Các ngân hàng ngầm hoạt động như thế nào?

Photo courtesy Kimmo Räisänen.

Ngày 5 tháng 1 năm 2016, trong một bài phát biểu cho chiến dịch tranh cử tại New York, Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders cam kết sẽ chia nhỏ các ngân hàng được coi là "quá lớn để sụp đổ" và hứa sẽ kiểm soát chặt chẽ người anh em trong bóng tối của họ. Bà Janet Yellen, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, thừa nhận các ngân hàng ngầm đang đặt ra "một thách thức rất lớn" cho nền kinh tế thế giới. Trong một bài xã luận trên tờ New York Times vào tháng 12/2015, Hillary Clinton đã kêu gọi cần có những biện pháp cứng rắn để kiềm chế các “ông kẹ”có quy mô toàn cầu. Các chính trị gia và các nhà kinh tế vốn là những người có rất ít điểm chung, nhưng đều nhất trí rằng: hệ thống ngân hàng ngầm, nếu không được kiểm soát, có khả năng sẽ gây ra một sự sụp đổ tài chính khác. Vậy ngân hàng ngầm là gì và vì sao mọi người lại bàn tán nhiều về chúng như vậy?

Thuật ngữ "ngân hàng ngầm" được Paul McCulley--chủ tịch của PIMCO, một trong những quỹ trái phiếu hàng đầu thế giới--sử dụng lần đầu vào năm 2007, nhằm mô tả các pháp nhân ngoài bảng cân đối kế toán đầy rủi ro do các ngân hàng lập ra để chào bán các khoản vay đã được đóng gói thành trái phiếu. Ngày nay, thuật ngữ này được áp dụng rộng hơn, bao hàm tất cả những trung gian tài chính thực hiện các hoạt động như ngân hàng nhưng chưa thuộc diện quản lý như vậy. Chúng bao gồm các hệ thống thanh toán di động, các tiệm cầm đồ, các trang web cho vay ngang hàng, các quỹ đầu tư thanh khoản linh hoạt và các nền tảng giao dịch trái phiếu do các công ty công nghệ thiết lập. Trong số này, các tổ chức lớn nhất là các công ty quản lý tài sản. Năm 2013, các quỹ đầu tư cho vay theo các cách trên đã huy động được một con số khổng lồ là 97 tỉ đô-la Mỹ trên toàn thế giới. Các công ty cần tiền mặt cũng dựa vào những thị trường trái phiếu có lãi suất cực kỳ thấp. Theo đó, giữa các năm 2007 và 2012, các công ty đã huy động được 1,7 nghìn tỷ đô-la Mỹ trên toàn cầu bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các quỹ thị trường tiền tệ đầu tư vào chứng khoán ngắn hạn như trái phiếu kho bạc Mỹ cũng rất thành công. Chỉ riêng ở Trung Quốc, tổng giá trị các quỹ này đã tăng gấp sáu lần, lên đến 2,2 nghìn tỷ NDT (341 tỷ đô-la Mỹ) từ giữa năm 2013 và tháng 12 năm 2015. Tháng 12 năm 2015, chúng đã đạt điểm tối ưu khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần mười năm. Hội đồng Ổn định Tài chính, một cơ quan giám sát quốc tế, ước tính rằng trên toàn cầu, khu vực cho vay không chính thức đã quản lý khối tài sản trị giá 80 nghìn tỷ đô-la Mỹ vào năm 2014, vượt trên mức 26 nghìn tỷ đô-la Mỹ của hơn một thập kỷ trước đó.

Các ngân hàng ngầm đã phát triển mạnh một phần vì các ngân hàng truyền thống-- bị thiệt hại nặng bởi những khoản lỗ phát sinh trong cuộc khủng hoảng tài chính--đang gặp nhiều sức ép. Những yêu cầu về vốn chặt chẽ hơn và nỗi sợ hãi trước các hình phạt nặng nề đã khiến họ thu mình cẩn trọng. Ở Trung Quốc, nơi các ngân hàng không được khuyến khích cho vay đối với một số ngành nhất định và được lệnh phải áp mức lãi suất tiền gửi thấp đến thất vọng, các tổ chức phi ngân hàng bù đắp khoảng trống đó. Theo Viện Brookings, khoảng hai phần ba của tất cả khoản vay của các ngân hàng ngầm ở nước này trên thực tế là "nợ ngân hàng trá hình". Những người chỉ trích lo lắng rằng không giống như các ngân hàng truyền thống, nơi cho vay bằng vốn huy động tiền gửi từ khách hàng, các tổ chức phi ngân hàng cho vay bằng tiền của nhà đầu tư và xoay vòng các khoản tín dụng. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi các nhà đầu tư bất an, những người đặt cược vào lợi nhuận ngắn hạn, tất cả cùng rút tiền một lúc. Tuy nhiên, tài chính phi ngân hàng không nhất thiết là một điều xấu. Nó mang đến một nguồn tín dụng bổ sung cho các cá nhân và doanh nghiệp ở những nước mà ngân hàng truyền thống hoặc là quá đắt đỏ hoặc vắng bóng. Nó cũng làm vơi gánh nặng cho các ngân hàng truyền thống có "độ chênh lệch đáo hạn" lớn (sự chênh lệch giữa thời gian tiền gửi chưa được sử dụng tại ngân hàng trừ đi thời gian mà nó được cho vay).

Và các nhà điều tiết cũng đang nhận ra trật tự tài chính mới, tuy có muộn màng. Giờ đây, các ngân hàng buộc phải công bố các tổ chức tài chính phi ngân hàng trên bảng cân đối kế toán của họ. Nhà chức trách đã tính đến việc áp hạn mức đòn bẩy đối với nhiều loại ngân hàng ngầm ở Mỹ và châu Âu. Tháng Một năm ngoái, Cục Tài chính Nhà ở Liên bang của Mỹ đã đề xuất quy định mới yêu cầu tất cả các tổ chức phi ngân hàng phải có giá trị ròng tối thiểu là 2,5 triệu đô-la Mỹ cộng với 0.25% dư nợ mà họ cung cấp. Chỉ khi đó, họ mới có thể bán được các khoản cho vay của mình cho Fannie Mae và Freddie Mac, hai tập đoàn mua tài sản thế chấp ở Mỹ từ các ngân hàng, đóng gói chúng thành chứng khoán và bán lại cho các nhà đầu tư mà có sự bảo đảm. Động thái này nhằm bảo vệ hai gã khổng lồ về nhà ở được chính phủ hậu thuẫn trước những nhà cho vay thiếu vốn. Đây là một khởi đầu nhỏ để kiểm soát một ngành công nghiệp chiếm tới một phần tư hệ thống tài chính toàn cầu.

Phương Anh
The Economist



Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc