lệ thất nghiệp. ILO biết điều này và cũng khuyến nghị như vậy.

Tóm lại, dù tôi còn rất nhiều bức xúc về số liệu thống kê của Việt Nam, con số thất nghiệp 1.84% không nằm trong số này. Tôi rất mong các nhà báo và các chuyên gia kinh tế tập trung hơn vào các số liệu khác trong các ấn phẩm thống kê về lao động việc làm của TCTK và Bộ LĐTBXH. Ví dụ đồ thị sau đây trong Bản tin số 3 cho thấy một sự dịch chuyển rất đáng quan tâm trong thị trường lao động Việt Nam trong Q2 2014. Thị trường xây dựng đang ấm dần lên trong khi thương mại dịch vụ và tài chính tiếp tục bế tắc?

Tags: work

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc