Vì sao các công ty công nghệ tài chính sẽ không thể "đánh bại" được các ngân hàng?

Rất tự tin sẽ làm đảo lộn thị trường tài chính. Photo courtesy Startup Mena.

Trước năm 2007, các ngân hàng không có được nhiều thiện cảm của người sử dụng, và việc nhiều trong số chúng được giải cứu trong cuộc khủng hoảng tài chính càng khiến họ không được lòng công chúng. Một loạt các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực "fintech" - viết tắt của "công nghệ tài chính" - giờ đây nghĩ rằng họ có thể làm tốt hơn. Những công ty trẻ sáng giá có trụ sở ở San Francisco, New York, London và Stockholm đang huy động được hàng tỷ đô la từ vốn đầu tư mạo hiểm nhằm "phá vỡ" các dịch vụ tài chính. Rất ngạo mạn, những thanh niên giỏi giang (whizz-kids) mặc áo phông này tự tin rằng họ sẽ khiến cho các ngân hàng gặp phải những gì mà máy ảnh kỹ thuật số đã làm với phim Kodak và bóng bán dẫn đã làm với các nhà sản xuất đèn hút chân không (vacuum-tube). Liệu các công ty fintech đó có thể đánh bại được những người khổng lồ dịch vụ tài chính hiện nay không?

Fintech chắc chắn sẽ làm đảo lộn (upend) nhiều lĩnh vực khác nhau trong ngành tài chính. Người đánh cược muốn vay tiền giờ đây có thể tránh không phải làm việc với ngân hàng (hay sử dụng thẻ tín dụng) mà thay vào đó có thể khai thác nền tảng cho vay “ngang hàng” (“peer-to-peer”) kết nối trực tiếp giữa người đi vay và người gửi tiết kiệm, chẳng hạn như dịch vụ Lending Club hay RateSetter. Đối với một người hoặc một doanh nghiệp, giờ đây chuyển tiền quốc tế thông qua TransferWise rẻ hơn nhiều so với việc gửi qua một chi nhánh ngân hàng. Square, Apple Pay hay Braintree xử lý các khoản thanh toán, ví dụ tự động ghi nợ vào tài khoản ngân hàng của bạn khi bạn thực hiện xong 1 chuyến đi bằng dịch vụ Uber. Một loạt các "robot tư vấn" như Betterment hay Nutmeg thậm chí còn giúp bạn đầu tư tiền tiết kiệm của mình. Và nhiều dịch vụ khác nữa. Ít nhất 4.000 công ty fintech khởi nghiệp đang hoạt động; hơn mười trong số đó trị giá hơn 1 tỷ USD.

Tất cả điều này đang gây áp lực lên các ngân hàng, nhất là vì rất ít người tiêu dùng từng sử dụng dịch vụ fintech hợp thời quay trở lại sử dụng các dịch vụ ngân hàng truyền thống của họ sau đó. Nhưng thật khó có thể chứng kiến những công ty fintech này loại bỏ các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Một lý do là, dù đang phát triển nhanh chóng, những công ty khởi nghiệp này vẫn còn nhỏ bé. Lending Club, công ty cho vay fintech lớn nhất, mới chỉ thu xếp các khoản vay trị giá 9 tỷ USD kể từ khi có mặt trên thị trường vào năm 2007, so với 885 tỷ USD chỉ riêng tiền nợ thẻ tín dụng ở Mỹ. Nhiều nhóm fintech thực hiện các phi vụ kinh doanh ở mức tiền hàng tỷ USD, nhưng các ngân hàng thường xuyên giao dịch ở mức hàng ngàn tỉ USD. Các ngân hàng có những lợi thế khó xóa bỏ (ingrained), nhất là khả năng tạo ra các khoản tín dụng một cách tùy ý. Và các ngân hàng hiện hành đang thực hiện một số dịch vụ rất tốt - đặc biệt là các tài khoản vãng lai, cho phép mọi người giữ tiền một cách an toàn và có thể truy cập lâu dài. Rất ít người làm việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ) hay Bùng binh Silicon (Vương quốc Anh) muốn chấp nhận phần tài chính bị quy định chặt chẽ đó. Nhiều người thừa nhận họ phụ thuộc vào điều này: suy cho cùng, bạn vẫn cần có một tài khoản ngân hàng để sử dụng hầu hết các dịch vụ fintech.

Nếu các công ty fintech không đánh bại được các ngân hàng, chúng vẫn có thể hút bớt một phần lợi nhuận của ngành. Tương lai chỉ là một loại tiện ích tài chính - phổ biến nhưng bị quy định chặt chẽ, không hề hấp dẫn và ít lợi nhuận – khó có thể là một kết quả hài lòng đối với các ngân hàng. Khoảng một nửa khách hàng của tất cả ngân hàng (bán lẻ) đã không mang lại lợi nhuận. Nếu nhiều hơn trong số đó đổ xô sang sử dụng các công ty fintech khởi nghiệp về những dịch vụ phụ trợ như trao đổi ngoại tệ, tỉ lệ đó sẽ gia tăng không thể thay đổi được. Một giải pháp có thể là tính phí đối với tài khoản vãng lai, ví dụ phí hàng tháng, để bù cho các khoản trợ cấp chéo (cross-subsidy*) bị mất. Một giải pháp khác là các ngân hàng cắt giảm chi phí, và nhiều ngân hàng đang đóng cửa một số lượng lớn các chi nhánh tốn kém. Giải pháp cuối cùng có thể là các ngân hàng sẽ mua những công ty fintech nổi loạn này. Một tỷ USD nghe có vẻ như rất nhiều, nhưng chỉ là tiền lẻ để một tổng giám đốc ngân hàng tự hỏi rằng liệu những doanh nghiệp mới này sẽ khiến công ty ông ta trở nên lỗi thời.

Diễm My
The Economist


* tính phí với giá cao hơn cho một nhóm người tiêu dùng để trợ giá thấp hơn cho một nhóm người tiêu dùng khác.
Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc