Cô dâu 8 tuổi

shared from Hoàng Đinh Đức.
-----
Giữa giờ hội thảo, mình túm 2 bạn gái trong ban tổ chức ra một góc. Này, ở nước các em người ta có xem phim Balika Vadhu không? Ôi, có chứ. Xem khắp mọi nơi. Làm gì có ai không biết phim này.

Một bạn béo đi qua, hóng hớt, mắt tròn mắt dẹt, rú lên, cái gì đây, sao bây giờ lại có màn nói chuyện về Balika Vadhu. Mình kể, ở nước tao bây giờ phim này very very very famous đúng 3 lần very luôn. Em ý lại trố mắt ra lần nữa. Mắt Ấn Độ mà còn trố ra thì trông kinh như nào biết rồi đấy.

Mình hỏi các bạn ý, là tầng lớp nào thì hay xem phim này, xắp-bớp hay ơ-bừn. Các bạn bảo, là tầng lớp trung lưu, tức là thị dân thành phố đây này. Mình nghĩ, hic, đây có phải là quốc gia châu Á đầu tiên phóng được tàu lên sao Hỏa không, hay tôi xuống nhầm mẹ sân bay rồi. Một bạn kể hồi đầu tao cũng xem, nhưng bây giờ nản quá rồi, phim gì mà chậm chạp, không xem được nữa. Thế tại sao chúng mày lại xem? Cả 3 bạn đều đồng ý, là bởi vì, những gì kể trên phim ý, là những gì đang thực sự diễn ra ở nước này.

Buổi chiều trước khi ra sân bay, mình đã ngồi ở khu Bách Khoa uống nước chè. Chỉ để nghe cô hàng nước ngồi cay đắng sụt sùi phẫn uất cho số phận của em nhân vật chính suốt nửa tiếng đồng hồ. Đứng dậy còn quên cả mình uống cái gì. Đại khái, khung cảnh của Cô dâu 8 tuổi bật lên khi nào cũng thế, là cô dâu 8 tuổi đang bật lại bà nội chồng, tất cả nhân vật đều đang trố mắt (cận mặt), nhạc nền ly kỳ rùng rợn pha thêm chút bi thương. Ở khắp nơi, những bà những mẹ tìm thấy sự đồng cảm với Cô dâu 8 tuổi.

Đó là những điều thực sự đang diễn ra. Tảo hôn. Nữ quyền. Phân hóa giàu nghèo. Cô dâu 8 tuổi có thể mang một kết cấu kinh dị về mặt hình thức. Nhưng tập nào cũng như tập nào, cứ bật TV lên là những thông điệp ấy rõ ràng. Xem lõm bõm cũng biết. Cô bé kia, không muốn chấp nhận số phận tôi đòi của đứa con gái bị bán cho nhà giàu, muốn được đi học, muốn được trở thành một phụ nữ độc lập. Nói một cách khác, giữa phim bộ lê thê Cô dâu 8 tuổi và 3 Idiots, siêu phẩm khiến toàn thế giới thán phục, có chung hệ giá trị tư tưởng. Của những người Ấn Độ muốn được đi học.

Và tôi tự hỏi rằng cuối cùng thì, bộ phim đang ăn khách nhất của truyền hình VIệt Nam là gì. Có phải "Hôn nhân trong ngõ hẹp" không, hay là một bộ phim về chủ đề luyến ái thành thị, ngoại tình, nhân vật đi xe và ở trong một căn nhà lô 5 tầng (có vẻ như bối cảnh ấy rẻ hơn rất nhiều so với đưa đoàn phim về nông thôn ), do một vài em sinh viên mới ra trường ngồi laptop gù lưng viết ra 2 tập/ngày sau đó một biên kịch nổi tiếng ký tên vào hay không. Từ lâu rồi, tôi đã thấy sợ truyền thông VIệt Nam với cái thiên kiến thành thị của nó, quẩn quanh trong cái vũ trụ thành thị nhỏ hẹp của nó, những chuỗi nội dung viết ra trong quán cà phê ở Khúc Hạo hay Đồng Khởi. Khi nghe đến mấy chữ "đấy là những gì thực sự diễn ra" mà các cô ấy nói, tôi lại nhớ cảm giác này.

Và người ta nói rằng khoảng cách giàu nghèo ở Ấn Độ lớn lắm.

Tags: columnist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc