Bất bình đẳng toàn cầu: tin tốt và tin xấu

John Cassidy, ngày 06 tháng 1 năm 2014

Trong khi phần lớn giới nghiên cứu kinh tế dành kỳ nghỉ cuối tuần ở
Philadelphia để thảo luận lý thuyết "Trì trệ trường kỳ" của Larry Summers và các vấn đề khác trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Kinh tế Mỹ, tôi đọc cuốn sách mới của Angus Deaton, "Cuộc đào thoát vĩ đại: Sức khỏe, của cải, và nguồn gốc bất bình đẳng." Chương 1 bắt đầu như sau:

Cuộc sống giờ đây tốt hơn gần như mọi thời kỳ khác trong lịch sử. Nhiều người giàu có hơn và càng ít người phải sống trong nghèo đói cùng cực. Tuổi thọ cao hơn và các bậc cha mẹ không còn phải chứng kiến một phần tư số con cái của mình chết yểu.

Nhà kinh tế học Deaton tại đại học Princeton, người nổi tiếng với cách làm việc tỉ mỉ cẩn trọng, đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu về y tế, bất bình đẳng và phát triển kinh tế. Trong suốt ba mươi hay bốn mươi năm qua, ông nhắc, mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Trung Hoa và Ấn Độ, đã đưa nhiều người, rất
nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực. Theo Ngân hàng Thế giới, cơ quan có thẩm quyền được công nhận trong lĩnh vực này (mặc dù một số người đặt nghi vấn về phương pháp của tổ chức này), từ năm 1981 đến năm 2008, số lượng người có mức sống một đô-la một ngày giảm còn khoảng 750 triệu người và đây cũng là thời điểm tổng dân số ở các nước có mức thu nhập thấp đến thu nhập trung bình tăng lên nhanh chóng. Do đó, Deaton cho rằng, tỉ lệ dân số thế giới với mức sống dưới một đô-la một ngày đã giảm từ hơn 40% xuống còn 14%....

Không phải ở khắp mọi nơi và tất cả mọi thời điểm, nhưng một phần tư thế kỷ tăng trưởng đã hoàn thành nhiều điều để giảm đói nghèo toàn cầu.

Một trong những điều đáng trân trọng trong cuốn sách Deaton là nó không nói quá sâu về GDP. Ông cho rằng tiền chỉ là một mặt trong đời sống con người; sức khỏe và tuổi thọ cũng quan trọng không kém, thậm chí còn quan trọng hơn. Không có gì là bất bình đẳng bằng việc người dân ở một số nước thì được trường thọ trong khi ở các nước nghèo, những người khác lại đang bị tước đoạt những điều kiện sống bình thường nhất. Năm 1950, theo số liệu của Liên Hợp Quốc, tuổi thọ trung bình ở các vùng kém phát triển của thế giới chỉ là 42 tuổi.

Nhờ những tiến bộ trong giáo dục, y tế và các hệ thống chăm sóc sức khỏe, mọi thứ đã thay đổi nhiều. Đến năm 2010, Deaton cho biết, tuổi thọ trung bình ở các vùng kém phát triển đã tăng lên 66 tuổi, một bước nhảy vọt thêm 50% so với năm 1950. Chắc chắn hầu hết cư dân của các nước nghèo và các nước thu nhập trung bình không sống lâu bằng người ở Bắc Âu, nơi tuổi thọ trung bình hiện nay là gần 80 tuổi, nhưng khoảng cách đã được thu hẹp khá nhiều.

Tất nhiên, có những trường hợp ngoại lệ, đặc biệt là ở châu Phi vùng hạ Sahara, nơi tai họa của HIV và AIDS đã tác động lớn đến tỷ lệ tử ở mọi lứa tuổi. Hãy lấy Botswana, một trong những quốc gia được điều hành tốt nhất trên châu lục này làm ví dụ. Trong những thập kỷ hậu chiến, tuổi thọ của người dân đã tăng từ 49 tuổi lên đến 64 tuổi; vào năm 2005, do HIV/AIDS, nó đã rơi trở lại mức 49 tuổi. Để biết những cú sụt giảm tương tự, bạn hãy quay trở lại nạn đói kinh hoàng tại Trung Hoa vào giai đoạn 1958-1962, làm chết khoảng 3 đến 5 triệu người. Tuy nhiên, ở hầu hết các vùng của châu Phi, số người chết trẻ đang giảm dần, và tuổi thọ trung bình toàn dân đã tăng lên. Ngay cả ở Cộng hòa Dân chủ Congo, một trong những nước nghèo nhất và lạc hậu nhất trên thế giới, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cũng đang giảm một phần trăm mỗi năm. Và trong toàn khu vực, những thay đổi trong hành vi và sự có mặt của các loại thuốc kháng virus cuối cùng đã giảm số ca tử vong vì HIV/AIDS. Khi quá trình này được tiếp tục, tuổi thọ sẽ tăng đáng kể.

Quay trở lại những năm 1960 và 1970, nhiều chuyên gia lo ngại rằng gia tăng dân số toàn cầu sẽ đe dọa sự tồn vong của toàn nhân loại với thiếu thốn, nghèo đói và suy dinh dưỡng lan rộng. Như Deaton nói rất đúng, tầm nhìn theo học thuyết của Malthus này thiếu căn cứ: "Thế giới đã làm tốt hơn nhiều so với những người bi quan dự đoán."

Đó là tin tốt. Nhưng quá trình này sẽ kéo dài bao lâu và đi đến đâu? Trong khi nhiều người đã thực hiện những "cuộc đào thoát vĩ đại" khỏi đói nghèo dai dẳng và cuộc sống ngắn ngủi, như Deaton gọi, rất nhiều trong số họ vẫn chưa đi được xa, và có lẽ một tỷ người đã hoàn toàn bị bỏ lại phía sau.

Nếu bạn bỏ qua Trung Hoa và Ấn Độ, dù như vậy quả không phải là đúng đắn lắm, bạn sẽ thấy rằng, trên toàn thế giới, khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo vẫn lớn như nó vẫn vậy, thậm chí có khi còn lớn hơn. Và thậm chí nếu bạn có gộp cả Trung Hoa và Ấn Độ, hai điển hình về thành công, vẫn rất khó tìm được bằng chứng cho thấy sự bất bình đẳng đã giảm trên quy mô toàn cầu.

Deaton thừa nhận thực tế này, nhưng tôi không chắc chắn ông phân tích nó một cách đầy đủ. Có chỗ ông viết, "Đã không có sự thu hẹp hoặc thu hẹp không đáng kể tình trạng bất bình đẳng về thu nhập giữa các nước; cứ mỗi quốc gia vươn lên lại có một quốc gia bị bỏ lại." Mặc dù vậy, một chỗ khác ông lại viết: "Sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Hoa và Ấn Độ đã không chỉ giúp hàng trăm triệu công dân thế giới có cuộc đào thoát vĩ đại mà còn biến thế giới thành một nơi bình đẳng hơn." Về mặt lý thuyết, có thể cả hai nhận định này đều đúng: nếu bạn xét công dân trên thế giới, chứ không phải là các quốc gia, có lẽ bạn sẽ tìm được sự thu hẹp trong phân bố thu nhập nhờ vào sự đóng góp của tầng lớp trung lưu mới nổi ở Trung Hoa và Ấn Độ.

Nhưng khi Branko Milanovic, chuyên gia hàng đầu tại Ngân hàng Thế giới trong lĩnh vực này, và một cộng sự, Christoph Lakner, thực hiện nghiên cứu theo phương pháp như vậy, họ không thể xác định được bất kỳ mức giảm bất bình đẳng đáng kể nào. Nghiên cứu của họ, vừa được công bố như là một bản nghiên cứu ban đầu, dựa trên khảo sát tại các hộ gia đình mà họ thu thập từ khắp nơi trên thế giới. Chấp nhận các lỗi thống kê và chênh lệch có thể có trong các cuộc điều tra, họ kết luận rằng từ năm 1989 đến năm 2008 mức bất bình đẳng toàn cầu về cơ bản vẫn không thay đổi. Ban đầu họ dự đoán là nó sẽ giảm nhẹ. Khi điều chỉnh số liệu do có thêm thông số từ các gia đình có thu nhập hàng đầu, một vấn đề phổ biến trong các cuộc khảo sát theo hộ gia đình, họ thấy mức bất bình đẳng đã tăng lên một chút. Dù sao đi nữa, họ vẫn kết luận, "Kết quả khảo sát của chúng tôi xác nhận những phát hiện trước đó rằng mức độ bất bình đẳng toàn cầu vẫn còn cao."

Trong thực tế, mức độ bất bình đẳng Milanovic và Lakner xác định được thậm chí còn lớn hơn so với dự đoán từ các nghiên cứu trước đó, bao gồm cả một số do chính Milanovic thực hiện. Một công cụ thường được sử dụng trong tính toán bất bình đẳng thu nhập là hệ số Gini, cho điểm từ không (bình đẳng hoàn hảo: ai cũng được thu nhập như nhau) cho tới một (bất bình đẳng hoàn hảo: một người được tất cả các thu nhập). Theo tính toán Milanovic và Lakner, trong năm 2008, hệ số Gini toàn cầu đang ở khoảng giữa 68% với 76%, tùy thuộc vào phương pháp tính toán được sử dụng. Các nghiên cứu trước hầu hết cũng xác định hệ số Ginis toàn cầu vào khoảng giữa 60%. Nếu các tính toán mới là đúng, thế giới đã trở thành một nơi thậm chí còn bất bình đẳng hơn chúng ta nghĩ.

Làm thế nào mà sự tăng trưởng nhanh chóng của các nước như Trung Hoa, Ấn Độ và Brazil đã không giúp được gì nhiều cho việc cân bằng thu nhập trên toàn thế giới? Không ai đưa ra được một lời giải thích đầy đủ, nhưng một phần của câu chuyện nằm trong những vấn đề nội tại của chính nó. Trong khi toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ đã cho phép một số nước nghèo tham gia nền kinh tế toàn cầu và bắt kịp với các đối thủ phát triển hơn, cũng chính các yếu tố này đang nới rộng khoảng cách bất bình đẳng giữa các nước. Mỗi nông dân Trung Hoa bỏ lại ruộng vườn và tìm kiếm việc làm trong các nhà máy, sẽ lại có một chủ doanh nghiệp, hay một cán bộ Đảng, những người xây dựng cho mình một chuỗi các biệt thự, mua một chiếc xe hơi xa hoa, và mở một tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Như vậy, giống như trong trường hợp của Vương quốc Anh và Mỹ, công nghiệp hóa càng làm gia tăng bất bình đẳng.

Xin trích lời Milanovic và Lakner:
Hầu hết bất bình đẳng toàn cầu là do sự khác biệt giữa các quốc gia, mặc dù sự khác biệt này đã giảm theo thời gian, tức là các nước đang trở nên giống nhau hơn. Các yếu tố gây bất bình đẳng trong một nước, tuy nhiên, đã tăng liên tục trong 20 năm qua.

Quá trình bước lùi này đang diễn ra ở các nước có thu nhập trung bình, các nước giàu cũng như các nước nghèo, và đó không chỉ là vấn đề tiền bạc. Khi những công dân thành đạt của Trung Hoa, Ấn Độ và Brazil ngày càng giàu hơn, họ có quyền tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ mà hầu hết đồng bào của họ bị từ chối. Deaton, người hiểu quá rõ về bất bình đẳng, nêu một ví dụ về chăm sóc sức khỏe:

Dịch vụ y tế cho giới thượng lưu chắc chắn đã đào sâu thêm những bất bình đẳng tại ngành y tế địa phương ở các nước nghèo. Tại các thành phố như Delhi, Johannesburg, Mexico City và Sao Paulo, các cơ sở y tế cao cấp, hiện đại và đẹp như những công trình nghệ thuật, điều trị cho những người giàu có và quyền lực, đôi khi ngay trong tầm mắt của những người phải sống trong điều kiện y tế không tốt hơn là mấy so với điều kiện ở châu Âu thế kỷ 17.

Có một điều khá chắc chắn là người dân ở các nước có mức bất bình đẳng cao sẽ có tình trạng sức khỏe kém hơn. Một trong những biểu đồ giàu thông tin của Deaton đã so sánh tuổi thọ với GDP bình quân đầu người. Không ngoài dự đoán, hai biến số này có một mối liên hệ tích cực. Thú vị hơn, có một thực tế là, trong số các quốc gia phát triển ngang nhau, những quốc gia có sự bất bình đẳng cho kết quả tồi tệ nhất. Ví dụ, tuổi thọ trung bình ở Angola thấp hơn ở Việt Nam khoảng 20 tuổi, mặc dù thu nhập bình quân đầu người ở hai nước là ngang nhau. Cư dân Mỹ, một quốc gia bất bình đẳng khác, sống cuộc đời ngắn hơn, tính trung bình, so với cư dân ở các nước phát triển tương đương như Nhật Bản.

Như Deaton đã nói, bất bình đẳng không phải lúc nào cũng là điều xấu. Đôi khi, nó là một hệ quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế, chẳng hạn như trong quá trình công nghiệp hóa. Khi khác, sự bất bình đẳng thúc đẩy sự tiến bộ. (Deaton dẫn ví dụ rằng "trẻ em Ấn Độ hiểu việc học đem lại những gì và cố gắng đi học.") Nhưng khi sự bất bình đẳng trở nên quá gay gắt, và quá rõ ràng, nó có thể đe dọa sự ủng hộ đối với hệ thống doanh nghiệp tư nhân, dòng nước đã nâng một vài, nếu không nói là tất cả, các con thuyền. Ở một vài nơi tại Ấn Độ, điều này dường như đã xảy ra rồi. Ở Trung Hoa, đó là một nỗi sợ hãi lớn của chính phủ. Ngay cả ở Mỹ cũng đã có những lời xì xào bất mãn.

Deaton vẫn là một người lạc quan, một phần là nhờ trải nghiệm riêng của chính ông: cha ông lớn lên trong một thị trấn khai thác mỏ ở phía nam Yorkshire và Deaton dành được học bổng để học tại Cambridge. Con gái Deaton là một nhà hoạch định tài chính; con trai của ông là một đối tác trong một quỹ phòng hộ. Các cháu của ông được sống trong "một thế giới của sự thịnh vượng và nhiều cơ hội, điều nghe có vẻ như một câu chuyện cổ tích ở vùng than Yorkshire."

Với tỷ lệ biết đọc biết viết tăng và sự tham gia xã hội ngày càng cao, Deaton khẳng định, hệ thống kinh tế giúp tạo nên sự thay đổi này cho gia đình ông có thể làm điều tương tự cho phụ nữ ở nông thôn Ấn Độ và những cư dân bộ lạc ở châu Phi vùng hạ Sahara. "Ta không trông mong những điều này xảy ra ở mọi nơi, hoặc xảy ra liên tục không ngừng," ông viết. "Những điều xấu xảy ra, và sẽ có những cuộc đào thoát mới, giống như trước đó, sẽ lại tạo ra những bất bình đẳng mới. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta sẽ vượt qua những trở ngại đó trong tương lai, như chúng ta đã từng trong quá khứ."

Minh Thu
New Yorker


Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc