Nigeria đã ngăn chặn dịch Ebola như nào?

Response volunteers in Nigeria. Photo courtesy CDC Global.

Khi Patrick Sawyer xuống sân bay quốc tế Murtala Muhammed ở Lagos, thủ đô Nigeria, ngày 20 tháng Bảy, anh đã ngay lập tức ngã quỵ. Khoảng hai tuần trước đó, anh đã tiếp xúc với virus Ebola ở Liberia. Và giờ anh mang nó đến Nigeria. Vụ bùng phát dẫn đến 19 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh và 8 người chết ở Nigeria, gồm cả anh Sawyer. Nhưng không giống như Guinea, Liberia và Sierra Leone, nơi dịch Ebola đến nay đã làm chết hơn 4.500 người, Nigeria đã có thể ngăn chặn được virus lây lan. Ngày 20 tháng Mười, Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Gama Vaz cho biết đã không ghi nhận thêm trường hợp bị sốt Ebola nào ở Nigeria trong vòng 42 ngày qua. Nigeria đã tiến hành những gì?

Dân số Nigeria có 177 triệu người, hầu hết là người châu Phi. Lagos, trung tâm thương mại nước này, có hơn 20 triệu dân, nhiều người sống trong các khu ổ chuột đông đúc (teeming slum). Vì vậy, nguy cơ bệnh lây lan rất lớn, và không chỉ giới hạn trong nước. Hàng ngàn người qua sân bay quốc tế ở Lagos mỗi ngày, trên đường đến Trung Hoa, Ấn Độ và Mỹ. Nhiều tập đoàn đa quốc gia có trụ sở châu Phi của họ tại thành phố này. Các giới chức y tế quốc tế lo ngại rằng ổ dịch Ebola tại Nigeria sẽ dẫn đến đại dịch toàn cầu thực sự.

Tuy nhiên, theo cách nào đó, Nigeria đã gặp may. Trong số gần 200 người trên chuyến bay với Sawyer, không ai bị nhiễm Ebola. Khi Sawyer nhất quyết đòi ra viện, bác sĩ Ameyo Adadevoh đã ngăn anh ta lại. Bác sĩ này cũng chết sau đó. Chính phủ đã phản ứng chậm chạp, một phần vì Sawyer đã không được chẩn đoán bị nhiễm Ebola ngay tức thì. Nhưng khi các nhà chức trách phát hiện virus, họ đã có các phản ứng quyết liệt. Nigeria có số bác sĩ và bệnh viện trên mỗi người dân nhiều hơn hầu hết các nước châu Phi. Nước này cũng có đội ngũ bác sĩ tại chỗ để điều tra sự bùng phát các bệnh như dịch tả (cholera) và sốt Lassa. Những công cụ này đã nhanh chóng được tận dụng. Một trung tâm chỉ huy do Quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ để ngăn chặn bệnh bại liệt (polio) đã được dùng để điều phối các phản ứng đối phó với dịch Ebola. Các chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh nước Mỹ (CDC) trước đó đã đào tạo 100 bác sĩ Nigeria về dịch tễ học (epidemiology), và 40 người trong số họ đã dẫn đầu quá trình truy tìm những người có tiếp xúc với Sawyer. Chính phủ đã làm việc với các hãng hàng không để tìm những người mà anh ta có thể truyền bệnh. Sau đó, các nhân viên y tế liên tục kiểm tra thân nhiệt của gần 900 người bị nghi đã tiếp xúc, tổng cộng hơn 18.500 lần gặp mặt trực tiếp (với những người này).

Ông Thomas Frieden, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh nước Mỹ cho biết: 'Đối với những ai cho là vô vọng, đây chính là liều thuốc giải độc (antidote), chúng ta có thể kiểm soát dịch Ebola.' Các nước khác có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dịch có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Nigeria. 'Họ cần chuẩn bị sẵn sàng bằng cách thiết lập các nhóm phản ứng nhanh và cải thiện hệ thống giám sát của mình,' ông Chris Stokes thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới (Médecins Sans Frontières) nói. Tuy nhiên, ông Frieden cảnh báo: 'Một vài nước có nguy cơ là Lagos tiếp theo vẫn chưa hề có một khái niệm nào về cách thức đối phó với dịch bệnh này.' Tệ hơn nữa, phần lớn các bài học từ Nigeria không áp dụng được cho các nước nơi dịch Ebola hiện đang hoành hành (raging) ngoài tầm kiểm soát. Các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone không có các nguồn lực tương tự và dù sao cũng quá muộn để có thể dập tắt (stamp out) virus một cách nhanh chóng. Sẽ phải rất lâu các nước này mới có thể tuyên bố không còn dịch Ebola, có nghĩa là Nigeria và phần còn lại của thế giới vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Sơn Phạm
The Economist

Tags: idea

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc