Nước của Israel sẽ mang lại hòa bình cho Trung Đông?

tác giả Seth M. Siegel,
ngày 16 tháng 2, năm 2014.

Sự phổ biến vũ khí hạt nhân, các lực lượng quân sự tôn giáo và bất bình
đẳng thu nhập đều là các mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của Trung Đông. Đáng buồn thay, một mối đe dọa nữa đang dần hình thành: sự khan hiếm nước.

Rõ ràng đây là những nguyên nhân từ phía con người: dân số tăng nhanh, cơ sở hạ tầng lạc hậu, nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức, tập quán canh tác thiếu hiệu quả và ô nhiễm từ phân bón và thuốc trừ sâu. Nhưng ngoài ra cũng có những yếu tố đang bị đẩy nhanh bởi biến đổi khí hậu như sự bốc hơi của sông hồ và lượng mưa suy giảm.

Một đất nước trong khu vực có thể mang đến giải pháp cho những vấn đề về nước này: đó là Israel. Họ có cùng các vấn đề về khí hậu và sa mạc hóa như những người hàng xóm của mình, nhưng đã làm chủ được công nghệ quản lý tài nguyên nước, do vậy mà họ có thể chịu đựng những cơn hạn hán định kỳ trong khi vẫn hỗ trợ được mức dân số ngày càng tăng. Cách quản lý nước của họ có thể không chỉ là một mô hình mà thậm chí còn có thể làm giảm căng thẳng
trong khu vực.

Tập quán canh tác lãng phí — nhất là làm ngập ruộng để tưới — là yếu tố lớn nhất đằng sau tình trạng thiếu nước trong khu vực. Bắt đầu từ những năm 1960, nông dân Israel đã từ bỏ kỹ thuật này để chuyển sang tưới nhỏ giọt, cách này làm giảm sự mất nước vì bốc hơi, đưa nước tới rễ hiệu quả hơn, và quan trong nhất là sản lượng cây trồng lớn hơn rất nhiều so với tưới truyền thống. Israel cũng coi nước thải sinh hoạt là một tài nguyên quý giá, tái sử dụng hơn 80% của nó cho nông nghiệp. Tại Iran và nhiều nước Ả Rập, nước thải được xả đi, điều này có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng vì gây ô nhiễm giếng và nước ngầm.

Việc Israel giúp các nước láng giềng trong vấn đề nước đã từng có tiền lệ. Trước năm 1979 — vào khoảng thời gian họ bắt đầu áp dụng các công nghệ và chính sách dẫn đến nguồn nước dồi dào — Israel đã là đối tác của Iran trong việc phát triển các nguồn tài nguyên nước quốc gia.

Sự hợp tác này bắt đầu từ năm 1962, sau khi một trận động đất nghiêm trọng ở khu vực Qazvin của Iran đã khiến hơn 12.000 người thiệt mạng. Trận động đất đã làm sập một chuỗi các giếng mà các kỹ sư đã khoan theo kiểu qanat (đường hầm). Hàng trăm ngàn người có nguy cơ thiếu nước uống. Israel đã gửi tới nhiều đội khoan. Các nguồn nước mới được xác định, và một loạt các giếng phun được khoan. Dự án đã thành công tới mức công ty kỹ thuật nước Israel, giờ là một doanh nghiệp tư nhân, được thuê để xác định và truy cập vào các nguồn nước dưới lòng đất ở những nơi khác ở Iran.

Bắt đầu từ năm 1968, một công ty khử muối thuộc sở hữu của chính phủ Israel đã xây dựng hàng chục nhà máy ở Iran. Những nhà máy này giờ đang dần lỗi thời, trong khi Israel tiếp tục đổi mới: Gần đây trên bờ biển Địa Trung Hải, họ đã mở một nhà máy khử muối rất lớn với hiệu quả năng lượng cao. Hơn một nửa lượng nước uống của Israel — tinh khiết hơn, sạch hơn và ít mặn hơn các nguồn tự nhiên — bây giờ đến từ nước biển.

Sự hợp tác với Iran bất ngờ kết thúc do cuộc cách mạng Hồi giáo nổ ra. Thật vậy, nhóm chuyên gia về nước của Israel đã phải hồi hương trên một trong những chuyến bay trực tiếp cuối cùng từ Iran vào năm 1979.

Chiến tranh giành nước đã được dự báo như một mối đe dọa đang đến gần trên toàn cầu, và những rủi ro địa chính trị không thể bị bỏ qua. Syria, hủy hoại bởi cuộc nội chiến, và Iraq, vẫn là một tâm điểm của bạo lực tôn giáo, sẽ còn bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa khi Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng nắn dòng chảy sông Tigris và Euphrates để bù đắp cho việc khai thác quá mức một cách thiển cận mạch nước ngầm Anatolian từng có trữ lượng rất lớn. Ai Cập, với dân số gấp 10 lần của Israel nhưng có lượng nước gần gấp 50 lần, sử dụng nước thiếu hiệu quả, mặc dù nông nghiệp đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế nước này bao đời nay. Ethiopia, ở thượng lưu so với Sudan và Ai Cập, đang khẳng định quyền với nước sông Nile để phục vụ dân số ngày càng tăng của mình, gây căng thẳng với Ai Cập. Yemen có lẽ là nước ở trong tình trạng tồi tệ nhất: Nếu không thực hiện những bước đi cấp bách và quyết liệt, nước này có thể sẽ không còn nước trong vòng 15 năm tới.

Do vị trí địa lý và thủy văn, tương lai nguồn nước của Palestine gắn chặt với Israel. Chỉ trong vài năm Hamas kiểm soát dải Gaza, nguồn nước đã bị ô nhiễm, và mặc dù không có giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng nước sắp tới của nó mà không thể không có sự tham gia của Israel, Hamas vẫn từ chối hợp tác với nước này.

Người Palestine ở Bờ Tây đã nhận được nhiều nước từ hạ tầng nước quốc gia của Israel và, đặt vấn đề chủ quyền và chủ nghĩa tượng trưng sang một bên, cả giải pháp hai nhà nước lẫn sự tiếp diễn của nguyên trạng đều không thể thay đổi điều đó. Nhờ ở gần Israel, Palestine có thể sẽ là một trong số ít những nước Ả Rập chiến thắng trong cuộc chạy đua nước.

Khả năng tự cung tự cấp nước của Israel vượt xa thủy lợi, khoan, khử muối và tái sử dụng nước. Nó cũng dựa trên một cấu trúc pháp lý và quy định phức tạp, cơ chế thị trường, giáo dục công mạnh mẽ, một nỗi ám ảnh với việc sửa chữa rò rỉ và những nỗ lực để thu nước mưa và giảm sự bay hơi, cũng như rất nhiều các công cụ khác. Các phương pháp nhân giống tự nhiên đã tăng năng suất cây trồng với loại nước lợ có muối và giàu chất khoáng được tìm thấy, nhưng chủ yếu bị coi như vô giá trị, trên khắp Trung Đông. Israel đã biến nước từ một cuộc đấu tranh với thiên nhiên thành một đầu vào kinh tế: Bạn có thể nhận được mọi thứ bạn muốn nếu bạn có kế hoạch và trả giá cho nó.

Không ai mong muốn một cuộc khủng hoảng nước ở bất kỳ đâu. Nhưng khi các vấn đề về nước cứ lớn dần, người ta hy vọng rằng ý thức hệ sẽ nhường đường cho chủ nghĩa thực dụng và có thể mở ra một cánh cửa cho cộng đồng Ả Rập và Hồi giáo hướng đến Israel. Một quan hệ đối tác bắt đầu với các kỹ sư và mở rộng tới người nông dân có thể góp phần vào quá trình đàm phán, thậm chí hòa giải, giữa các nhà lãnh đạo. Thay vì coi Israel là một vấn đề, sẽ là khôn ngoan hơn nếu những người chống Israel xem nước này như một giải pháp.

Seth M. Siegel là người sáng lập công ty nhượng quyền thương hiệu Beanstalk, và ngân hàng đầu tư Sixpoint Partners.

Đăng Duy
NYTimes

Tags: book

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc