Vì sao các công ty công nghệ đang cố gắng để trở thành trợ lí cá nhân của bạn?

Photo courtesy Johan Larsson.

Cho đến gần đây, trợ lí cá nhân là điều xa xỉ chỉ dành cho các giám đốc điều hành thành đạt và những người đủ giàu để trả lương cho một người khác giúp mình sắp xếp cuộc sống. Điều đó có thể thay đổi, nếu các công ty công nghệ có cách riêng. Gần đây Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển phần mềm có thể bắt chước một số chức năng của trợ lí cá nhân, chẳng hạn như đặt chỗ tại nhà hàng, cập nhật thông báo về giao thông và thời tiết và nhắc lịch các cuộc họp sắp tới. Tuần trước, Apple tuyên bố công ty sẽ đưa phần mềm trợ lí ảo của họ, Siri, vào tivi. Vì sao các công ty công nghệ đang cạnh tranh gay gắt để cung cấp trợ lí cá nhân ảo?

Đi cùng với sự phát triển của điện thoại thông minh, các công ty có thể đi sâu vào cuộc sống của người tiêu dùng hơn bao giờ hết. Phát triển các phần mềm hữu ích có thể giúp tạo khác biệt trong tâm trí khách hàng và khiến họ càng trung thành với nền tảng công nghệ của công ty. Ví dụ, các công ty đối thủ Apple, Google và Microsoft đều có dịch vụ điện thoại thông minh khác nhau và cũng cung cấp trợ lí cá nhân khác biệt tương ứng là Siri, Google Now và Cortana. Amazon có một thiết bị độc lập trông giống như một chiếc loa, gọi là Echo, có thể thực hiện một số chức năng như đọc sách nói và sắp xếp lại các mặt hàng thông qua Amazon. Trợ lí thông minh cũng có thể trích xuất thông tin mới về người dùng, điều sẽ rất hữu ích đối với việc thúc đẩy các khoản thu trong tương lai. Với phần mềm của mình, các công ty biết được mọi người tìm kiếm những gì, dự định đi đâu và nhiều chi tiết khác. Gần đây Facebook đã ra mắt "M", một dịch vụ trợ lí cá nhân trong ứng dụng Tin nhắn của họ, có thể thay thế người dùng mua và sắp xếp mọi thứ, giúp Facebook nắm rõ các giao dịch thương mại của người dùng mà họ sẽ không thể biết nếu không có dịch vụ này.

Những dịch vụ này chắc chắn sẽ trở nên phổ biến hơn. Theo hãng nghiên cứu công nghệ Gartner, khoảng 38% người tiêu dùng Mỹ đã sử dụng các dịch vụ trợ lí ảo trên điện thoại thông minh trong thời gian gần đây, và ước tính đến cuối năm 2016 khoảng hai phần ba người tiêu dùng ở các thị trường phát triển sẽ sử dụng các ứng dụng này hằng ngày. Trợ lí ảo đại diện cho một làn sóng "tìm kiếm" mới, theo đó những người tìm kiếm thông tin không phải viết những gì họ đang tìm kiếm vào hộp tìm kiếm rồi lướt qua từng kết quả. Thay vào đó, họ có thể ra lệnh cho điện thoại hoặc các thiết bị khác và được đáp lại bằng một kết quả duy nhất. Trên lí thuyết, điều này mang lại cho các công ty đối thủ cơ hội phá hoại hoạt động kinh doanh cốt lõi của Google; người dùng sẽ truy cập các trang web chuyên về tìm kiếm trực tuyến ít thường xuyên hơn.

Để trợ lí ảo thông minh thực sự chứng minh được giá trị của mình và đến một lúc nào đó thay thế thư kí thật, chúng phải thực hiện công việc của mình tốt hơn. Mọi dịch vụ vẫn gặp vướng mắc với việc nhận dạng giọng nói. Google Now không nhận diện được khoảng 8% số từ, mặc dù điều này đã là bước tiến lớn so với 25% số từ nó không hiểu được trong năm 2012. Trợ lí ảo cũng chưa thể thực hiện trọn vẹn các yêu cầu phức tạp. Nếu ai đó yêu cầu trợ lí ảo từ điện thoại thông minh của mình đặt một chuyến bay thì họ sẽ nhận được một trang kết quả tìm kiếm chứ không phải là một thư điện tử xác nhận vé máy bay đã được đặt. Để cải tiến hơn nữa, trợ lí cá nhân sẽ cần phải nhận biết tốt hơn thói quen và sở thích của người dùng. Điều này mới chính là mục đích thật sự của các trợ lí ảo và của các công ty công nghệ.

Phương Thùy
The Economist

Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc