Năng lượng hạt nhân ở Nhật Bản: Tắt rồi lại bật

Cerimônia do Dia da Luta pelo Desarmamento Nuclear. Photo courtesy Associação Japonesa de Santos.

Chỉ một nhà máy cũng cho thấy triển vọng ảm đạm của các lò phản ứng hạt nhân đang bỏ không trên đất nước này.

Nhà máy hạt nhân lớn nhất thế giới Kashiwazaki-Kariwa là một trung tâm sôi động. Hằng ngày, 6619 nhân viên của nhà máy quẹt thẻ chấm công đều đặn và đầy trách nhiệm. Năm ngoái, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) -- chủ sở hữu của nhà máy -- đã dành 606 tỷ yên (tương đương 5,8 tỷ USD) để duy trì nhà máy hạt nhân này và các nhà máy khác cùng thuộc quyền sở hữu. Tuy nhiên, Kashiwazaki-Kariwa đã không tạo ra một watt điện nào kể từ năm 2011, khi nó bị đóng cửa cùng với phần lớn các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản sau sự cố Fukushima Dai-Ichi.

TEPCO đã đề nghị Cơ quan Quản lý Năng lượng hạt nhân Nhật Bản (NRA) cho khởi động lại hai trong bảy lò phản ứng của nhà máy. Nhưng ngay cả khi các nhà quản lý chấp thuận, những vấn đề chính trị có thể cản trở điều này. Ngày 16 tháng 10, cử tri tại Niigata, một quận trong tỉnh có nhà máy Kashiwazaki-Kariwa, sẽ bầu một thống đốc mới. Hai ứng cử viên hàng đầu đã không công khai phản đối việc khởi động lại nhà máy như thống đốc sắp hết nhiệm kỳ Hirohiko Izumida, nhưng dư luận phản đối rất mạnh mẽ.

Trước khi xảy ra thảm họa, Nhật Bản có 54 lò phản ứng đang hoạt động. Sáu lò phản ứng tại Fukushima Dai-Ichi sắp ngừng hoạt động và sẽ bị tháo dỡ. Trong số 48 lò phản ứng còn lại, NRA đã nhận được lời đề nghị khởi động lại 26 lò. Tính đến nay mới chỉ có tám trong số đó được phê duyệt, và chỉ hai lò đang hoạt động. Một phần ba số lò phản ứng được đóng cửa để bảo trì. Các quan chức địa phương -- những người có quyền lên tiếng về quyết định tái khởi động những lò phản ứng trên -- đã phản đối các phán quyết của tòa và các trục trặc kĩ thuật khiến số lò phản ứng còn lại hoạt động khó khăn. Trong khi đó, một thống đốc phản đối chương trình điện hạt nhân đang đâm đơn kiện để buộc một trong hai lò phản ứng đang hoạt động phải đóng cửa một lần nữa.

Trước khi xảy ra thảm họa, các nhà máy điện hạt nhân cung cấp 25% tổng lượng điện Nhật Bản cần. Chính phủ khi đó đã hy vọng nâng con số này lên 50% vào năm 2020. Còn chính phủ hiện nay hy vọng điện hạt nhân sẽ cung cấp 20-22% tổng điện năng vào năm 2030. Nhưng quá trình tái khởi động những nhà máy đã bị đóng cửa diễn ra rất chậm chạp khiến người ta hoài nghi về mục tiêu trên. Các nhà máy điện hạt nhân hiện đang cung cấp chưa đến 1% lượng điện của Nhật Bản; chẳng ai tin con số này sẽ vượt mức 10% vào năm 2030. Theo Robert Feldman của ngân hàng Morgan Stanley, "Điện hạt nhân sẽ chỉ trở lại trên quy mô nhỏ và trong thời gian ngắn".

Những lo ngại về an toàn luôn được đặt lên trên hết là điều dễ hiểu ở một trong những nước chịu nhiều động đất nhất thế giới. Không có trường hợp tử vong có liên quan đến sự cố Fukushima Dai-Ichi (mặc dù nhiều người lo sợ rằng tỷ lệ ung thư sẽ tăng trong tương lai), nhưng ít nhất 150.000 người đã phải di dời ra khỏi khu vực của nhà máy và hiện vẫn đang sống trong các căn nhà tạm. (Hơn 15.000 người đã thiệt mạng do trận động đất và sóng thần đó.)

Các nhà ban hành luật đã được trao thêm đáng kể quyền lực kể từ khi NRA ra đời vào năm 2012. Cơ quan này đã áp dụng một loạt các yêu cầu an toàn mới. TEPCO đã chi 470 tỷ yên (4,6 tỷ USD) chỉ để nâng cấp riêng cho Kashiwazaki-Kariwa. Các nhân viên giới thiệu một loạt những “tấm khiên” bảo vệ nhà máy khỏi sự cố: một bức tường ven biển cao 15 mét để ngăn những cơn sóng thần (nguyên nhân chính của sự cố Fukushima Dai-Ichi), vô số nguồn điện dự phòng, hàng loạt xe chữa cháy và một hồ làm mát khổng lồ. Trong một căn phòng, giáo viên hướng dẫn đang theo dõi cách học viên ứng phó trong một trường hợp khẩn cấp giả định. Rắc rối hôm nay liên quan đến tua-bin.

Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn. Các áp phích tại Kashiwazaki-Kariwa khuyến khích công nhân nên có "thái độ hoài nghi" — một phần trong nỗ lực để thay đổi nền văn hóa răm rắp tuân lệnh cấp trên. Theo Dale Klein, cựu giám đốc cơ quan giám sát hạt nhân của Mỹ, hiện là chủ tịch ủy ban an toàn của TEPCO, cho rằng: điều này cần thời gian lâu dài. Ông Izumida cho rằng kế hoạch sơ tán cho người dân sống gần nhà máy là không hợp lý. "Không hiểu làm cách nào để chúng tôi có đủ 10.000 xe buýt cho việc di dời 440.000 người dân sống ở các vùng lân cận của Kashiwazaki-Kariwa," ông nói. Trách nhiệm trong trường hợp khẩn cấp không được phân chia rõ ràng giữa các cơ quan công vụ, chính quyền trung ương và thành phố càng làm vấn đề khó giải quyết.

Các nhóm phản đối chương trình điện hạt nhân cho rằng những lo ngại về vấn đề tài chính của các cơ quan công vụ Nhật Bản đang ảnh hưởng quá nhiều đến các quyết định của chính phủ về năng lượng hạt nhân. Họ cho rằng Nhật Bản có thể làm tốt mà không cần điện hạt nhân bằng cách tăng cường vai trò của năng lượng tái tạo. Nhu cầu năng lượng chỉ tăng ở mức khiêm tốn, vì dân số đang suy giảm và Nhật Bản ngày càng sử dụng năng lượng tiết kiệm kể từ sau thảm họa. Một tổ chức phi chính phủ về tiết kiệm năng lượng của Mỹ đã xếp Nhật Bản là nước tiết kiệm thứ hai thế giới, sau Đức.

Theo June Arima của Đại học Tokyo, việc thiếu điện hạt nhân khiến Nhật Bản phụ thuộc nặng nề vào năng lượng nhập khẩu. Trước khi xảy ra thảm họa, lượng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu chiếm 64% điện năng được sản xuất trên toàn Nhật Bản; giờ đây con số đó đã tăng đến 82%, một trong những mức cao nhất trong các nước giàu. Ổn định nguồn nhập khẩu đòi hỏi quan hệ tốt với khu vực Trung Đông đầy bất ổn. Chi phí nhập khẩu khí đốt tự nhiên, nguồn thay thế chính cho phần năng lượng hạt nhân bị mất, đã khiến giá điện tăng vọt. Dân chúng phản đối và cán cân thương mại thâm hụt.

Không sản xuất điện hạt nhân nữa cũng tạo ra những hậu quả về môi trường. Các nhà máy điện chạy bằng khí thiên nhiên (và, tệ hơn, các nhà máy đốt than cũ đã được tái khởi động để bù đắp phần điện hạt nhân bị thiếu) đang phát thải khí nhà kính nhiều hơn. Than chiếm tới 31% tổng cơ cấu năng lượng của đất nước, so với 25% trong năm 2010; cộng với dầu và khí đốt tự nhiên, và tổng số phần trăm của nhiên liệu hóa thạch đã tăng từ 61% năm 2010 lên 85% như hiện nay. Tất cả điều này khiến Nhật Bản khó thực hiện được cam kết cắt giảm 26% lượng khí thải CO2 vào năm 2030.

Hơn nữa, ngay cả khi Nhật Bản cố gắng tái khởi động thêm một vài lò phản ứng, rất nhiều trong số đó là lò phản ứng đã cũ. Nếu việc tái khởi động các lò phản ứng sẵn có đã bị phản đối, thì việc xây mới chắc chắn sẽ gây sốc cho nhiều cử tri. Và sau đó là câu hỏi về những gì sẽ làm với Monju, một lò phản ứng hạt nhân tái sinh nhanh (nhiên liệu tạo ra nhiều hơn nhiên liệu tiêu thụ) có giá 10 tỷ USD đã được xây dựng nhưng mới chỉ hoạt động trong một giờ kể từ khi đi vào hoạt động năm 1995 do hàng loạt các sự cố. Ngay cả khi chính phủ dừng hoạt động của lò phản ứng này thì cũng sẽ không có nhà máy điện hạt nhân để tiêu thụ lượng điện mà nó đã sản xuất được.


Minh Thu
The Economist



Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc