Vì sao mafia Nhật không bất hợp pháp?

Nothing to hide. Sanja Matsuri, Senso-ji, in the quarter of Asakusa, in Tokyo. Photo courtesy elmimmo.

Yamaguchi-Gumi, một trong những băng đảng lớn nhất và tàn bạo nhất thế giới, ước tính kiếm hơn 6 tỷ đô-la một năm từ ma túy, bảo kê, cho vay nặng lãi (loan sharking), tống tiền bất động sản và thậm chí, người ta còn nói, cả sở giao dịch chứng khoán Nhật Bản. Năm nay, tròn 100 năm ngày tổ chức này được thành lập, hơn 2.000 trong số 23.400 thành viên của tổ chức tách ra, khiến cảnh sát lo lắng về hậu quả có thể xảy ra; một cuộc chiến giữa các băng nhóm đối thủ vào giữa những năm 1980 đã làm chết hơn hai chục mạng người. Tuy nhiên thành viên của yakuza – cũng như các nhóm tội phạm khác được biết đến ở Nhật Bản - không thật sự bất hợp pháp. Để tìm được địa điểm tụ tập của một nhóm mafia này cần nhiều hơn một cuốn danh bạ điện thoại. Nhóm tội phạm giàu có nhất ở Tokyo có một văn phòng trong góc đường phụ của khu mua sắm Ginza hào nhoáng. Một bảng tên bằng đồng trên cửa cho biết đó là nhóm Sumiyoshi-kai, một tổ chức tội phạm lớn khác. Tất cả các thành viên trong băng đảng đều có danh thiếp và đăng ký với cảnh sát. Một số còn có sổ hưu.

Yakuza được hình thành từ những người bán hàng rong và các con bạc không thích nghi với hoàn cảnh xã hội trong thời kỳ Edo (giai đoạn giữa năm 1603 và 1868) và tạo thành các băng nhóm tội phạm. Trong thời kì hiện đại hóa mạnh mẽ ở Nhật Bản, các băng nhóm đã thâm nhập sâu vào nền kinh tế; và sau Thế chiến II họ trở nên mạnh mẽ ở các thị trường chợ đen. Sức mạnh của họ đạt đỉnh điểm vào những năm 1960 với khoảng 184.000 thành viên. Ở thời kỳ đỉnh cao, họ có mối liên kết chặt chẽ với các chính trị gia khuynh hướng bảo thủ và được Đảng Dân chủ Tự do, đảng chính trị hùng mạnh ở Nhật Bản thời hậu chiến, sử dụng để phá vỡ các công đoàn và các cuộc biểu tình của phe cánh tả. Những mối quan hệ như vậy có lẽ chưa hoàn toàn phai mờ.

Lịch sử này có thể giải thích một phần lý do vì sao các băng nhóm không thực sự bất hợp pháp. Nhưng một phần do áp lực từ Mỹ, nước muốn Nhật kiềm chế tội phạm tài chính, các băng nhóm này đang dần được đưa vào khuôn khổ (bring to heel). Các pháp lệnh về loại trừ yakuza, được ban hành ba năm trước đây, ngăn chặn các công ty cố ý hợp tác kinh doanh với các băng đảng. Các doanh nghiệp từ ngân hàng đến các cửa hàng trên phố giờ đây phải xác nhận rằng khách hàng của họ không liên quan tới tội phạm có tổ chức. Các thành viên băng nhóm xã hội đen đã lộ diện không thể mở tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn chưa có kế hoạch hình sự hóa các băng nhóm tội phạm này. Theo Hiroki Allen, nhà tư vấn an ninh và tài chính, người đã nghiên cứu yakuza nhiều năm, cảnh sát tin rằng điều này sẽ dẫn đến tội phạm ngầm. Ít nhất giờ đây họ được quản lý và tuân thủ luật pháp, ông nói: các thành viên xã hội đen thường nộp mình bằng cách đầu thú ở các đồn cảnh sát. "Nếu một thành viên làm điều gì xấu, bạn có thể gọi ông chủ và dẹp bỏ toàn bộ băng đảng" ông nói.



Kết quả là các yakuza vẫn hoạt động công khai theo cách khó có thể tưởng tượng được ở Mỹ hay châu Âu. Tạp chí người hâm mộ, truyện tranh và các bộ phim tán dương họ. Những ông trùm băng đảng lớn gần như là người nổi tiếng. Theo Cục Cảnh sát quốc gia, tuy số lượng thành viên đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 53.500, "công việc cơ bắp" được chuyển cho những người hoạt động tự do và không nằm trong hồ sơ của cảnh sát. Các thành viên xã hội đen máu mặt hơn đã chuyển từ những hoạt động sinh lợi truyền thống thành tội phạm tài chính mà khó có thể bị phát hiện. Yakuza cũng đã tham gia vào việc dọn dẹp hậu quả vụ nổ hạt nhân Fukushima và được cho là nhắm đến món hời (pickings) từ các công trình xây dựng và giải trí ở Thế vận hội Tokyo 2020. Miễn là bạo lực từ vụ chia tách bang đảng gần đây không tràn ra đường phố, không ai cho rằng các yakuza sẽ bị ngăn cản nghiêm trọng. Nhật Bản dường như thích tội phạm có tổ chức hơn là vô tổ chức.

Đoàn Khải
The Economist


Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc