Từ chối nhận tiền chuẩn bị cho con lưu học

... vào khoảng năm Meiji thứ nhất (1868), có một thương gia giàu có ở Yokohama đứng ra xây dựng trường và nhờ các giáo viên trẻ của trường Keio-gijuku đến dạy giúp. Ông ta còn có ý nhờ tôi đến trường mới đó điều hành.

Lúc đó, tôi đã có hai con trai và một con gái. Cậu con lớn 7 tuổi, còn cậu bé thì độ 5 tuổi. Tôi có nguyện vọng là khi nào các con lớn lên sẽ cho đi lưu học. Thế nhưng, nhìn ra bên ngoài lúc đó thấy các học giả cũng như những quan chức đều nhờ chính phủ để mong cho con em đi lưu học bằng tiền của công, nhiều người vui mừng, vì sau khi chạy vạy, nhờ vả khắp nơi đã lo liệu được cho con mình.

Thấy thế, tôi rất khó chịu. Con mình sinh ra, cho đi lưu học ở nước ngoài được là tốt, nhưng nếu nghèo quá không cho đi được cũng không sao. Chỉ vì thế mà đi van lạy người ta như đi ăn mày, ăn xin thì hèn hạ quá. Nhìn họ mà trong thâm tâm tôi cười ra nước mắt.

Tôi có hai con trai. Đến năm các con mười tám, mười chín tuổi, tôi cũng muốn cho chúng đi lưu học, nhưng vấn đề đầu tiên là tiền bạc. Tôi có suy nghĩ phải làm thế nào đó để kiếm tiến, nhưng đối với tôi, làm ra được số tiền ấy là điều rất xa vời. Học phí cho hai con trong suốt mấy năm ròng sẽ là một khoản tiền lớn, liệu một tay tôi có lo nổi không là điều không thể khẳng định được. Lúc nào tôi cũng lo nghĩ về việc này, vì chưa tìm được một giải pháp tốt nào. Mà đó không phải là điều đáng hổ thẹn, nên tôi không ngại tâm sự với mọi người. "Tôi cần tiền. Phải nói là rất cần. Tôi muốn làm thế nào đó để cho các con được đi lưu học. Bây giờ, con tôi mới năm tuổi, bảy tuổi, nhưng chỉ mười năm nữa là đã phải lo liệu. Giá mà lúc đó có đủ tiền thì tốt biết mấy".

Không hiểu ai đó nói lại với thương gia nọ, nên một hôm ông đến chỗ tôi và ngỏ lời rằng: "Tôi muốn nhờ cậu làm hiệu trưởng điều hành cho tôi, nhưng không phải trả lương cho cậu theo tháng là mấy trăm yên đâu. Tôi chắc cậu cũng không màng đến khoản lương tháng đó, nên nghĩ ra một cách thế này, chắc không có cách nào hay hơn nữa. Cậu có hai con trai. Tôi sẽ trả cho cậu đủ số tiền để hai cậu ấm đi học ở nước ngoài, cậu nghĩ thế nào? Bây giờ, tôi có trả cậu 5.000 yên hay 10.000 yên thì cậu cũng không cần đến. Chi bằng tôi sẽ gửi số tiền này vào đâu đó và trong thời gian đợi các cháu trưởng thành, số tiền đó cũng sinh lợi thêm ra, chắc chắn sẽ thành một khoản tiền lớn, đủ để các cháu ăn học đàng hoàng. Cậu nghĩ thế nào về chuyện này?".

Quả thực lúc đó, tôi cũng cho đây là một ý kiến hay. Đúng lúc tôi cần thì khoản tiền cho hai con đi du học lại như từ trên trời rơi xuống. Mà tôi lại phải trả lời ông thương gia ngay lúc đó, nhưng đã nghĩ thế này: "Ông đời một chút, tôi có lý do để không làm hiệu trưởng điều hành cho trường của ông. Bây giờ, ông đưa ra chuyện tiền bạc, nghe thấy chuyện đó mà tôi thay đổi quyết định từ trước và đáp ứng yêu cầu điều hành trường học cho ông, chẳng hóa ra những điều tôi đã quyết định từ trước là sai à? Nếu quyết định trước đây là đúng thì việc bây giờ tôi đồng ý nhận tiền của ông sẽ là sai. Vì đồng tiền mà thay đổi quyết định của mình, nhìn thấy đồng tiền là có thể làm bất cứ việc gì, quả thực là điều tôi không thể. Từ trước đến nay, tôi nói cần tiền là vì sao? Là để cho các con tôi! Mục đích của tôi là giúp cho các con đi lưu học, trở thành những người có học hành đàng hoàng. Nhưng không lẽ cho con cái học hành lại hoàn toàn thuộc về nghĩa vụ của người làm cha, làm mẹ? Điều này cần phải suy nghĩ. Con cái trong nhà là do mình sinh ra thật, nhưng cha mẹ chỉ cần cho con ăn mặc đầy đủ và học hành ở mức có thể là đã quá nhiều. Không có lý lẽ nào cho rằng bằng mọi giá mà cha mẹ không cho con được hưởng một nền giáo dục cao nhất thì coi như cha mẹ chưa làm trọn nghĩa vụ của mình. Cha mẹ đã quyết định một việc mà chỉ vì con cái thành ra thay đổi, tiến lui sẽ mất hết tự tin và tính độc lập của mình. Nói là cha mẹ vì con cái, nhưng cha mẹ là cha mẹ, mà con cái là con cái. Không có lý do gì mà vì con cái cha mẹ phải cung phụng hay thay đổi phẩm tiết của mình. Sau này, nếu vì không có tiền mà con tôi không được ăn học đến nơi đến chốn là do số mệnh của đứa trẻ đó. May mắn ra nếu có tiền, tôi sẽ nuôi ăn học chu đáo, nếu không có thì đành chịu để con thất học vậy. Tôi đã quyết định như thế. Mặc dù biết ông rất có nhã ý giúp đỡ mới đến nói chuyện như vậy, nhưng ông không hiểu những ý nghĩ trong đầu tôi".

Tôi đành tìm cách từ chối khéo để ông thương gia nọ khỏi phật lòng. Chính trong lúc nói điều đó tôi nhìn các con ở trước mặt mà thầm lo cho tương lai của chúng. Tôi cũng quay lại nghĩ đến mình. Những ý nghĩ đan xen làm tôi lưỡng lự, tiến một bước lại lùi về một bước và khó khăn lắm mới quyết định được. Câu chuyện coi như kết thúc ở đó.

Sau đó, tôi vẫn chú tâm chăm sóc gia đình như trước và cố gắng dịch sách thêm, không ngờ như vậy mà có thu nhập dư dả. Lúc các con chưa đến tuổi trưởng thành, tôi đã có đủ tiền, nên để lo cho con sau, mà cho cháu Nakamigawa Hikojiro sang Anh học trước. Hikojiro là cháu duy nhất của tôi, mà tôi cũng là cậu duy nhất của cháu, không còn ai khác nữa, nên tôi coi cháu như con đẻ của mình.

Trong suốt ba, bốn năm cháu học ở Anh cũng chi mất khá nhiều, nhưng tôi vẫn chuẩn bị đủ tiền cho hai con, nên cho cả hai sang Mỹ học trong sáu năm liền. Nghĩ lại tôi hết sức hài lòng và nghĩ rằng, việc không nhận tiền của ông thương gia đó là đúng. Nếu nhận chắc một đời phải áy náy chịu ơn. Tôi nghĩ trước đây mình đã quyết định đúng đắn. Bây giờ, tôi có cảm giác nhẹ nhàng như việc đã khéo léo tránh để không làm xây xước một viên ngọc quý.

P. 415 - Về tình hình kinh tế của gia đình và bản thân - Phúc ông tự truyện

Tags: book

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc