Tự tử ở Nhật Bản: Sâu trong rừng thẳm

Số người tự tử ở Nhật Bản đang giảm dần.

Một chiếc ô tô màu trắng với biển số vùng Osaka đã bị bỏ không ở lối vào rừng Aokigahara năm ngày nay khiến tình nguyện viên lo lắng. Khu rừng đầy những cây rêu phủ này có diện tích 30 km2 bao phủ một vùng nham thạch gần chân núi Phú Sĩ. Đây là một địa điểm tự tử nổi tiếng, chỉ đứng thứ hai sau Golden Gate Bridge ở San Francisco. Chủ nhân của chiếc xe, người tình nguyện viện nói, có lẽ đã chết trong rừng. Công việc của anh là cố gắng phát hiện và thuyết phục những người muốn tự tử từ bỏ ý định của mình.

Truyền thuyết kể rằng khu rừng đã từng là nơi thực hiện nghi lễ ubasute, một tập tục cho phép người ta đưa những người già hoặc ốm yếu đến một nơi xa và bỏ mặc họ tới chết, để họ không trở thành gánh nặng cho gia đình. Khu rừng Aokigahara đã trở thành địa điểm tự tử nổi tiếng khi một tiểu thuyết được viết vào năm 1960 của nhà văn Seicho Mastumoto được xuất bản, trong đó nhân vật nữ chính đã tự sát ở đây. Sau năm 1989, số vụ tự tử ở Nhật Bản tăng vọt do khủng hoảng tài chính. Mỗi năm có hàng chục người tự sát ở Aokigahara, chủ yếu bằng cách treo cổ. Các biển báo được dựng lên dọc đường, nhắc nhở người qua đường rằng cuộc sống rất quý giá và đó là món quà từ cha mẹ của họ. Số điện thoại đường dây nóng được ghi phía dưới. Tuy nhiên, những thông tin tràn lan trên internet về khu rừng cũng như độ rộng mênh mông của nó vẫn là cám dỗ đối với những người có ý muốn tự sát. Ở khu rừng này, sóng điện thoại di động yếu. Quặng nham thạch thì làm lệch hướng la bàn. Những điều này khiến những người đã từ bỏ ý định tự sát khó tìm đường quay trở ra.

Năm ngoái, đã có hơn 23.000 vụ tự sát ở Nhật Bản. Tin tốt là con số này
đã giảm trong sáu năm liên tiếp, một xu hướng không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở nhiều nơi khác (xem biểu đồ). Một phần lý do là nhờ nền kinh tế: tỉ lệ nợ xấu của các doanh nghiệp và cá nhân ở mức tương đối thấp, ít người mất việc làm hoặc phá sản — một trong những nguyên nhân chính của các vụ tự tử tại Nhật Bản, bên cạnh những mối lo ngại về sức khỏe. Các biện pháp ngăn ngừa tự sát cũng đã được cải thiện. Gần một thập kỷ trước, chính phủ đã thông qua các chính sách để ngăn ngừa các vụ tự tử: như giáo dục tại các trường học, đào tạo đội ngũ nhân viên thành phố các cách phòng chống tự sát, và bồi dưỡng kiến thức về sức khỏe tâm thần cho các nhân viên y tế. Những người có biểu hiện bệnh tâm lý và muốn tự tử giờ đây nhận được nhiều quan tâm hơn, mặc dù người Nhật Bản vẫn còn kỳ thị đối với bệnh tâm lý.

Hầu hết các biện pháp phòng ngừa được hướng tới đối tượng là nam giới ở độ tuổi trung niên, nhóm người có nguy cơ cao nhất. Tuy nhiên, số vụ tự sát ở độ tuổi thanh thiếu niên đã không giảm nhiều. Trên thực tế, tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người từ 15 đến 40 tuổi. Tâm lý đầy bi quan về tương lai là nguyên nhân khiến nhiều thanh niên Nhật Bản tự sát. Vấn đề này còn khó giải quyết hơn những vấn đề thực tế, như khó khăn về tài chính, điều đẩy nhiều người trung niên đến bờ vực tuyệt vọng, ông Yasuyuki Shimizu của tổ chức phi chính phủ Life Link nói.

Trong khi đó, Aokigahara tiếp tục nuốt chửng thêm những nạn nhân mới. Điều này cũng gây ra những tổn hại về tinh thần đối với người dân địa phương. Gần đây, chính người tình nguyện viên kể trên đã phải dùng đến vũ lực với một nam thanh niên để ngăn anh ta đi vào trong rừng. Những việc như vậy đã ám ảnh anh, và anh muốn chia sẻ câu chuyện của mình. Nhưng cảnh sát đã khuyên anh không làm vậy, vì sợ điều này càng khiến người ta tìm đến một sự tĩnh lặng khác, sâu và đáng sợ hơn cả sự tĩnh mịch của khu rừng.

Minh Thu
The Economist

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc