Giết người ở Nhật Bản: Chúng ta vẫn an toàn

Photo credit: The Economist.

Vụ thảm sát tại một nhà dưỡng lão có nguy cơ gây ra phản ứng thái quá.

Trong một thế giới đầy rẫy bạo lực, Nhật Bản là một đất nước khá an toàn. Các vụ cướp bóc hiếm khi xảy ra và tỷ lệ giết người thấp. Năm ngoái, cảnh sát ghi nhận chỉ có duy nhất một vụ giết người bằng súng tại quốc gia có 126 triệu dân này.

Còn khi ai đó hóa điên, vũ khí người đó lựa chọn là một con dao. Và đúng như vậy vào ngày 26 tháng 7 vừa qua, một người đàn ông trẻ tuổi đã đột nhập vào một trung tâm chăm sóc người tàn tật và thực hiện vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất Nhật Bản trong nhiều thập kỷ. Kẻ giết người đã đâm hơn 40 người khi họ đang nằm ngủ trên giường, làm chết 19 người. Hầu hết các nạn nhân đều bị vết thương ở cổ.

Cảnh sát đã xác định nghi can duy nhất là Satoshi Uematsu, 26 tuổi, từng là nhân viên chăm sóc y tế tại trung tâm này, hiện y đang bị bắt giữ. Uematsu đã nhiều lần đe dọa giết người tàn tật. Hồi tháng Hai, hắn đã viết một lá thư giải thích mục tiêu của mình về một thế giới trong đó những người sống mà không thể thiếu sự giám sát của người khác sẽ được thực hiện cái chết nhân đạo, và tự tay đem bức thư tới tận nhà riêng của người phát ngôn Hạ viện Nhật Bản.

Bệnh lý của những kẻ giết người hàng loạt có sự tương đồng, bất kể quốc tịch. Hầu như tất cả đều còn trẻ và là nam giới, bị kích động bởi thói hung hăng và testosterone (kích thích tố sinh dục nam). Trong nhiều trường hợp, nguyên cớ của những vụ giết người có thể là một sự kiện gây xáo trộn trong cuộc sống của thủ phạm — ví dụ như mất việc làm. Chỉ có Uematsu mới biết hắn nghĩ gì khi lái xe đến trung tâm chăm sóc trong đêm khuya hôm ấy, với những con dao trong túi. Hắn được cho là đã bị sa thải. Điều này không gây ngạc nhiên, căn cứ trên thái độ của y đối với người khuyết tật và có thể y đã nuôi dưỡng lòng hận thù từ đó. Một đợt điều trị bắt buộc trong bệnh viện hồi đầu năm nay đã kết thúc khi y được ra viện và về chăm sóc tại gia đình.

Cuộc tấn công này gần như chắc chắn sẽ khiến người Nhật quan tâm hơn tới thế hệ sau cuộc khủng hoảng kinh tế, những đứa trẻ phải trưởng thành trước tuổi. Tháng 6 năm 2008, Tomohiro Kato đã lái một chiếc xe tải vào đám đông người mua sắm ở Tokyo, sau đó nhảy xuống và dùng một con dao găm chém vào người đi bộ. Bảy người đã thiệt mạng. Kato kể lại chuỗi thất bại dẫn đến cuộc sống lao dốc chóng mặt của mình, ở tuổi 25, khi bước vào một thế giới bất ổn với những công việc tạm thời. Nhưng nói thêm: "Tôi chịu tất cả trách nhiệm với tội lỗi mình gây ra."

Những sự kiện khủng khiếp như thế này đã gia tăng sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền (dao găm dài từ 6cm trở lên đã bị cấm sau vụ thảm sát của Kato), và có một nỗi lo sợ hiện hữu rằng Nhật Bản đang trở thành nơi nguy hiểm như những nơi khác. Tuy nhiên, các số liệu thống kê không cho thấy như vậy . Tỷ lệ tội phạm năm ngoái đạt mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh. Số lượng tù nhân tại Nhật Bản vẫn thấp hơn so với hầu hết các quốc gia giàu có khác.

Điều nguy hiểm chính là những phản ứng thái quá. Năm 2001, một bảo vệ đã sát hại tám học sinh tiểu học ở Osaka bằng một con dao nấu ăn. Cơn điên này của Mamoru Takuma là lý do vì sao ngày nay một số trường học ở Nhật Bản có nhân viên bảo vệ đứng bên ngoài — một lời nhắc nhở đáng buồn cho hàng triệu trẻ em: thế giới có thể là một nơi đáng sợ.

Tuần này, tờ báo lớn nhất của Nhật Bản, Yomiuri Shimbun, cho rằng các trung tâm chăm sóc người bệnh tâm thần cũng nên có các biện pháp an ninh tương tự. An ninh ở các cơ sở này khá lỏng lẻo và nhiều cơ sở không có cửa đủ an toàn. Nhưng dù có biện pháp nào, vẫn rất khó để bảo vệ tất cả mọi người khỏi các hành động của một công dân không ổn định, khi anh ta đã có chủ ý làm hại.

Minh Thu
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc