Tsukiji, chợ cá lớn nhất thế giới: Tạm biệt và cảm ơn

Photo courtesy elminium.

Ngày 5 tháng 1, trong nghi lễ trước bình minh có truyền thống hàng thập kỷ, tiếng chuông nhỏ vang lên báo hiệu bắt đầu cuộc đấu giá đầu tiên của năm tại Tsukiji, khu chợ cá sầm uất của Tokyo. Ngôi sao của buổi đấu giá chính là chú cá ngừ lấp lánh ánh bạc với trọng lượng 200kg, được bán cho một chuỗi nhà hàng sushi với giá 14 triệu yên Nhật (tương đương 118.000 USD). Nhưng vụ đấu giá lại có bầu không khí đượm buồn với sự hoài niệm, thậm chí là cay đắng. Giờ này sang năm, khu chợ bán buôn này, chợ cá sôi động nhất của thế giới, sẽ biến mất.

Nằm giữa sông Sumida và khu mua sắm Ginza, Tsukiji đang cố gắng cựa quậy giữa những khoảng trống còn lại. Chừng 60.000 người làm việc dưới tấm mái dột của khu chợ, và hàng trăm xe nâng hàng, vận chuyển tất cả mọi thứ từ nhím biển cho đến thịt cá voi, chao đảo trên nền đất gập ghềnh. Chính quyền thành phố, chủ sở hữu của khu chợ, muốn chuyển nó đi.

Ý tưởng đó đã không được ủng hộ. Các tiểu thương tức giận vì bị xua đến một khu vực mới toanh và nghèo nàn ở phía nam. Khu chợ mới đang được xây dựng trên một bến tàu, đất ở đây bị ô nhiễm do nguồn nước thải độc hại từ một nhà máy sản xuất gas cũ. Công cuộc thu dọn và các cuộc đàm phán đã trì hoãn việc di chuyển trong hơn một thập kỷ.

Cú đánh cuối cùng vào chợ cá chính là việc Tokyo giành được quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội 2020. Một trục giao thông mới sẽ cắt ngang qua Tsukiji, đưa các khách tham quan đến các địa điểm thi đấu. Theo Yutaka Maeyasui, người phụ trách kế hoạch di chuyển khu chợ, một phần của nó sẽ trở thành trung tâm báo chí phục vụ thế vận hội. “Chúng tôi không còn nhiều thời gian nữa,” ông nói và nhìn quanh cái văn phòng lụp xụp của mình. Khu vực này đã trở nên chật chội, cũ kỹ và đông đúc. Một trận động đất có thể kéo sụp tất cả.

Nhiều con thuyền neo đậu phía dưới văn phòng của ông Maeyasui đều thuộc về những gia đình bắt đầu kinh doanh ở đây từ khi khu chợ mở cửa vào những năm 1930, sau khi thảm họa động đất Kanto năm 1923 san phẳng một khu chợ khác được dựng lên trước đó. Chieko Oyoshi, chủ một cửa hàng kinh doanh cá ngừ được truyền lại từ thời ông nội, nói: "Bạn sẽ không tìm được bất kỳ ai ở đây ủng hộ việc di dời.” Các chuỗi siêu thị lớn và các khách mua buôn đã nuốt trọn những mối hàng của bà và liên hệ trực tiếp với các cảng cá và các trang trại cung cấp cho Tsukiji. Hành động này sẽ giết chết bất kỳ cơ sở buôn bán nào còn sót lại, bà than thở.

Là một trong những mối liên kết cuối cùng với thời quá khứ trọng thương của thành phố nên Tsukiji dường như vẫn không thay đổi nhiều trong nhiều thập kỳ đã qua. Những người đàn ông vẫn có thói quen liếm qua đầu bút chì trước khi đặt bút viết. Một cái máy vi tính mới sẽ chết vì cô đơn không ai ngó ngàng tới. Một trong số ít các thiết bị hiện đại ở đây là chiếc đồng hồ kỹ thuật số đếm ngược từng ngày cho đến tháng 11, khi hầu hết các hoạt động buôn bán sẽ dừng lại, cùng với cảnh sầm uất sôi động của Tsukiji.

Lưu Thúy
The Economist


Tags: japan

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc