Vương quốc của nước: Lịch sử bí mật về Trung Hoa

Vương quốc của nước: Lịch sử bí mật về Trung Hoa, tác giả Philip Ball
bài điểm sách của Isabel Hilton,
Chủ Nhật, ngày 24 tháng 7 năm 2016


Năm 2007, sông Hoàng Hà đã khô cạn: trong 277 ngày nó không chảy
được tới biển, hạ lưu của nó chỉ còn trơ lòng sông rộng toàn đất nứt nẻ. Sông Hoàng Hà bắt đầu cuộc hành trình 3.000 dặm từ cao nguyên Thanh Hải Tây Tạng và uốn khúc qua phía bắc Trung Hoa cho đến khi tới Vịnh Bột Hải. Nó được coi như dòng sông mẹ của Trung Hoa vì, theo khẳng định được nhà nước ủng hộ, nền văn minh Trung Hoa bắt đầu trong vùng đất màu mỡ quanh trung lưu của nó. Do đó, việc nó đã cạn khô gần một năm mang một ý nghĩa vượt xa thảm họa môi trường trước mắt.

Như Philip Ball mô tả trong cuốn "The Water Kingdom" ("Vương quốc của nước"), công cuộc trị thủy, quản lý các con sông lớn và đầy rắc rối của Trung Hoa, đã là công việc của những người cai trị từ thời xa xưa. Vũ Đế huyền thoại đã thuần phục lũ lụt để ngồi lên ngai vàng 4.000 năm trước đây. Các đế chế nối tiếp và vô số những quan lại đã trỗi dậy và sụp đổ vì chất lượng và hiệu quả trị thủy của họ và những công
trình đầy tham vọng đã làm cạn kiệt ngân khố của nhiều triều đại trong một nền văn hóa trong đó năng lực quản lý nguồn nước được xem như đại diện cho khả năng trị quốc.

Một trường phái lịch sử Trung Hoa lập luận rằng chính hình dạng và bản chất của nhà nước Trung Hoa đã được xác định bởi nhu cầu về những dự án kiểm soát nước -- các con đập, đê, kênh rạch và nắn dòng -- đòi hỏi phải huy động cưỡng bức lao động của hàng triệu người qua nhiều thế kỷ. Nước là thiết yếu với mọi nền văn minh, nhưng ở Trung Hoa, mối quan hệ giữa văn hóa, triết học, sự hình thành nhà nước và thủy văn có sự gần gũi hết sức độc đáo.

Lũ lụt và hạn hán có thể làm sụp đổ các triều đại, và thậm chí cả các thi sĩ và triết gia cũng tranh luận về cách trị thủy tốt nhất: truyền thống Đạo giáo ủng hộ sự can thiệp nhẹ, dẫn nước thừa vào các kênh rạch và để dòng sông dâng ngập rộng rãi, qua đó lắng đọng phù sa màu mỡ trên vùng ngập. Các quan lại Nho giáo nghiêng về trường phái can thiệp nhiều hơn bằng các công trình, xây dựng đê cao hơn và hẹp hơn. Mỗi phương pháp có những thành công và thất bại của nó.

Quy mô thủy văn của Trung Hoa trong lịch sử cũng ngoạn mục như những khó khăn và thảm họa nó sinh ra: Lượng mưa của Trung Hoa không cân đối, dồi dào về phía nam sông Dương Tử, nhưng lại khan hiếm ở phía bắc. Ở phía bắc Trung Hoa, sông Hoàng Hà có ảnh hưởng lớn nhất -- một con sông, nhờ lượng phù sa khổng lồ của mình, vẫn luôn thách thức những nỗ lực khuất phục nó. Do đáy sông nâng lên, đê điều được xây dựng ngày càng cao hơn, khiến có thể bị vỡ và dẫn tới lũ lụt thảm khốc trên những khu vực rộng lớn như đã từng xảy ra ở tỉnh Hà Nam vào năm 1886, ước tính làm 2,5 triệu người thiệt mạng. Trong thời hiện đại, nhiều nỗ lực để kiểm soát dòng sông bằng các con đập đã bị đánh bại bởi phù sa, và ngày nay, do khai thác quá mức, sự thoái hóa của các đầu nguồn, ô nhiễm và biến đổi khí hậu, dòng sông đang phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng khác.

Cuộc hành trình của tác giả Ball theo dòng lịch sử, chính trị và văn hóa của thủy văn Trung Hoa bao gồm rất nhiều vị anh hùng trị thủy, những người đã đôi lần chiến thắng trong cuộc vật lộn với các thế lực tự nhiên và sự khiển trách của triều đình. Không kém phần kịch tính là câu chuyện về những cuộc chiến ven sông, một truyền thống ít được biết đến hơn so với những chuyến đi biển của hoạn quan đô đốc Trịnh Hòa, với những chiếc thuyền châu báu (bảo thuyền) 10 cột buồm của ông, những pháo đài nổi 1.500 tấn khiến bất kỳ thứ gì châu Âu đã sản xuất trước đó trở nên nhỏ bé.

Các con sông của Trung Hoa không chỉ là chiến trường -- chúng cũng nổi tiếng được sử dụng như một vũ khí chiến tranh: năm 1642, trong một trận chiến giữa người Mãn Châu và các lực lượng của nhà Minh, đê sông Hoàng Hà đã bị phá vỡ bởi cả hai bên, gây ra một thảm họa cho Khai Phong, làm thiệt mạng 300.000 người trong số 378.000 dân ở đây. Trong thế kỷ 20, để làm chậm các lực lượng Nhật Bản đang tiến tới, khi rút lui tướng Tưởng Giới Thạch của Quốc Dân Đảng đã phá đê sông Dương Tử, gây ra những hậu quả tàn khốc.

Nhưng kỹ thuật trị thủy vẫn tiếp tục là chủ đề chính trong cuốn sách: kênh Đại Vận Hà, bắt đầu được xây dựng vào thế kỷ 7 dưới triều đại nhà Tùy ngắn ngủi, có vai trò thiết yếu trong việc vận chuyển lương thực từ miền Nam đến kinh đô phía Bắc vì các tuyến đường biển quá bấp bênh và nhiều cướp biển. Tới giữa thế kỷ 18, một nửa số lương thực của Bắc Kinh đến từ phía Nam và lên đến 20% nguồn thu của triều nhà Thanh (1644-1911) được dành để phục vụ kênh Đại Vận Hà.

Khi bắt đầu suy yếu, triều đại nhà Thanh bỏ rơi con kênh, và các thuyền viên thất nghiệp chuyển hướng sang các hội kín tham gia vào các hoạt động tội phạm có tổ chức và các âm mưu chống lại hoàng đế. Một số trong số họ đã được chiêu mộ bởi một nhà Nho thất bại tin mình là em trai của Chúa Giêsu Kitô, đứng đầu một cuộc nổi dậy kéo dài 10 năm và làm chết gần 30 triệu người.

Khi đảng Cộng sản giành chiến thắng trong cuộc nội chiến ngắn ngủi vào năm 1949, họ cũng thấy mình phải nhận nhiệm vụ quản lý các con sông của Trung Hoa. Đó là một vai trò đã hấp dẫn Mao Trạch Đông, người tin rằng chinh phục thiên nhiên là điều thiết yếu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và đã quân sự hóa xã hội Trung Hoa thông qua một loạt các "cuộc chiến" chống lại tự nhiên với những hậu quả tai hại vẫn còn treo lơ lửng trên tương lai của Trung Hoa. Trong một chiến dịch thủy lợi trên sông Hoàng Hà giữa năm 1957 và 1959, Đảng Cộng sản đã tăng tốc độ khai thác nước từ sông tới 83 lần, nhưng lại làm giảm năng suất cây trồng.

Tới khi ý định của Mao đã hoàn thành, 80.000 con đập đã được xây dựng, phần nhiều do những người nông dân gần như không được trang bị gì ngoài tư tưởng khuất phục tất cả của Mao chủ tịch. Hơn 500 con đập trong số đó sụp đổ chỉ trong năm 1973 và đến năm 1980, 3.000 con đập đã theo bước. Năm 1975, một năm trước cái chết của Mao Trạch Đông, Trung Hoa phải chịu đựng vụ vỡ đập thảm khốc nhất trong lịch sử, khi cơn bão Nina làm vỡ đập Bản Kiều ở Hà Nam, giải phóng 700 triệu mét khối nước với tốc độ khoảng 40 dặm một giờ, tàn phá tất cả mọi thứ trên đường đi của nó. Gần một phần tư của một triệu người được ước tính đã chết trong trận lụt và do dịch bệnh và phơi nhiễm kéo dài sau đó. Thảm họa đã được giữ bí mật nghiêm ngặt trong hơn 30 năm qua và các quan chức phụ trách được thăng chức.

Những người kế nhiệm Mao thậm chí còn nhiệt tình hơn với kỹ thuật nước, mặc dù đã tôn trọng chuyên môn kỹ thuật nhiều hơn. Đập Tam Hiệp gây nhiều tranh cãi, được thông qua Đại hội nhân dân toàn quốc sau vụ thảm sát Thiên An Môn, tiếp tục nảy sinh những vấn đề mà những người chỉ trích từng dự đoán nó sẽ gây ra. Sự phản đối xây dựng đập trong công chúng đã làm chậm lại, nhưng không ngăn được một số dự án nổi tiếng, mặc dù các công ty thủy điện lớn của Trung Hoa hiện đang có ý định xây đập trên những con sông xuyên biên giới quan trọng (trong số đó có sông Brahmaputra và sông Mê Kông) mà không cần tham khảo ý kiến của người dân ở hạ nguồn vốn sống phụ thuộc vào các sông này.

Trong khi đó, gần bốn thập kỷ công nghiệp hóa vội vã đã đẩy nguồn tài nguyên nước của Trung Hoa vào tình trạng bấp bênh. Năm 2012, cuộc điều tra tài nguyên nước quốc gia đầu tiên của Trung Hoa-- mà lạ thay, tác giả Ball không đề cập đến--tiết lộ rằng hơn 28.000 con sông (gần một nửa tổng số) đã biến mất trong 20 năm qua. Tất cả các con sông còn lại của phía bắc Trung Hoa đang bị khai thác quá mức; nước ngầm vừa ô nhiễm vừa cạn kiệt, và 300 triệu người không được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn. (Một yếu tố góp đáng ngạc nhiên cũng vắng mặt trong câu chuyện vốn được kể rất kỹ lưỡng của Ball là vai trò của than, nguồn tiêu thụ khoảng 20% lượng nước ngọt của Trung Hoa).

Ball lập luận rằng, giống như quá khứ, tương lai của Trung Hoa có thể được tìm thấy trong số phận nguồn nước của họ. Chắc chắn phía bắc Trung Hoa đang gặp rắc rối lớn, với mức thâm hụt nước ngày càng lớn mà ngay cả nỗ lực kỹ thuật gần đây nhất, dự án dẫn dòng nước Nam-Bắc, cũng không thể sửa chữa. Ông tìm thấy sự khích lệ trong sự xuất hiện của các nhóm môi trường phi chính phủ, và ghi nhận sự xuất hiện của tiếng nói tự do trong các cuộc thảo luận về nước. Thật không may, con lắc đã bắt đầu đưa về hướng ngược lại, với sự gia tăng độc tài và tập trung quyền lực vào tay Tổng bí thư Đảng Tập Cận Bình. Liệu phương pháp của ông sẽ thành công trong việc giải quyết khủng hoảng nước của Trung Hoa hay không, lịch sử sẽ phán xét.

Đăng Duy
The Guardian

Tags: book

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc