Vì sao kinh tế Đức sa lầy?

Hamburg Port. Photo courtesy Henry Mühlpfordt.

Trong quý II năm nay, nền kinh tế Đức đã giảm 0,2%. Các nhà kinh tế cho rằng xu hướng giảm sẽ tiếp tục trong quý III, nghĩa là (về mặt kỹ thuật) nền kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái. Một số người còn tin rằng Đức sẽ không tăng trưởng cho đến giữa năm sau. Kết quả này khiến một số người ngạc nhiên, khi nền kinh tế Đức được cho là cường quốc (powerhouse) của châu Âu. Điều gì đã xảy ra?

Nền kinh tế Đức dựa trên (power by) xuất khẩu. Cán cân tài khoản vãng lai (chênh lệch giữa lượng tiền nhận được trong nước và chi tiêu ở bên ngoài) của nước này thuộc vào hàng lớn nhất thế giới, ở mức 7% GDP. Đức cũng là một nền kinh tế mở: tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu so với GDP cao gấp đôi Trung Hoa. Vì vậy, khi xuất khẩu của Đức giảm 6% vào tháng Tám, bạn hiểu rằng đây là tin xấu. Trong những tháng gần đây, nền kinh tế toàn cầu không thuận lợi với nước Đức. Khoảng 6% lượng xuất khẩu của Đức là tới Trung Hoa, đặc biệt là những mặt hàng mà các nhà kinh tế gọi là hàng hóa tư bản như máy móc hạng nặng. Kinh tế Trung Hoa hiện đang chậm lại: năm 2010, tăng trưởng GDP là 10% nhưng năm nay có lẽ chỉ còn 7%. Hơn thế nữa, Trung Hoa đang tái cân bằng từ đầu tư (đòi hỏi nhiều hàng hóa tư bản) sang tiêu dùng. Nước Đức cũng đã bị ảnh hưởng do tăng trưởng chậm của 17 nước trong khu vực đồng euro, nơi chiếm tới 40% lượng xuất khẩu nước này. Thêm vào đó, nước Nga (chiếm 3% kim ngạch xuất khẩu của Đức) đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện (full-blown) do giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Một số người Đức phản đối, cho rằng không có gì thực sự sai khi kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn khó khăn, và nước Đức vẫn bền vững về mặt cấu trúc. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 5% nên rất ít người Đức cảm nhận tình hình khó khăn này. Nhưng có nhiều vấn đề khác. Sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima năm 2011, chính phủ Đức đã quyết định chuyển từ năng lượng hạt nhân sang năng lượng tái tạo (renewables, ở Đức gọi là Energiewende). Theo chuyên gia phân tích Steen Jakobsen ở Saxo Bank, chính sách này đã làm tăng hơn nữa giá năng lượng cho ngành công nghiệp, hiện đã cao nhất ở châu Âu. Điều đó khiến một số công ty chuyển địa điểm sản xuất. Năm 2013, công ty xe hơi BMW, chuyển nhà máy từ Đức đến Mỹ, nơi giá năng lượng thấp hơn 80%. Ông Jakobsen cho biết, sản xuất công nghiệp Hungary đang bùng nổ do các công ty tận dụng lợi thế năng lượng rẻ hơn. Vào tháng Tám, sản xuất công nghiệp của Đức giảm 4%.

Người Đức có lí do để lo lắng về nền kinh tế của họ, nhưng phần còn lại thế giới cũng không thể bàng quan. Năm 2013, nước Đức đã kéo khu vực đồng euro ra khỏi khủng hoảng; mà hiện có lẽ lại rất cần một biện pháp kích cầu khác. Chính phủ Đức cần tăng cường (ramp up) đầu tư. Theo một ước tính thận trọng, chính phủ của bà Merkel có thể tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng khoảng 0,7% GDP vào năm 2015 mà không vi phạm các quy định tài chính. Số tiền đó sẽ được sử dụng để thúc đẩy các dự án liên bang đang triển khai (shovel-ready), chẳng hạn như sửa chữa cầu và hoàn thiện các tuyến đường. Điều này rất cần thiết: tỷ lệ đầu tư công của Đức ở mức ít ỏi (paltry) 1,6% GDP - gần thấp nhất châu Âu và đã giảm kể từ năm 2009. Nếu nền kinh tế Đức không cải thiện (step up), các vấn đề này sẽ ngày càng tồi tệ.

Sơn Phạm
The Economist

Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc