Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Obama

Một nhóm chính trị gia Washington muốn ngăn Tổng thống Barack Obama thực hiện điều mà vị Tổng thống này mong muốn. Nhiều người có thể cho rằng đây là chuyện xưa như Trái Đất. Tuy nhiên, lần này, những người phản đối lại chính là các thành viên trong đảng của ông chứ không phải các đảng viên Cộng hòa. Ông Obama muốn ký Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại giúp Mỹ liên kết với 11 nền kinh tế nằm trên vành đai Thái Bình Dương - gồm cả Nhật Bản và Singapore, nhưng ngoại trừ Trung Hoa. Thỏa thuận này sẽ góp phần giảm thuế quan và, quan trọng hơn, làm hài hòa các quy định giữa các nước, từ đó giúp giao thương dễ dàng hơn. Hầu hết các đảng viên Đảng Cộng hòa ủng hộ ý tưởng này. Nhưng nhiều đảng viên Đảng Dân chủ thì không. Sandy Levin, một nghị sĩ đảng Dân chủ, giận dữ nói ông sẽ "ra mặt để dập tắt" kế hoạch của ông Obama. Bất đồng này về vấn đề gì vậy?

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và ông Obama lập luận rằng thỏa thuận này sẽ giúp cho nước Mỹ giàu hơn bằng cách thúc đẩy xuất khẩu. Theo một ước tính, đến năm 2025, TPP sẽ làm tăng thu nhập của Mỹ thêm 0,4% mỗi năm. Đa số người dân đồng tình với tổng thống. 58% người Mỹ coi thương mại tự do là cơ hội - con số này đã tăng 17 điểm phần trăm kể từ suy thoái kinh tế - và các cử tri đảng Dân chủ ủng hộ thương mại tự do hơn so với cử tri đảng Cộng hòa. (Điều này có thể do người ủng hộ đảng Dân chủ có lẽ đang làm những công việc được hưởng lợi từ toàn cầu hóa.) Ngoài ra hiệp ước này còn mang lại lợi ích địa chính trị: TPP có thể giúp Mỹ duy trì tầm ảnh hưởng của mình ở châu Á. Nếu 12 nước tham gia TPP đồng tâm nhất trí các tiêu chuẩn thương mại chung thì với khối lượng GDP mà các nước này chi phối, những quy tắc đó, chứ không phải của Trung Hoa - có thể có hiệu lực toàn cầu.

Nhiều chính trị gia đảng Dân chủ không ủng hộ chính sách thương mại tự do như những cử tri đã bầu cho họ (Điều này có thể do ảnh hưởng của các công đoàn). Họ lo ngại rằng hàng nhập khẩu từ các nước có chi phí sản xuất thấp như Việt Nam sẽ làm người lao động Mỹ bị thiệt hại trong các ngành như chế tạo ôtô và dệt may. Mối lo ngại này không phải là không có cơ sở . Thương mại đã khiến tiền lương của công nhân nhà máy giảm. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu không có hàng nhập khẩu, tiền lương thực tế trung vị ở Mỹ trong năm 2008 có lẽ đã cao hơn 3%. Đối với lao động phổ thông (menial task) mức lương có thể đã cao hơn 15%. Tuy nhiên, khó có thể đổ lỗi tình trạng này cho hoạt động thương mại: vai trò lớn hơn thuộc về cải tiến trong thông tin liên lạc và năng suất lao động được cải thiện tại các nước nghèo trên thế giới. Mặc dù nhiều đảng viên Đảng Dân chủ coi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ - NAFTA, một thỏa thuận với Canada và Mexico mà cựu tổng thống Bill Clinton đã ký vào năm 1993, là một thảm họa đối với người lao động Mỹ, nhưng các nhà kinh tế học đều đồng tình rằng nó không thực sự ảnh hưởng nhiều đến thị trường lao động.

Nếu các cuộc đàm phán TPP được tiến hành công khai thì có lẽ nó đã không gây nhiều tranh cãi đến vậy. Trên thực tế, các chi tiết quan trọng về hiệp ước này được giữ kín (keep under lock and key). Các chuyên gia thương mại cho rằng công khai các cuộc đàm phán sẽ khiến cho việc cân bằng nhu cầu của các nhóm lợi ích cạnh tranh - những người luôn bon chen giành (jostle for) ảnh hưởng - trở nên khó khăn. Tuy nhiên, giờ đây chúng được giữ bí mật đến mức khiến ai cũng phẫn nộ. Đó là một vấn đề. Nếu đa số các thành viên đảng Dân chủ cùng phản đối, nhiều khả năng ông Obama không thể ký kết TPP và một hiệp ước còn lớn hơn thế với châu Âu, Hiệp ước đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi rất nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ trong Quốc hội hoặc phản đối thương mại hoặc đang tìm cách xây dựng một bản sắc hậu Obama.

Phương Thùy
The Economist

Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc