Ảnh hưởng của Quốc hội Mỹ đối với chính sách đối ngoại

Barack Obama - Enjoying a Cuban. Photo courtesy DonkeyHotey.

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu trao cho Quốc hội Hoa Kỳ thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng về bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào với Iran; Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ đã quyết định rằng Quốc hội bỏ phiếu thuận hoặc chống đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và nhiều quốc gia Thái Bình Dương. Hầu hết người nước ngoài, và một vài người Mỹ, mặc nhiên cho rằng tổng thống là người nắm quyền lèo lái chính sách đối ngoại của quốc gia. Không hẳn là như vậy. Nhưng cũng không có nghĩa là Quốc hội nắm trọn vẹn quyền hành. Cơ quan lập pháp này đôi khi mong muốn có tiếng nói nhất định trong khi từ chối chuẩn thuận các thỏa hiệp mà chính sách đối ngoại thường đòi hỏi. Cơ quan lập pháp này thực sự có ảnh hưởng gì đối với hoạt động đối ngoại của Mỹ?

Theo Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan tuyên bố chiến tranh, phê chuẩn các điều ước quốc tế và có quyền quyết định đối với ngân sách. Điều đó đáng lẽ khiến cơ quan này nắm quyền cao nhất trong vấn đề đối ngoại. Trên thực tế, các tổng thống nắm rất nhiều quyền hành khi họ phải đưa ra những quyết sách đối với các sự kiện diễn ra nhanh chóng. Một ví dụ gần đây là chiến dịch ném bom chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo, đã được Nhà Trắng tiến hành theo thẩm quyền cho phép sử dụng vũ lực được thông qua ngay sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001. Các đại biểu Quốc hội đã phàn nàn về điều này, và Nhà Trắng đã thăm dò khả năng giành được một nghị quyết cập nhật hơn. Tuy nhiên, Quốc hội không muốn tham gia vào vấn đề này. Các thành viên Đảng Cộng hòa thường lo ngại rằng câu chữ trong nghị quyết quá lỏng lẻo, trong khi các thành viên Đảng Dân chủ cho rằng có khả năng nghị quyết không có kết luận rõ ràng, và do đó tổng thống là người chịu trách nhiệm với chiến dịch này.

Nhưng thỏa thuận hạt nhân với Iran là trường hợp khác. Đó là một quá trình chậm chạp, khiến chính quyền của tổng thống khó có thể tuyên bố rằng chính phủ phải đáp ứng các sự kiện một cách nhanh chóng, kịp thời. Và thỏa thuận này sẽ kết thúc bằng một hiệp ước. Tuy nhiên, tiền lệ không rõ ràng: hầu hết các thỏa thuận quốc tế của Mỹ đều đã trở thành luật sau khi Nhà Trắng ban hành sắc lệnh hành pháp chứ không phải sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, những điều ước lớn, gây tranh cãi thường được trình lên Quốc hội. Nhánh lập pháp từ chối phê chuẩn Hiệp ước Versailles hồi cuối Thế chiến I, và gần đây hơn, là lệnh cấm hoàn toàn đối với các vụ thử hạt nhân, do George H.W. Bush ký vào năm 1992 nhưng chưa thực sự có hiệu lực pháp luật.

Theo quan điểm phổ biến, những tổng thống đương chức ở nhiệm kỳ hai thường tìm kiếm các thành tựu trong chính sách đối ngoại khi họ không còn có bất kỳ khả năng nào để tạo ra thay đổi gì lớn ở trong nước. Cho đến nay, Quốc hội đã ngăn cản một số chính sách mà Tổng thống Barack Obama coi là di sản của mình, bao gồm việc đóng cửa nhà tù Vịnh Guantanamo, trong khi thất bại trong các vấn đề khác, chẳng hạn như việc bình thường hóa quan hệ với Cuba. Giữa Tổng thống và Quốc hội sẽ có nhiều tranh cãi khác nữa trong năm nay. Trong nhiều vấn đề, có một cách dễ dàng hơn nhiều (và thật buồn là đáng tin cậy hơn nhiều) để hiểu Quốc hội sẽ chọn vấn đề nào để “đối đầu” với tổng thống: bằng cách xem những bất trắc (contretemps) khó khăn sẽ khiến hình ảnh của tổng thống ra sao trong mắt người dân. Khi nói đến vấn đề đối ngoại, chính điều này chứ không phải con số chính xác những máy ly tâm hay mức giảm thuế quan đối với xuất khẩu thịt bò, mới thật sự là mấu chốt.

Phương Thùy
The Economist

Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc