Chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Mỹ

by Nhật Hạ, shared via Đại Kỷ Nguyên.
----
Nước Mỹ có ngành nông nghiệp tân tiến, hiện đại nhất thế giới. Lao động nông nghiệp chiếm khoảng 1% trong tổng dân số 322 triệu người. Nếu tính dưới góc độ lực lượng lao động thì lao động ngành nông nghiệp của Mỹ chỉ chiếm 0,7% tổng số lực lượng lao động của toàn nước Mỹ tính đến thời điểm năm 2014 (với 155.421.000 người).

Diện tích nước Mỹ là 9,161,923 km2, trong đó diện tích đất có thể canh tác được chiếm 18,1%. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tháng 02/2014, Mỹ có 2,109,363 tổng số nông trại, trung bình mỗi trại có diện tích 174 héc ta.

Năm 2012, tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt 394.6 tỷ đô la Mỹ, tăng 33% so với năm 2007, trong đó giá trị các sản phẩm trồng trọt là 219.6 tỷ đô la, giá trị sản phẩm chăn nuôi đạt 171.7 tỷ đô la.

Xuất nhập khẩu nông sản, Mỹ là nước dẫn đầu thế giới, ước tính chiếm 18% thị phần thương mại nông sản của toàn cầu.Từ năm 1960 đến năm 2014, Mỹ luôn thặng dư về thương mai các sản phẩm nông nghiệp, ví dụ như xuất khẩu nông sản năm năm 2014 ước tính đạt 149.5 tỷ đô la, chiếm hơn 10% tổng số kim ngạch xuất khẩu tất cả các mặt hàng và thặng dư mậu dịch nông nghiệp lên đến hơn 38.5 tỷ đô la Mỹ.

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp của chính phủ Mỹ
Các chính sách ủng hộ việc phát triển nông nghiệp của chính phủ Mỹ đã làm nên sự thành công của ngành nông nghiệp Mỹ. Ngay từ thời kỳ đầu, Chính phủ đã ban hành luật đất đai vào năm 1862 quy định phát không đất đai cho những người đến sống và làm việc trên các mảnh đất trống tại miền Tây nước Mỹ, tạo điều kiện cho một số nông dân được định cư, lập nghiệp dễ dàng.

Vào năm 1914, Quốc hội Mỹ đã lập ra cơ quan Dịch vụ phát triển nông nghiệp, cơ quan này tuyển dụng đội ngũ cán bộ để cố vấn cho các hộ nông dân từ bước sử dụng phân bón cho đến các khâu sau của quy trình sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp đảm nhiệm tiến hành các nghiên cứu mới, cho ra đời những loại phân bón làm tăng sản lượng hạt, các loại giống lai cho cây trồng khoẻ hơn, các phương pháp chữa trị nhằm bảo vệ và cứu chữa cây trồng vật nuôi chống được bệnh tật, và nhiều phương pháp khác kiểm soát các loài vật gây hại.

Vào năm 1929, tổng thống Herbert Hoover thành lập ban nông nghiệp liên bang nhằm bảo đảm sự ổn định kinh tế cho nông dân. Năm 1933, Tổng thống Franklin D. Roosevelt cho phép thực hiện một hệ thống trợ giá cho nông dân một mức giá gần bằng giá lúc thị trường ở điều kiện ổn định bình thường. Đồng thời, trong khoảng thời gian từ 1933 đến 1996, chính phủ cho nông dân vay tiền canh tác, nông dân có quyền trả nợ theo giá quy định trong hợp đồng. Cụ thể là vào những thời điểm sản xuất dư thừa, nông dân bán sản phẩm cho chính phủ, còn vào lúc giá nông phẩm cao, nông dân có quyền bán sản phẩm cho các công ty kinh doanh lương thực để tăng lợi tức.

Ngoài ra, chính phủ còn đề ra chính sách bảo tồn, dưỡng đất dự trữ. Sự can thiệp với quy mô lớn vào ngành nông nghiệp Mỹ được kéo dài cho đến tận cuối những năm 1990. Sau đó, chính sách trợ giá nông nghiệp chỉ duy trì ở mức thấp, chính phủ tập trung vào chương trình dự trữ chiến lược, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, để phục vụ hiệu quả cho ngành nông nghiệp Mỹ.

Hiện nay, chính phủ đang chú trọng đến xuất khẩu nông sản, và đặc biệt quan tâm đến tính vững bền của lực lượng lao động nông nghiệp. Thượng viện vừa thông qua dự luật di dân nhằm mục đích bảo đảm có đủ số công nhân cần thiết cho nền nông nghiệp, đặc biệt là vào mùa gặt hái, chăn nuôi gia súc, và sản xuất nông phẩm cần thiết cho xuất khẩu. Đạo luật này cũng mở đường cho những người làm việc trong ngành nông nghiệp Mỹ mà chưa có giấy tờ hợp lệ được phép nhập cư vào Mỹ.

Chính nhờ các chính sách hỗ trợ một cách hiệu quả này đã mang lại cho ngành nông nghiệp Mỹ một kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay.

Tags: work

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc