Các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản: Sức sống dồi dào

Photo courtesy JOHN LLOYD.

Các hãng xe nhỏ của Nhật Bản đang thách thức quy luật “mở rộng hay là chết” của ngành công nghiệp này.

Một trong những điều bất ngờ của ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản là năm hãng có quy mô nhỏ tiếp tục phát triển thịnh vượng bên cạnh với ba người khổng lồ là Toyota, Nissan và Honda. Về lý thuyết, những hãng xe hạng hai — Mazda, Mitsubishi, Suzuki và Subaru — đáng lẽ đã sáp nhập với các đối thủ trong hoặc ngoài nước, hoặc bị bỏ lại bên lề cuộc đua từ lâu. Daihatsu đã bị Toyota kiểm soát với 51% cổ phần trong công ty. Các hãng này đều bán được một đến hai triệu xe mỗi năm. Sergio Marchionne, ông chủ của Fiat Chrysler, đã từng nói rằng sáu triệu xe là yêu cầu tối thiểu đối với nhà sản xuất ôtô nếu mong muốn thu được lợi nhuận.

Các công ty hạng hai có vẻ quyết tâm hơn bao giờ hết để bác bỏ quan điểm cho rằng quy mô toàn cầu và khối lượng xe được bán ra lớn là điều không thể thiếu. Suzuki là một công ty tương đối nhỏ và chỉ có một thị trường chủ yếu ngoài Nhật Bản là Ấn Độ. Nhưng cách đây không lâu, công ty này đã rút khỏi liên doanh với Volkswagen của Đức (VW), hãng vốn có thể giúp công ty bán các loại xe nhỏ và giá rẻ tại các thị trường phát triển ở nước ngoài.

Mazda, một công ty thậm chí còn nhỏ hơn, cũng sẵn sàng chia tay với Ford. Nhà sản xuất ôtô Mỹ này bắt đầu bán bớt số cổ phần của mình trong năm 2008 để huy động tiền mặt và tránh phá sản. Hai công ty đã hợp tác kể từ năm 1979. Subaru, thuộc tập đoàn Fuji Heavy Industries, được cho là không thoải mái với 16,5% cổ phần đang nằm trong tay Toyota, hãng xe lớn nhất thế giới. Giải pháp rõ ràng cho các công ty quy mô nhỏ — sáp nhập với ba ông lớn — dường như là một viễn cảnh xa vời.

Thực tế rằng các công ty nhỏ đang liên tục ăn nên làm ra sau nhiều năm thua lỗ giúp ta hiểu vấn đề trên. Đồng nội địa yếu đi có nghĩa là họ gần như đang in được tiền, theo Max Warburton thuộc công ty nghiên cứu chứng khoán Sanford C. Bernstein. Subaru và Mazda, hai hãng xuất khẩu nhiều nhất trong nhóm năm hãng này, đang có doanh số kỷ lục tại thị trường Bắc Mỹ, doanh số của Subaru còn vượt qua cả VW. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ của Nhật cũng được nhiều lợi nhuận hơn so với hầu hết các doanh nghiệp trong ngành.

Nhưng điều đó có thể không kéo dài. Những năm dài khó khăn trước đó nghĩa là các công ty nhỏ thiếu tiền để đầu tư mạnh vào công nghệ mới. Nhưng họ đang có cách thông minh để biến những điểm yếu thành thế mạnh. Ngành công nghiệp ô tô khâm phục quyết định của Mazda một vài năm trước khi không phát triển các cơ cấu truyền động dùng điện một phần hoặc toàn phần tốn kém để đi tiên phong với công nghệ "SkyActiv" giúp cải thiện đáng kể hiệu quả của động cơ xăng và diesel.

SkyActiv có kỹ thuật chế tạo hiệu quả đặc trưng của Nhật Bản, và chính là những gì thị trường bây giờ muốn, ông Warburton nói. Trong những năm tới, tuy nhiên, việc đáp ứng tiêu chuẩn khí thải chặt chẽ hơn sẽ đòi hỏi chi tiêu vốn nhiều hơn. Nó cũng có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ khi đầu tư vào các công nghệ hỗ trợ xe tự lái, nếu nó trở nên phổ biến.

Một lời giải thích nữa cho sức chịu đựng của các công ty nhỏ là sự hỗ trợ ngầm của chính phủ Nhật Bản. Trong trường hợp của Suzuki, Mitsubishi và Daihatsu, sự hỗ trợ này có thể thấy trong các hình thức giảm thuế lâu dài cho kei (loại ô tô giá rẻ, cỡ nhỏ với động cơ dưới 660cc). Được phụ nữ và người già ưa thích, những chiếc xe nhỏ này chiếm khoảng hai phần năm doanh số xe được bán mới tại Nhật Bản. Nissan và Honda cũng sản xuất xe kei, nhưng ba công ty nhỏ dựa vào chúng nhiều hơn.

Chính phủ hiện nay dường như đã chú ý đến những lời cảnh báo của các nhà sản xuất ôtô lớn nhất, chuyển hướng sự chú ý và nguồn vốn cho xe kei sang phát triển các mô hình có tiềm năng xuất khẩu. Một quyết định được ban hành hồi đầu năm nay nhằm tăng thuế đối với loại xe này báo hiệu điềm xấu cho các nhà sản xuất. Trong khi Subaru và Mazda thành công bên ngoài thị trường Nhật Bản, và Suzuki đang khiến các hãng khác ghen tị với việc bán xe nhỏ thu lợi lớn, công ty yếu nhất trong những hãng xe hạng hai có thể sẽ sớm phải đối mặt với những khó khăn mới.

Tất cả các hãng sản xuất ô tô của Nhật Bản đều gặp phải một vấn đề chung là thị trường nội địa suy giảm và phần lớn là không có lợi nhuận, ông John Harris, một nhà tư vấn nói. Tuy nhiên đối với Mitsubishi, có lẽ là công ty yếu nhất trong nhóm năm, vấn đề sẽ bớt khó khăn hơn với sự hỗ trợ của tập đoàn công nghiệp mẹ và Daihatsu sẽ tiếp tục được hưởng sự bảo hộ của Toyota. Với mức độ bảo vệ như vậy, không ai ngạc nhiên khi chưa công ty sản xuất ôtô quy mô nhỏ nào phải rời đường đua.

Minh Thu
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc