Hội huynh đệ lầm lỗi

Jeb Bush muốn ngừng nói về những tranh cãi trong quá khứ. Và các bạn có thể hiểu lý do vì sao. Ông ta có rất nhiều điều không muốn ai nhắc đến cả. Nhưng chúng ta hãy cùng không để ông ta "muốn là được" nhé. Các bạn có thể học được nhiều điều bằng cách nghiên cứu lịch sử gần đây, và các bạn còn có thể học được rất nhiều điều hơn nữa khi xem cách các chính trị gia đối phó với lịch sử đó như thế nào.

Câu chuyện lớn "Hãy bước tiếp" trong những ngày vừa qua liên quan đến câu trả lời của ông Bush khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn rằng: liệu ông, nếu [trước đây] biết những gì mà ông ta đang biết vào lúc này, ông có ủng hộ cuộc xâm lược Iraq năm 2003 hay không. Ông trả lời rằng có, ông sẽ. Không có WMD (vũ khí hủy diệt hàng loạt)? Không có ổn định sau tất cả những tổn thất sinh mạng và phí tổn của cuộc chiến? Không sao cả.

Sau đó, ông lại cố gắng rút lại lời nói này. Ông ta "hiểu sai câu hỏi," và không hứng thú liên quan gì đến "những giả thuyết." Dù sao, "trở về quá khứ" là một "hành động tai hại" đối với những người đã phụng sự trong cuộc chiến.

Hãy dành một phút để "nhâm nhi" sự hèn nhát và đê tiện của lời nhận xét vừa rồi. Và, không, đó không phải là cường điệu đâu. Ông Bush đang cố gắng nấp sau các binh sĩ, giả vờ rằng bất kỳ sự chỉ trích nào đối với những nhà lãnh đạo chính trị - và tất nhiên, đặc biệt là anh trai của ông ta, vị tổng tư lệnh - là một cuộc tấn công vào lòng quả cảm và lòng yêu nước của những người đã trả giá cho những sai lầm của cấp trên của họ. Điều đó ngấm rất chậm, và nó cho chúng ta biết nhiều hơn về tư cách của ứng cử viên [Tổng thống] hơn bất kỳ các cuộc phỏng vấn cá nhân nào.

Và gượm đã, hẵng còn nữa: Ngạc nhiên chưa, ông Bush đã phải viện đến mẹo né tránh câu hỏi ở thể bị động cũ rích, chỉ nhìn nhận rằng "có những sai lầm đã được thực hiện." Thì đúng thế. Nhưng do ai? Vâng, đầu năm nay, ông Bush công bố một danh sách các cố vấn trưởng về chính sách đối ngoại của mình, và đó là một danh sách "Ai là ai" về những nhà hoạch định sai lầm, những người đóng vai trò thiết yếu trong thảm họa Iraq và (hàng loạt) những thất bại khác.

Nghiêm túc xem xét danh sách này, bao gồm những người quyền cao chức trọng như Paul Wolfowitz, người luôn miệng nói rằng chúng ta sẽ được chào đón như những người giải phóng và chiến tranh sẽ chẳng có tổn thất nào, và Michael Chertoff, người giữ chức Bộ trưởng An ninh Nội địa khi cơn Bão Katrina xảy ra đã không hề hay biết hàng ngàn người bị mắc kẹt tại trung tâm hội nghị New Orleans mà không có thức ăn và nước uống.

Nói cách khác, trong thế giới của ông Bush, đóng vai trò trung tâm trong chính sách thất bại thê thảm cũng vẫn không bị loại khỏi [những vị trí có] ảnh hưởng trong tương lai. Nếu có điều gì, một hồ sơ sai lầm tệ hại về các vấn đề an ninh quốc gia có vẻ như là một chứng chỉ cần phải có.

Những người bỏ phiếu, thậm chí cả các đại cử tri đảng Cộng hòa, có lẽ không cùng quan điểm này, và trong vài ngày qua có thể đã gây thiệt hại đối với triển vọng tổng thống của ông Bush. Tuy nhiên, theo cách nào đó, đó là không công bằng. Iraq là một vấn đề đặc biệt đối với gia đình Bush, có một lịch sử về việc không bao giờ thừa nhận sai lầm và gắn bó với những thuộc hạ trung thành của gia đình dù họ tồi tệ như nào đi nữa. Nhưng từ chối rút kinh nghiệm, cộng với một phiên bản đúng đắn chính trị trong đó bạn chỉ được chấp nhận nếu bạn đã sai lầm về các vấn đề quan trọng, là phổ biến trong Đảng Cộng hòa hiện nay.

Hãy cùng nhìn vào chính sách kinh tế, trọng tâm chuyên môn thông thường của tôi. Nếu bạn nhìn vào danh sách các nhà kinh tế dường như có ảnh hưởng đáng kể đối với những nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa, bao gồm cả những người có thể tham gia tranh cử tổng thống, bạn sẽ thấy gần như tất cả trong số họ, khi đó trong thời kỳ "bùng nổ kinh tế của Bush", đồng ý rằng không có bong bóng nhà ở và tương lai kinh tế của nước Mỹ tươi sáng; gần như tất cả trong số họ dự đoán rằng: những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế đã được xây dựng, khi bong bóng kinh tế không tồn tại đó nổ sẽ dẫn đến lạm phát nghiêm trọng; và gần như tất cả trong số họ đều dự đoán rằng Obamacare, có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2014, sẽ làm mất số lượng lớn công ăn việc làm.

Với việc những dự đoán này hóa ra tệ hại đến mức nào - chúng ta đã có vụ nổ bong bóng nhà ở lớn nhất trong lịch sử, hoang tưởng lạm phát sai lầm trong sáu năm và sắp sang năm thứ bảy, và năm 2014 có mức tăng trưởng việc làm tốt nhất kể từ năm 1999 - các bạn có thể nghĩ rằng sẽ có một số khả năng trong Đảng Cộng hòa dành cho các nhà kinh tế đã không đoán sai tất cả. Nhưng không hề có. Hoàn toàn sai lầm về nền kinh tế, cũng như đã hoàn toàn sai lầm về Iraq, có vẻ như đúng là một chứng chỉ cần có.

Điều gì đang xảy ra vậy? Lý do tốt nhất tôi có thể đưa ra là chúng ta đang chứng kiến những hiệu ứng bộ tộc cực đoan [đề cao bộ tộc của mình hơn tất cả các bộ tộc khác - ND]. Ở cánh hữu hiện đại, mọi thứ đều là một phép thử chính trị (political litmus test). Bất kỳ ai thử phân tích những ưu và khuyết điểm của cuộc chiến tranh Iraq, theo định nghĩa, là kẻ thù của Tổng thống George W. Bush và có lẽ thù ghét nước Mỹ; bất kỳ ai đặt nghi vấn liệu Cục Dự trữ Liên bang đã thực sự hạ thấp giá trị (debase) đồng tiền chắc chắn là kẻ thù của chủ nghĩa tư bản và tự do.

Không thành vấn đề khi những người hoài nghi đã chứng minh là đúng. Đơn giản chỉ cần đưa ra câu hỏi về tính chính thống của thời điểm đó sẽ bị rút phép thông công (excommunication), và từ đó không còn đường quay trở lại. Vì vậy, những "chuyên gia" còn trụ lại được là những người thực hiện tất cả những sai lầm đã được phê duyệt. Đó như kiểu một hội huynh đệ lầm lỗi: hội những người đoàn kết bởi chung một lịch sử làm mọi điều sai lầm, và không chịu thừa nhận. Liệu họ sẽ có cơ hội để viết thêm những chương sử mới về cai trị sai lầm?

Sơn Phạm
NYTimes


Tags: columnist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc