Yakuza Nhật Bản: Những cuộc ly khai

Nothing to hide. Photo courtesy elmimmo.

Một “cuộc chia tay” kỳ lạ của những băng nhóm tội phạm.

Giữa giới giang hồ quận Kabukicho với một rừng các quán bar thoát y, những hộp đêm và những nhà chứa san sát trên con phố trung tâm của khu phố đèn đỏ tại Tokyo, người quản lý ca đêm của quán Parisienne Café đang lo lắng vì yakuza. Nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất Nhật Bản, Yamaguchi-gumi, với 23.400 thành viên, vừa có lục đục vào tháng trước. Ngày 05 tháng 9, hàng chục nhóm nhỏ trong tổ chức này đã liên kết để lập một tổ chức mới, đối địch với phần còn lại. Một cuộc đấu súng giữa một yakuza với những tên xã hội đen người Trung Quốc ở Parisienne đã từng làm chết một tên và làm bị thương một vài tên khác. Quản lý của quán cà phê này lo rằng cuộc chiến giữa các băng nhóm này lại sắp có nguy cơ nổ ra.

Cảnh sát đang sẵn sàng đối phó với bạo lực trên khắp Nhật Bản với lực lượng tập trung nhiều nhất ở Kabukicho và Ginza, khu mua sắm nổi tiếng nhất của thủ đô, cũng như ở các thành phố Kobe, Osaka và Nagoya, nơi là thành trì của các băng nhóm yakuza lớn. Trong cuộc ly khai cuối cùng của yakuza vào năm 1984, hàng chục thành viên băng đảng đã chết trong những trận chiến giành địa bàn, một cảnh hoang tàn đẫm máu, nếu xét đến những tiêu chuẩn siêu an toàn của đất nước này. Trong vài năm qua, những vụ oanh tạc, đe dọa giết người và tàn sát lẫn nhau của các băng nhóm ở Kyushu, điểm cực nam của bốn hòn đảo chính, đã bào mòn lòng khoan dung của công chúng.

Dù như vậy, phần lớn yakuza vẫn hợp pháp. Trở thành thành viên thôi thì không có vấn đề gì. Các yakuza vẫn tới các cơ quan nhà nước, chìa danh thiếp và nhận lương hưu như mọi người. Tổ chức Yamaguchi-gumi gần đây còn lập một tờ báo nội bộ với các bài viết về trò chơi nhập vai và câu cá. Ông chủ của nó, Shinobu Tsukasa, miêu tả tổ chức của mình như một nơi trú ẩn cho những người yếu đuối và bị thiệt thòi; nó giúp duy trì trật tự tại tầng đáy xã hội.

Sự ly khai này có một phần liên quan tới vấn đề kinh tế. Hai thập niên giảm phát của nền kinh tế Nhật Bản đã khiến việc moi tiền từ các doanh nghiệp khó khăn hơn, nhưng Yamaguchi-gumi vẫn giữ lệ phí thành viên của nó ở mức cao (tổ chức mới tách ra đã hứa sẽ giảm thấp hơn). Lời ra tiếng vào về sự lãnh đạo của ông Tsukasa cũng là một yếu tố. Các phe phái khác từ lâu đã phẫn nộ với vị trí thống trị của Kodo-kai, nhóm yakuza liều lĩnh và cứng đầu nhất do ông ta đứng đầu, đang cố gắng mở rộng địa bàn tại Nagoya và tiến vào thủ đô Tokyo phồn hoa cũng như phần còn lại của vùng Kanto miền Đông Nhật Bản. Yakuza ở các thành phố cảng Kobe và Osaka bị bỏ lại phía sau với phần lợi nhuận ngày càng mỏng khi ngành công nghiệp sa sút.

Kodo-kai cũng gây sự với cảnh sát. Thay vì hợp tác, như các phe phái khác làm, nhóm này lại uy hiếp họ. Nhóm này còn có nhiều thành viên là người Hàn Quốc. Theo Jake Adelstein, một người Mỹ chuyên nghiên cứu về yakuza, điều này khiến việc hợp tác với cảnh sát có tư tưởng bài ngoại khó khăn hơn. Cảnh sát thậm chí có vẻ đang giúp đỡ nhóm ly khai tự xưng là Kobe Yamaguchi-gumi.

Nhiều người Nhật hy vọng rằng ly khai là một dấu hiệu cho thấy quyền lực và ảnh hưởng của các yakuza đang suy yếu bởi chúng gây ra những trở ngại về tài chính, và chính Mỹ cũng đã chỉ trích thái độ nửa vời của chính phủ Nhật đối với tình trạng này. Một đạo luật quốc gia về chống tội phạm thông qua vào năm 1992 không đạt được nhiều thành quả cho đến gần đây, khi đã được thắt chặt. Và từ năm 2009 chính quyền địa phương đã ban hành pháp lệnh đối với riêng các tổ chức tội phạm, quy định rằng các doanh nghiệp trả tiền cho yakuza hay làm ăn với họ đều là bất hợp pháp. Những sắc lệnh này đang phát huy hiệu lực.

Tuy nhiên, dấu hiệu thể hiện sức mạnh của yakuza trong nền kinh tế, gần đây, càng thấy rõ. Olympic Tokyo vào năm 2020, với các dự án xây dựng và những du khách ham hố hội hè là một hũ mật ong đầy hấp dẫn. Tại Quốc hội, người ta đã đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa ông Tsukasa và vị Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic. Tháng 10 năm 2013, cơ quan giám sát tài chính đã phát hiện một phần trong hệ thống ngân hàng khổng lồ Mizuho đã cho các yakuza vay rất hào phóng. Yakuza từ lâu đã tham gia vào việc tìm kiếm lao động giá rẻ cho các nhà máy điện hạt nhân, bao gồm cả công việc làm sạch tại nhà máy Fukushima Dai-ichi, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân năm 2011.

Nhưng kỳ lạ thay, giới yakuza lại xem mình là nạn nhân. Họ phàn nàn vì kỳ thị xã hội ngày càng lớn đối với các thành viên và than vãn vì con mình bị bắt nạt tại trường học. Có lẽ để giành lấy sự ủng hộ, họ thậm chí còn cố gắng tận dụng sự bất mãn của người dân đối với Thủ tướng Shinzo Abe. Trang web của Yamaguchi-gumi đăng tin rằng dưới thời ông Abe, một người cánh hữu có ý định xét lại tính quân phiệt của Nhật Bản, đất nước có nguy cơ quay trở lại tư duy từ trước Thế chiến II. Đây là đường lối mới của một lực lượng từng giúp Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe đàn áp các công đoàn và những người biểu tình của phe cánh tả trong những năm 1950 và 1960.

Khi đó, LDP đã từng công khai nhận tiền từ các trùm yakuza. Theo Kenji Ino, một tác giả chuyên viết sách về giới tội phạm, các mối quan hệ không còn công khai nữa nhưng vẫn còn những mối liên kết phía sau. Ông nói, nhiều chính trị gia vẫn tham dự các bữa tiệc tối mỗi tháng với ông trùm yakuza trong các nhà hàng ryotei cao cấp và kín đáo. Trong tình hình hiện nay, không rõ liệu các nghi lễ truyền thống này có bị gián đoạn một thời gian hay không.

Minh Thu
The Economist


Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc