Vì sao châu Phi đang trở nên ít phụ thuộc vào thương phẩm?

A fisherman at sunset, Lake Kivu, Rwanda. Photo courtesy Antonis Kyrou.

Từ nhiều thập kỷ, thương phẩm đã định hình tăng trưởng kinh tế ở châu Phi. Khi giá cao, tăng trưởng tốt; khi giá giảm, lục địa cũng vậy. Nhưng tình trạng này đang dần thay đổi. Dù giá thương phẩm giảm mạnh trong năm nay - dầu giảm 50% - lục địa này có lẽ sẽ vẫn tăng trưởng 5% trong năm 2015 (và nhiều hơn nữa trong những năm tiếp theo). Trong khi rất nhiều đồng tiền của châu Phi bị mất giá trong năm 2014, chúng đã thực hiện tốt hơn nhiều so với trong thời gian khác khi giá cả thương phẩm đã giảm. Không giống như các nước xuất khẩu thương phẩm khác như Nga và Venezuela, rất ít quốc gia châu Phi rơi vào suy thoái trong năm 2015. Vì sao kinh tế châu Phi tốt hơn so với kỳ vọng?

Có hai lý do nổi bật. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế của châu lục này đến từ nơi khác. Chính phủ đã cố gắng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Báo cáo về môi trường kinh doanh - "Doing Business" thường niên của Ngân hàng Thế giới cho thấy trong 2 năm 2013 - 2014, khu vực châu Phi hạ Sahara có những cải tiến đều đặn hơn so với các khu vực khác. Mauritius đứng ở vị trí thứ 28 trong danh sách những nơi tốt nhất để kinh doanh của ngân hàng thế giới. Rwanda, quốc gia mà 20 năm trước phải hứng chịu nỗi đau nội chiến, giờ đây đã trở thành một địa chỉ đầu tư tốt hơn cả Italy. Khi những người có tiền tin rằng thời gian của họ sẽ không bị lãng phí hay tiền của họ sẽ không bị đánh cắp, họ sẽ đầu tư. Sau hai thập kỷ trì trệ, tổng vốn đầu tư của châu Phi trong GDP tăng kể từ năm 2000. Đầu tư nước ngoài vào châu Phi đã tăng 5% trong năm 2012 và 10% năm 2013. Các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng quan tâm đến các lĩnh vực phi tài nguyên của các nền kinh tế châu Phi: một phần ba số vốn đầu tư nước ngoài vào châu Phi là đầu tư trong các dịch vụ tài chính. Những thành quả của đầu tư đang bắt đầu xuất hiện: Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi, đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây mà hầu hết xuất phát từ các khu vực ngoài dầu mỏ như dịch vụ tài chính. Nếu tăng trưởng kinh tế châu Phi đến từ những khu vực khác thay vì lĩnh vực khai thác tài nguyên, lục địa này sẽ ít phụ thuộc vào thương phẩm hơn.

Thứ hai, chính phủ của nhiều nước châu Phi đang quản lý tốt hơn chu kỳ bùng nổ và thoái trào không thể tránh khỏi của các thị trường thương phẩm. Chỉ một thập kỷ trước đây, gần như chính phủ của tất cả các nước châu Phi chi tiêu một cách bừa bãi khi nền kinh tế phát triển nóng, để rồi hạn chế chi tiêu khi mọi thứ đi xuống. Đó chính là điều mà hầu hết các nhà kinh tế sẽ khuyên bộ trưởng tài chính không nên làm; họ sẽ khuyến nghị chính phủ tăng chi tiêu trong thời kỳ suy thoái. Nhưng giáo sư Carlos Végh của Đại học Johns Hopkins cho hay trong những năm gần đây, chính sách tài chính ở nhiều nước châu Phi đã trở nên hợp lý hơn. Hiện nay, đa số các nền kinh tế châu Phi thực hiện chính sách tiết kiệm trong thời kỳ tăng trưởng, sau đó tăng chi tiêu trong giai đoạn suy thoái. Kết quả là, thương phẩm giảm giá không gây ra suy thoái kinh tế: chính phủ có thể gánh chịu một phần đình trệ kinh tế.

Nhưng chặng đường dài còn ở phía trước. Châu Phi còn lâu mới trở thành trung tâm kinh tế mạnh của thế giới và còn rất nghèo nàn đồng thời vẫn là lục địa phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu thương phẩm. Tuy nhiên, tình hình đang chuyển biến theo hướng tích cực . Bất chấp bất ổn trong thị trường thương phẩm, châu Phi vẫn là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Với nhiều cải cách trong đầu tư và quản lý hơn nữa, lục địa này hoàn toàn có thể phá vỡ lời nguyền (tài nguyên).

Phương Thùy
The Economist

Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc