Những linh hồn Thế chiến II của Đông Á

Omura Masujiro Statue. Photo courtesy Hikosaemon.


Quá khứ không bình yên:
Bảy thập kỷ đã trôi qua kể từ thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II nhưng những ký ức về cuộc chiến vẫn còn chia rẽ Đông Á.

Ở Tokyo vào một tối tháng bảy, không có nơi nào dễ chịu hơn ngôi đền Yasukuni. Ve sầu râm ran trong tán những cây ngân hạnh trồng dọc hai bên đường dẫn tới cổng chính (shinmon gate) của ngôi đền, vươn lên khỏi những cành xanh thẫm của đám cây bách. Hoa cúc được đặt thành từng lớp trong sảnh thờ, rung rinh diễm lệ; lồng đèn xếp dọc lối đi, và đám đông trong bộ lễ phục mùa hè đang phơi phới tinh thần lễ hội. Mọi người hào hứng tụng niệm khi diễu hành qua các vị thần đang ngự trong những chiếc kiệu quanh đó.

Đợt lễ mùa hè của đền Yasukuni linh đình nhất vào ngày 15 tháng 8, ngày kỷ niệm thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II. Ngày trọng đại tới gần, con đường dẫn vào đền mở rộng thành một hội chợ sôi động với những quầy hàng và các điểm vui chơi ăn uống. Nhưng không phải ai cũng vui vẻ. Biết bao người buồn rầu: một vài trong số ít những cựu binh còn sống sót, cùng gia đình họ, thương nhớ những người bạn đã ngã xuống; những thành viên yakuza với cái cằm nhọn hoắt và bộ đồ chật chội; những kẻ ảo tưởng mình là kamikaze, bước đi hùng dũng trong bộ đồ bay hoặc cầm theo gươm của lính cảm tử; những người biểu tình, nhiều người đã trung niên và già hơn, cùng đám cảnh sát để giữ họ trật tự.

Và cả những bóng ma. Nếu không có họ Yasukuni sẽ không có nghĩa lý gì. Ngôi đền này thờ linh hồn của những người đã chết để bảo vệ Thiên hoàng; họ được tôn kính là kami, có thể dịch thoáng dù không hoàn toàn chính xác là "những linh hồn thiêng liêng". Được nhập đạo năm 1869, một năm sau khi cuộc Minh Trị Duy Tân bắt đầu quá trình hiện đại hóa Nhật Bản, sự kết hợp ấn tượng giữa nghi lễ long trọng và các trò vui chơi giải trí, mà đối với người từ các nền văn hóa khác có thể là một bất ngờ, đã được trình diễn ngay từ lúc mở màn - những nghi thức đầu tiên thể hiện lòng sùng bái với sự giúp sức của những màn pháo hoa, bắn pháo đại bác và đấu vật sumo.

Các kami đầu tiên được thờ ở đây là những người đã chiến đấu vì triều đình trong cuộc nội chiến vào thời Minh Trị Duy Tân. Số người bầu bạn với họ, cùng quy mô của lễ hội, tăng dần với những lần chiếm đóng Đài Loan (1895), Hàn Quốc (1910), Mãn Châu (1931), vùng ven biển phía đông của Trung Quốc (1937) và Đông Nam Á (1941). Hiện có tới 2.466.532 binh lính đã hy sinh bảo vệ triều đình được ghi trong danh sách tử sĩ tại Yasukuni. Tựu chung lại, họ được xem như một lá chắn thiêng cho Thiên hoàng.

Theo những nguyên tắc của ngôi đền, tất cả các linh hồn đều bình đẳng. Nhưng đối với thế giới thì không phải như vậy. Không ai phản đối một quốc gia tôn vinh các tử sĩ, ngay cả khi lý tưởng vì đó họ hy sinh là một điều xấu. Nhưng trong năm 1978, các đạo sĩ của đền Yasukuni đã bí mật đưa vào thờ thêm 14 nhà lãnh đạo chính trị và quân sự, bao gồm tướng Hideki Tojo, thủ tướng trong thời chiến, đã bị Tòa án Tội ác chiến tranh Tokyo kết tội âm mưu hoặc có ý định xâm lược quân sự vào những năm 1930 và 1940. Tất cả 14 người này hoặc đã bị Mỹ, ông trùm mới của Nhật Bản, xử tử hoặc đã chết trong tù. Đối với nhiều người -- kể cả người Nhật Bản -- vinh danh những con người như vậy là không thể chấp nhận được. Thiên hoàng Hirohito -- người mà vì ông hàng triệu người đã chết -- không còn đến viếng Yasukuni; Thiên hoàng hiện tại, Akihito, cũng ủng hộ việc tẩy chay ngôi đền. Tuy nhiên, những chuyến thăm của các chính trị gia bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc, trong đó có Thủ tướng Shinzo Abe, lại tăng lên, khiến dấy lên những lời chỉ trích từ khắp nơi trên thế giới và châm ngòi cho cơn phẫn nộ ở Trung Quốc và Hàn Quốc.

Có những linh hồn khác cũng đáng chú ý, không tai tiếng bằng nhưng đắng cay hơn nhiều. Một trong số đó là của Lee Sa-hyon, người ở thành phố ngày nay là Seoul nhưng giai đoạn 1910-1945 là Keijo, thủ đô của nước Hàn bị Nhật Bản chiếm đóng. Đến những năm 1930 khi Lee Sa-hyon trưởng thành, hầu hết các bức tường và cung điện hoàng gia tại thành phố này đều đã bị san bằng; phần được để lại chỉ đủ để làm cho những nhóm khách du lịch từ Nhật Bản nghĩ rằng họ đang tiếp thu được một thứ gì đó mới lạ (các nhà thổ Hàn Quốc cũng trên tuyến du lịch này). Mái vòm khổng lồ của cung điện cho ngài tổng đốc nổi bật nhất trung tâm thành phố. Tòa tháp Imperial Subject Oath, được xây dựng vào năm 1940 để chào mừng lễ kỷ niệm lần thứ 2.600 của gia đình Hoàng gia Nhật Bản (con số hoàn toàn bịa đặt), được viết kín bằng những lời thề trung thành với Thiên hoàng của 1,4 triệu sinh viên Hàn Quốc.

Lee Hee-ja, con gái của Lee Sa-hyon, được sinh ra vào năm 1943, khi tương lai của đế quốc Nhật Bản đang đến hồi suy tàn. Người Mỹ khi đó đang chiến đấu, giành từng đảo thuộc địa ở Thái Bình Dương của nước này. Cuộc chiến với Trung Quốc bắt đầu vào năm 1937, mà người Nhật Bản nghĩ sẽ sớm giải quyết xong, đã biến thành một cuộc chiến trường kỳ trên một quy mô đậm chất sử thi nhờ vào sức kháng cự của vị tổng tư lệnh khổ hạnh theo Kitô giáo, Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng của ông (KMT). Cuộc chiến tranh quét sạch Hàn Quốc và kìm kẹp cả nguồn tài nguyên lẫn con người Mãn Châu về biên giới phía Bắc. Hàng ngàn phụ nữ Hàn Quốc đã bị lừa và bắt cóc vào các nhà thổ quân sự; hàng chục ngàn đàn ông bị buộc phải lao động trong hầm mỏ và trên công trường xây dựng, chủ yếu là ở Nhật Bản. Và từ năm 1944 nhiều người đã bị gọi nhập ngũ. Lee Sa-hyon trở thành một trong những người lính như vậy. Tháng 6 năm 1945, chỉ vài tuần trước khi chiến tranh kết thúc, ông đã chết ở Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.

Con gái của ông giờ đã 72 tuổi. Giống như tất cả những người Đông Á ở tuổi thất thập này, bà đã sống qua một thời đại với những xáo trộn kinh hãi. Giống như Trung Quốc, đất nước của bà Lee bị tàn phá và chia cắt bởi nội chiến; như Nhật Bản và Đài Loan, và sau đó là chính Trung Quốc, đất nước cũng được lột xác nhờ tăng trưởng kinh tế đáng nể. Dân số tăng gấp ba, GDP tăng gấp rưỡi. Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, đất nước này đã trở thành một quốc gia có nền dân chủ. Cuối đời nhìn lại những biến cố dữ dội như vậy, người ta có lẽ nghĩ cuộc chiến đã lùi xa, và quả đúng như vậy đối với hầu hết các nơi ở Mỹ và châu Âu. Nhưng theo cách vĩ đại hay tầm thường, trong câu chuyện cuộc đời của một cá nhân hay trong mối quan hệ giữa các quốc gia, cuộc chiến đã kết thúc 70 năm trước vẫn còn định hình thế giới quan của người Đông Á, chi phối nền chính trị — và những bóng ma ám ảnh nó.

Các vùng chiếm đóng
Năm 1959, linh hồn Lee Sa-hyon được lặng lẽ đưa vào thờ tại Yasukuni; đã chết vì chiến đấu cho Thiên hoàng, ông trở thành một trong những người bảo vệ linh thiêng của ngài. Khi con gái ông biết chuyện, vào năm 1996, bà đã quyết tâm đưa linh hồn cha ra khỏi đền thờ. "Tôi không phải là một nhà hoạt động hay một học giả," bà nói, "chỉ là con gái của một người cha mà tôi chưa bao giờ gặp. Vì vậy, tôi cảm thấy mình có bổn phận với ông: đưa ông rời khỏi Yasukuni." Nơi yên nghỉ của ông, bà kiên trì, nên ở Cheonan, phía nam Seoul, nơi có đài tưởng niệm Phong trào 01 tháng 3: hàng triệu người Hàn Quốc đã xuống đường vào năm 1919 để phản đối sự chiếm đóng Nhật Bản. Hàng ngàn người đã ngã xuống; và số người bỏ mạng trong nhà tù khét tiếng Seodaemun ở Keijo còn nhiều hơn thế.

Đưa một linh hồn rời Nhật Bản rõ ràng là không dễ như vậy. Các đạo sĩ của đền Yasukuni lịch sự nhưng cứng rắn. Khi một linh hồn đã trở thành kami, sẽ không có cách nào đảo ngược, bất kể hoàn cảnh nào. Bà Lee cầu cứu chính phủ. Các quan chức nói với bà rằng việc thờ phụng Lee Sa-hyon như vậy là bằng chứng cho thấy tất cả binh lính của Thiên hoàng đã được đối xử công bằng. Dù vậy, bà Lee cho rằng chính phủ không bao giờ thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để tìm kiếm hài cốt của ông, như đối với những người lính Nhật.

Cùng với những người khác mong muốn đưa người thân ra khỏi Yasukuni -- bao gồm cả một số người Nhật -- bà Lee đã tìm đến Toà án. Họ cũng không có tin vui cho bà. Trong trường hợp mới nhất, một trong những cái tên được đề nghị loại bỏ là tên của một nguyên đơn đã cao tuổi, các báo cáo về cái chết của người này rõ ràng là bịa đặt. Nhưng dù vậy, kể cả vẫn còn sống thì bạn cũng không thể rút khỏi danh sách tử sĩ đã được phong thần. Thậm chí việc đề xuất yêu cầu cũng là một hành động thô lỗ. Một phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao Tokyo cho rằng các nguyên đơn này nên "thể hiện lòng khoan hòa với tự do tôn giáo của người khác".

Tại sao, bà Lee hỏi, các cơ quan của Nhật Bản không hiểu được nỗi tủi nhục của những gia đình như gia đình bà, một việc rất dễ dàng để sửa sai? Thủ tướng Nhật Bản đã xin lỗi về quá khứ hiếu chiến của đất nước; chính phủ Nhật Bản cũng đã thừa nhận trách nhiệm của mình trong vấn đề nô lệ tình dục. Và người Nhật hiểu mất người thân là như thế nào. Ông Abe đã tạo được danh tiếng chính trị khi, hơn một thập kỷ trước, lên án Triều Tiên vì đã bắt cóc công dân Nhật trong những năm 1970 và 1980 để làm phiên dịch và gián điệp cho một chế độ tàn bạo như vậy. Mỗi ngày ông Abe đều đeo một dải ruy băng màu xanh trong ve áo của mình như một lời tưởng niệm đến họ. Bà Lee nói, ông không thấy rằng cha bà cũng bị bắt cóc sao?

Nhưng không có cái tên nào được ra khỏi đền Yasukuni.

Phú quốc cường binh
Cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân đã khởi xướng một cuộc cách mạng công nghiệp và hiện đại hóa mà thế giới chưa từng thấy ở bất kỳ đâu. Thậm chí cuộc cải cách của Trung Quốc kể từ năm 1978 cũng không thể sánh được với nó. Trong vòng chưa đầy hai thế hệ, chế độ Mạc phủ phong kiến cô lập đã trở thành một cường quốc hiện đại không chỉ về kinh tế, mà còn về quân sự. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản không bao giờ quên sự sỉ nhục khi những chiến hạm Mỹ dùng vũ lực tiến vào vùng đất mà Herman Melville gọi là "đất bắt vít hai đầu". Fukoku Kyohei, từ đó trở thành lời hiệu triệu mạnh mẽ: "Phú quốc cường binh" (Fukoku kyohei).

Trong 70 năm kể từ năm 1945, Nhật Bản không hề bắn đi dù chỉ một viên đạn. Trong 70 năm trước đó, mọi phát minh đều tập trung cho cuộc chiến. Công cuộc bành trướng bắt đầu vào năm 1874, khi nước này khởi động cuộc chinh phạt đầu tiên tới Formosa (nay là Đài Loan). Năm 1879 tới lượt vương quốc Ryukyu thanh bình — Okinawa ngày nay. Cuộc chiến tranh với triều đại nhà Thanh trong giai đoạn 1894-1895 chủ yếu diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, đã kết thúc với thất bại nhục nhã cho Trung Quốc; sự thống trị Đông Á kéo dài hàng trăm năm đã đổi chủ. Năm 1905, trong chiến thắng hải quân vang dội nhất kể từ trận của Nelson tại Trafalgar 100 năm trước, Nhật Bản đã đẩy lui gần như toàn bộ hạm đội của Nga tới tận eo biển Tsushima giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, tạo đà cho việc chắc chắn thôn tính Hàn Quốc sau đó.

Dù chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản sau đó đã bị lên án, sự ngưỡng mộ dành cho công cuộc hiện đại hóa của quân đội Nhật Bản trong những thập kỷ đầu vẫn đáng để hồi tưởng. Nó khoác cho những cuộc viễn chinh của đế quốc Nhật tấm áo của sự công bình, thượng tôn luật pháp và mạnh mẽ tàn bạo — như những gì các đế quốc phương Tây đã làm. Quá ấn tượng, những cường quốc phương Tây khó có thể từ chối vị trí đầu bàn cho người học sinh ưu tú của mình, dù thành viên mới của câu lạc bộ này đã nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu phân biệt chủng tộc.

Những người châu Á theo chủ nghĩa dân tộc cũng ngưỡng mộ nước Nhật mới này — trong đó có Tôn Dật Tiên, người sáng lập tương lai của nước Trung Hoa Dân Quốc cộng hòa. Các thành phần tự do và trí thức lũ lượt kéo đến Tokyo để học hỏi từ một cường quốc châu Á cách nuôi dưỡng lòng tự hào và tạo ra sự thịnh vượng ngay ở quê nhà trong khi sánh vai ngang hàng với phương Tây. Sự ngưỡng mộ thậm chí còn lan tới cả Yasukuni, biến nó thành biểu tượng của lòng trung thành, sự hy sinh và tinh thần yêu nước. Đầu những năm 1890, Vương Thao, một nhà cải cách và trí thức Trung Quốc, đã đồng tình khi viết rằng "ý định đằng sau việc chính phủ Nhật tôn vinh tử sĩ rất dễ hiểu: sự nhiệt tình của quần chúng sẽ phát triển mạnh, và lòng trung thành của họ sẽ không bao giờ suy giảm." Thất bại của triều đình Trung Quốc dưới tay Nhật Bản diễn ra ngay sau đó.

Cũng giống như chủ nghĩa đế quốc ở các cường quốc châu Âu mà Nhật Bản học theo, chủ nghĩa thực dân của Nhật Bản đã bắt rễ từ bạo lực, và thường là, phân biệt chủng tộc. Nhưng đến những năm 1930, Nhật Bản trở nên hỗn loạn khác thường — kết quả không phải của mục tiêu phải trở nên vĩ đại hơn mà là hậu quả của chủ nghĩa phiêu lưu thiếu kiểm soát. Oligarch (đầu sỏ chính trị) cuối cùng nắm quyền sau cuộc Minh Trị Duy Tân, và không có mấy ảnh hưởng với quân đội, đành lê bước khỏi vũ đài. Năm 1931, một nhóm các sĩ quan báo cáo với chính phủ sau khi họ chiếm đóng Mãn Châu, biến đây thành sự đã rồi. Sau khi Hội Quốc Liên lên án hành động này, Nhật Bản đã rút ra khỏi tổ chức này và tham gia một hiệp ước với Đức quốc xã nhân danh tinh thần chống cộng. Năm 1937, một cuộc xung đột bất ngờ giữa quân đội Trung Quốc và Nhật Bản tại cầu Polo Marco ngoài thành Bắc Kinh đã châm ngòi cho một "cuộc chiến tranh hủy diệt", như Thủ tướng Nhật Bản, Fumimaro Konoe gọi, suốt dọc chiều dài của bờ biển phía đông Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu sử học Nhật Bản John Dower tại Viện Công nghệ Massachuset MIT, nhấn mạnh rằng xã hội hiện đại không phát động chiến tranh dưới danh nghĩa hành động tấn công, và Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Cuộc xâm lược được tô vẽ là một hành động bảo vệ quyền lợi hợp pháp hoặc một cuộc thập tự chinh chống cộng đầy nhân văn. Những chỉ trích từ các cường quốc thực dân phương Tây bị coi là quá đạo đức giả: Nhật Bản là người giải phóng và lãnh tụ không cần bàn cãi của các quốc gia châu Á đang đau khổ dưới chế độ thực dân phương Tây. Pan-Asianism (Liên Á hay Á Châu đồng chủng) là nền tảng triết lý, và đôi khi là nền tảng tinh thần cho chủ nghĩa bành trướng của Nhật Bản. Đối với Nhật Bản, như Dower đã nói, những năm tháng chiến đấu để chinh phục những điều có thể phát triển thành "một khối Đông Á vĩ đại, đoàn kết, thịnh vượng" là một thời kỳ "chiến tranh tươi đẹp và hiện đại".

Nhiều người Nhật bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc vẫn khẳng định vẻ đẹp của thời kỳ đó. Ông Abe cho rằng việc Nhật Bản theo đuổi lý tưởng “Phú quốc cường binh” dù trong quá khứ hay ở hiện tại đều là điều đúng đắn, và việc hồi sinh lý tưởng đó là chìa khóa để đưa Nhật Bản trở thành quốc gia "bình thường" một lần nữa. Đó là những gì ông Abe lựa chọn để nói về thời "hậu chiến" - một ngoại lệ lịch sử đáng xấu hổ, với việc núp bóng Mỹ và một hiến pháp chặt đứt đôi cánh muốn vươn xa của Nhật Bản.

Chấp nhận tình thế như vậy không phải là để phủ nhận rằng Nhật Bản đã làm sai. Sử gia nghiên cứu Đông Á John Delury của Đại học Yonsei ở Seoul, cho rằng, thay vào đó, ta có thể thấy rằng trong chiến tranh, đế quốc Nhật Bản không khác gì các nước khác. Và các nước khác thì đều sai lầm khủng khiếp. Hãy xem những hậu quả dai dẳng từ vụ đánh bom ở Tokyo, khiến 100.000 người chết; rồi vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Theo quan điểm này, lịch sử không áp đặt nghĩa vụ phải hối hận hay xin lỗi lên Nhật Bản: "Quả thực, không cảm thấy có nghĩa vụ phải thể hiện sự hối hận... là một minh chứng cho sự trở lại một quốc gia “bình thường” dù muộn màng của Nhật Bản".

Trở lại Yasukuni, ngôi đền chìm ngập trong những lời nói dối đẹp đẽ. Chỉ cần một chuyến viếng thăm viện bảo tàng trực thuộc của ngôi đền, Yushukan, bạn sẽ thấy chủ nghĩa quân phiệt, thứ đã khiến Nhật Bản quỳ gối vì thất bại, vẫn được tôn vinh. Động cơ nghiệt ngã của cái chết vẫn có chỗ để tự hào, trong đó là ngư lôi Kaiten ("Quay trở lại thiên đường"), dài 15 mét, màu đen mờ với một chỗ ngồi nhỏ xíu bên trong và một kính viễn vọng nhỏ vẫn còn hoạt động được, cả cỗ máy như một chiếc áo vest tự sát biết chìm. Sự thảm khốc của cuộc tàn sát tại Nam Kinh (1937) và Manila (1945), nơi quân đội Nhật đã giết hại hàng chục thậm chí hàng trăm ngàn thường dân và các tù nhân chiến tranh trong một cơn điên cuồng đẫm máu và bệnh hoạn, đã bị nói nhẹ đi hoặc phủ nhận hoàn toàn. Lúc nào cũng vậy, mục đích chiến tranh được tô vẽ cao quý và thuần khiết: Nhật Bản là một bức tường thành ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc phương Tây, chủ nghĩa cộng sản hay các tình trạng hỗn loạn của các lãnh chúa Trung Quốc.

Trường Sinh Linh Giá của lịch sử
Khi tỏ lòng tôn kính tại đền Yasukuni vào cuối năm 2013, ông Abe hoàn thành lời hứa khi tranh cử và tạo ra một cơn sóng gió ngoại giao. Trên thế giới, các nhà ngoại giao của Trung Quốc mất tới hàng trang dài bình luận với mục tiêu khơi dậy tinh thần chống Nhật. Trên tờ Daily Telegraph của Anh, đại sứ Trung Quốc tại London, Lưu Hiểu Minh, gọi Yasukuni một "kiểu Trường Sinh Linh Giá, đại diện cho những phần tăm tối nhất trong tâm hồn [của Nhật Bản]". Ông mong độc giả của mình biết rằng, trong thế giới của Harry Potter, một Trường Sinh Linh Giá, thứ chứa đựng một phần của một linh hồn đã bị chia năm sẻ bảy với hy vọng bất tử, chỉ có thể được tạo ra bằng cách giết người. Ông hy vọng họ sẽ suy ra rằng ông Abe là một Voldemort mới.

Một hình ảnh ẩn dụ rất thông minh, mà cũng kém thành thật. Đảng Cộng sản Trung Quốc có một Trường Sinh Linh Giá của riêng mình mà cách đây không lâu vẫn ôm hy vọng về sự bất tử — thi hài của Mao Trạch Đông. Sự cầm quyền tàn bạo thể hiện rõ qua những cuộc thanh trừng và nạn đói đã giết chết hàng triệu người. Tuy nhiên, kể từ khi ông qua đời vào năm 1976, hài cốt của ông được bảo vệ dưới một lăng mộ lớn và xấu xí ở Quảng trường Thiên An Môn, trung tâm biểu tượng của quyền lực Trung Quốc, thi hài được ướp và phân hủy rất chậm.

Mao là điều kiện cần cho tính chính danh của nhà cầm quyền Trung Quốc, nhưng không còn là điều kiện đủ. Giờ đây người ta đã nhận thức đầy đủ về tính bạo lực và khả năng quản lý tệ hại của ông; ngay cả Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã phải thú nhận rằng thời ông trị vì chỉ có "70% tốt". Và khi sức mạnh kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc lớn mạnh, vấn đề uy tín của nhà cầm quyền được quan tâm đặc biệt theo những cách mà Mao không bao giờ thực sự quan tâm đến, và di sản của ông cũng không thể làm gì để thúc đẩy nó. Vì vậy, chủ nghĩa dân tộc được hồi sinh, kết hợp với phát triển kinh tế và sức mạnh quân sự để tạo nên một phần của "Trung Hoa mộng" — thứ chủ nghĩa dân tộc với mọi định nghĩa đối lập với chiến tranh xâm lược của Nhật Bản. Chủ tịch Tập Cận Bình thấy rõ kí ức về cuộc chiến đó như một công cụ định hình bản sắc Trung Quốc.

Và các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng những ký ức về vai trò của nước này trong cuộc chiến cũng nên được nhìn nhận ở nước ngoài. Tuyên bố của Mỹ về sự hiện diện trên Thái Bình Dương dựa trên việc nước này đã đánh bại Nhật Bản. Tuyên bố của Trung Quốc về vị trí lãnh đạo khu vực cũng dựa trên vai trò của nước này trong chính thất bại đó — một vai trò mà, suy cho cùng, cũng được đền đáp bằng một ghế thành viên thường trực dành cho người chiến thắng trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong bài bình luận về Trường Sinh Linh Giá của ông Lưu, những binh lính Trung Quốc đã kề vai sát cánh với quân Đồng minh. Tháng trước, ông đã mời tôi đến lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày 15 tháng 8, ngày "thế giới chống phát xít và nhân dân Trung Quốc chống quân Nhật Bản thắng lợi".

Đóng góp của Trung Quốc trong Thế chiến II chắc chắn cần đánh giá lại, khi Rana Mitter của Đại học Oxford đã đề cập trong một cuốn sách gần đây về cuộc chiến tranh Trung-Nhật, "Đồng minh bị lãng quên". Từ ngòi nổ của cuộc chiến tại cầu Marco Polo vào năm 1937 đến ngày 07 tháng 12 năm 1941, khi cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng buộc Mỹ tham chiến, Trung Quốc đã một mình chiến đấu với Nhật Bản. Ông Mitter lập luận rằng, nếu Trung Quốc đầu hàng vào năm 1938, điều hoàn toàn có thể vào thời điểm đó, Đông Á có lẽ đã là một đế chế Nhật Bản trong nhiều thập kỷ. Nhưng ngược lại, Trung Quốc đã chiến đấu, với cái giá rất lớn. Khoảng 15 triệu lính Trung Quốc và dân thường đã chết trong cuộc chiến tranh 1937-1945, 100 triệu người phải tị nạn; trong các quốc gia tham chiến khác, chỉ có Liên Xô bị thiệt hại trên quy mô tương tự. Dù đúng là Trung Quốc cuối cùng đã thất bại trong việc đánh đuổi Nhật Bản nhưng sức kháng cự bền bỉ của nước này đã kìm chân được hàng trăm ngàn quân Nhật.

Đây là di sản mà ông Tập khăng khăng phải được công nhận. Tuy nhiên, có một sự thật không dễ nhận ra khác. Trong nhiều thập kỷ, những tài liệu chính thức của Đảng Cộng sản dành không mấy trang cho Quốc Dân Đảng và Tưởng Giới Thạch; nếu họ có được đề cập tới, thì cũng chỉ là một lực lượng chống cộng, tham ô, không yêu nước và quá hèn nhát để đương đầu với Nhật Bản. Trung Quốc "được giải phóng" không phải vào năm 1945 mà năm 1949 — nghĩa là, chủ nghĩa cộng sản đã đánh bại chủ nghĩa dân tộc trong cuộc nội chiến xảy ra ngay sau sự sụp đổ của Nhật Bản. Chiến thắng này của phe cộng sản, vì thế, đã luôn được coi là điểm cuối trong chuỗi chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít.

Tuy nhiên, thực tế là, đội quân chống chủ nghĩa đế quốc, những người lính Quốc Dân Đảng quyết liệt kiên trung, mới là lực lượng kháng cự chính đối với quân đội Nhật Bản và kéo nó chìm sâu hơn vào vũng bùn. Chính họ là những người cùng chia sẻ gian khổ, khó khăn và cùng chịu đựng với hàng trăm triệu dân thường Trung Quốc trong tám năm chiến đấu bền bỉ bên ngoài những căn cứ tương đối nhỏ và an toàn của phe cộng sản. Có thể nói rằng, nếu Quốc Dân Đảng không mất quá nhiều lực lượng cho cuộc đấu tranh đó, Tưởng sẽ giành chiến thắng trong cuộc nội chiến xảy ra sau đó.

Bị kìm hãm dữ dội vào những thập kỷ hậu chiến, phần lịch sử này của Trung Quốc nay đang được khôi phục thận trọng và có chọn lọc như một phần của chủ nghĩa dân tộc mới, qua đó Trung Quốc tỏ rõ tham vọng đối với khu vực và toàn cầu. Giữa những “công cụ” khác, phần lịch sử này được dùng để thống nhất giữa các câu chuyện của Đài Loan, nơi Tưởng và Quốc Dân Đảng đã dừng chân vào năm 1949 với các câu chuyện của Trung Hoa đại lục, nhấn mạnh điểm chung nằm ở cuộc đấu tranh chống Nhật xâm lược chứ không phải là cuộc nội chiến đã chia rẽ họ. Tuy nhiên, ngoài những lý do của chính phủ, tình thế càng căng thẳng hơn khi những vùng trước đây bị gạt ra ngoài lề giờ mong muốn được kể câu chuyện chiến tranh của riêng mình.

Trong một căn hộ lớn ở vùng ngoại ô mới toanh của Trùng Khánh, một thành phố phía tây nam Trung Quốc, Wang Suzhen (Vương Tố Trân), một phụ nữ nhỏ bé trong bộ đồ ngủ in hoa, ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế sofa giả da cỡ đại bao quanh là ba thế hệ trong gia đình. Phía đối diện, màn hình của chiếc ti-vi che phủ gần kín bức tường đang chiếu một chương trình thực tế làm say mê tất cả các ông bố bà mẹ: một người cha đưa cô gái trong bộ váy tutu đến một lớp học múa ba lê; một tiểu hoàng đế đeo kính râm sành điệu lái một phiên bản nhỏ của chiếc BMW. Nhìn bên ngoài, Trùng Khánh như một thành phố trong các tác phẩm của Charles Dicken, chìm trong khói bụi và gần như là địa ngục vào mùa hè, dòng sông Dương Tử uốn lượn và mở rộng dưới chân những sườn đồi dốc đứng.

Tưởng Giới Thạch đưa chính phủ rút về Trùng Khánh vào năm 1938, một năm sau khi Nam Kinh -- thủ đô Trung Hoa Dân Quốc -- rơi vào tay Nhật Bản trong một cuộc tàn sát đẫm máu, một chiến thắng nổi tiếng giúp Nhật Bản kiểm soát gần như toàn bộ vùng ven biển của Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải. Hàng triệu người Trung Quốc đã theo Tưởng đến Trùng Khánh; đây là thủ đô tạm thời cho đến khi kết thúc chiến tranh.

Họ đã có bảy năm khó khăn. Mặc dù khoảng cách địa lý xa xôi và địa hình đồi núi phần nào bảo vệ được thành phố, chiến tranh vẫn luôn hiện diện. Nhiều thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc không kích; ngày 05 tháng 6 năm 1941 khoảng 1.500 người đã chết vì chen chúc và nghẹt thở trong một hầm trú ẩn. Mỗi thuyền viên được trả nửa kg gạo để đưa xác chết ra khỏi thành phố.

Gia đình bà Vương may mắn hơn so với hầu hết gia đình khác. Nằm bên ngoài Trùng Khánh trong một thị trấn tên là Thạch Long, họ đã thoát khỏi các cuộc không kích. Chỉ sáu ngày trước khi Nhật Bản thất bại, bà Vương chào đời. Ngay sau đó, gia đình chuyển đến Trùng Khánh, nơi họ đã sống bằng nghề bán tranh thêu lụa trong những khu chợ bán buôn của thành phố. Nhưng chiến thắng của Cộng sản trong cuộc nội chiến đã thay đổi thành phố. Ý thức về trung tâm kháng chiến cùng những giá trị của thành phố trong thời gian đó, đã bị buộc xóa sạch. Tượng đài Chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Nhật đã được đổi tên thành Đài tưởng niệm Giải phóng. Những người có nhân thân "xấu" — những "địa chủ" độc ác và những người theo chủ nghĩa dân tộc theo phe Tưởng — bị bôi nhọ, hạ nhục. Gia đình bà Vương bị buộc phải rời thành phố và về vùng nông thôn.

Sóng gió chính trị hết cơn này đến cơn khác xóa bỏ hợp tác xã nông nghiệp, nơi mẹ bà Vương phải vật lộn để nuôi tám người con. Bà Vương nhớ lại cảnh một con bò được đưa đến đội sản xuất trong mùa đông, nhưng không có cỏ cho nó. Rồi chính con người cũng bắt đầu phải ăn cỏ, khiến cơ thể phù nề và đôi khi tất cả phải chịu đói như nhau. Sau đó, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, Hồng vệ binh kéo "địa chủ độc ác" ra ngoài và đánh đập họ. "Chúng tôi không dám hỏi câu nào," Bà Vương nói. "Chúng tôi không dám nói chuyện, nếu không chúng tôi cũng bị đánh."

Năm 1987, bà Vương và gia đình đi khỏi làng và khấm khá lên nhờ tự trồng trọt rồi bán ra thị trường. Chính phủ đã cho con gái bà -- một giáo viên -- một căn hộ, và tất cả họ chuyển vào đó sống. Năm 1989, họ có chiếc tivi đầu tiên, rồi một chiếc tủ lạnh. Năm 2005, họ đã mua được chiếc xe hơi đầu tiên. Không một ai trong gia đình tưởng tượng ra mọi thứ có thể thay đổi nhanh đến thế. Một vài năm trước đây, bà Vương đã tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Nhưng mọi chuyện lại xáo trộn khi một người thân của bà qua đời mà hồn ma vẫn còn vương vấn, gây khó dễ cho gia đình bà. Một đạo sĩ được mời đến để đưa con ma đi nhưng không hiệu quả. "Sau đó, một số người bạn theo Kitô giáo nói với tôi rằng cách cầu nguyện của họ có thể mang lại sự bình yên cho tâm hồn, và đúng là như vậy." Con ma không còn làm phiền gia đình nữa; giờ bà Vương đi nhà thờ mỗi tuần.

Đối với những thay đổi về mặt tinh thần, bà Vương có thể hơi kỳ lạ; nhưng đối với sự giàu lên của gia đình, bà là hình ảnh tiêu biểu. Và khi đời sống khá giả hơn, thành phố phía Tây Nam này đã bắt đầu kể về câu chuyện chiến tranh của mình cởi mở hơn. Ngày 15 tháng 8 hằng năm, báo Trùng Khánh thường chỉ đăng những bài mà báo chí Bắc Kinh cũng đăng. Giờ đây họ tôn vinh những anh hùng trong thời chiến của thành phố. Nơi trú ẩn trong cuộc không kích năm 1941 đã được thiết kế thành một khu tưởng niệm. Và nếu đến thăm đỉnh đồi Hoàng Sơn nơi Tưởng Giới Thạch từng ẩn náu, du khách sẽ được chào đón bởi một diễn viên trẻ với hàng ria mép mỏng trong bộ quân phục cầu kỳ của vị tổng tư lệnh.

Nếu Trùng Khánh khôi phục quá khứ và toàn Trung Quốc công nhận vai trò của chủ nghĩa dân tộc, ngoài chủ nghĩa cộng sản, trong cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc — điều này có nghĩa gì đối với mối quan hệ với Nhật Bản? Có những dấu hiệu cho thấy điều này có thể cải thiện mối quan hệ đó; một cái nhìn đa diện hơn về lịch sử Trung Quốc sẽ tạo ra một cái nhìn ôn hòa hơn về kẻ thù của nó.

Xét bên ngoài, bà Vương vẫn thấy mọi thứ theo cách cũ: người Nhật độc ác và bà không thích họ. Bà đã từng gặp một người Nhật nào chưa? Chưa, bà thừa nhận, nhưng -- hất đầu về phía cái tivi -- bà nhìn thấy họ suốt. Khi được nhắc rằng người Nhật trong những bộ phim chiến tranh trên truyền hình cũng là diễn viên Trung Quốc hóa trang thôi, bà chỉ cười. "Đấy là tuyên truyền, tôi biết," bà nói, trước khi lại cùng cả nhà tập trung theo dõi những bé gái trong chiếc váy tutu màu hồng.

Cách ông Tập sử dụng những mối thù cũ để làm trụ đỡ cho một bản sắc dân tộc hiện đại là điều đáng lo ngại. Nhưng có rất nhiều thứ khác định hình ý tưởng về một xã hội giàu có hơn so với bất kỳ xã hội nào Trung Quốc từng biết đến. Như thể để nhấn mạnh lời bà Vương thì thầm, vừa như nói với mình vừa như nói với phóng viên: "Ai sẽ hoài niệm quá khứ?"

Những người kẹt ở lại
Những linh hồn ở Yasukuni không phải là những người duy nhất mà ông Abe tìm đến để bày tỏ lòng mình. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào năm 2012, ông đã đi thẳng đến ngôi mộ của ông nội để thực hiện một lời hứa. Giống như cháu trai của mình, Nobusuke Kishi cũng từng giữ chức thủ tướng, nhiệm kỳ 1957-1960. Là một người nhiệt thành với chủ nghĩa dân tộc, nhưng ông đã thừa nhận rằng sự phục hồi về kinh tế phải đến trước sự phục hồi quyền lực và nín nhịn khi Nhật Bản đầu hàng Mỹ với vị thế nhu nhược sau chiến tranh như một người em trai. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời và Kishi biết rõ điều này.

Năm 1965 Kishi cho rằng tái vũ trang cần được coi như "một phương tiện để xóa sạch các hậu quả từ thất bại của Nhật Bản và sự chiếm đóng của Mỹ. Nó giúp Nhật Bản cuối cùng có thể bước ra khỏi thời kỳ hậu chiến và lấy lại sự tự tin và niềm tự hào khi là người Nhật." Những lời lẽ này có lẽ đã có thể xuất hiện trong tuyên bố tranh cử của ông Abe. Lời hứa ông Abe đã hứa bên mộ ông nội là ông sẽ "phục hồi nền độc lập thực sự" của Nhật Bản.

Điều này không có nghĩa rằng ông Abe ghét Mỹ. Giống như ông nội mình, ông vẫn cần Mỹ để đảm bảo an ninh cho đất nước. Ông đã củng cố liên minh quân sự với các nước đồng minh, chấp thuận việc sửa đổi Phương châm phòng thủ vào tháng Tư khi phải đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Nhưng trong sâu thẳm, ông hiểu vai trò của Mỹ trong "lịch sử bị tàn phá của Nhật Bản"—không phải sự tàn phá về mặt vật chất, mà là thời kỳ nằm dưới trật tự mà Mỹ áp đặt sau đó. Ông căm ghét tòa án xét xử tội phạm chiến tranh diễn ra ở Tokyo: thật là đạo đức giả khi treo cổ các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã chinh phạt châu Á trong khi các cường quốc phương Tây đang tái lập và củng cố quyền lực ở đây. Ông coi bản hiến pháp đang thi hành là thứ kiềm chế tham vọng chính đáng của Nhật Bản. Âm mưu của đảng cánh tả trong giáo dục là tiêm nhiễm tội lỗi chiến tranh và ác cảm với lòng yêu nước vào học sinh.

Vai trò của trật tự thời hậu chiến trong bảy thập kỷ tiếp theo của hòa bình, thịnh vượng và dân chủ mà từ đó Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe được hưởng lợi rất lớn đã bị phủ nhận trong phân tích như vậy. Tuy nhiên, Mỹ không ở vị trí để chỉ trích những người theo dân tộc chủ nghĩa của Nhật Bản dựa trên các tiêu chuẩn kép. Suy cho cùng, chính tướng Douglas MacArthur là người đã quyết định không truy tố Thiên hoàng Hirohito vì những tội ác gây ra theo lệnh của ông và bởi một hệ thống chính trị mà ông là trung tâm, với lý do không thể chứng minh nhưng khá hợp lý: người dân Nhật thân tàn lực kiệt sẽ dễ bảo hơn nếu Thiên hoàng của họ còn tại vị. Quyết định đó đã khiến Nhật Bản gặp nhiều khó khăn để đánh giá và tính toán đủ các hành động của Mỹ, cho cả nạn nhân chiến tranh và cho chính nước Nhật. Chiến tranh Lạnh xảy ra, nơi Mỹ cần những đồng minh bảo thủ và có kinh nghiệm ở Nhật Bản, đã loại bỏ bất kỳ cơ hội nào còn sót lại cho một tính toán như vậy. Gần như ngay sau khi tòa án Tokyo công bố những phán quyết đầu tiên, những tội phạm loại A khác đã được thả khỏi nhà tù Sugamo ở Tokyo và đưa vào làm việc trong chính quyền.

Đáng chú ý trong số đó là người đã thao túng chính quyền bù nhìn của Nhật Bản ở Mãn Châu, còn được gọi là Manchukuo, khu vực phía đông bắc Trung Quốc. Bằng cách khai thác nguồn vốn tư nhân cho một nền kinh tế được nhà nước kiểm soát chặt chẽ, ông đã biến Mãn Châu thành động cơ trong cỗ máy chiến tranh của Nhật Bản. Mark Driscoll thuộc Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill đã viết về quan điểm mang tính chính trị tàn bạo về sự lao dịch Trung Quốc phi nhân tính của hệ thống này. Tuy nhiên, cái giá nhân lực tàn bạo của nhà nước mang tính thử nghiệm và siêu hiện đại này ngày nay gần như đã bị lãng quên, trong khi sự kết hợp giữa dòng vốn tư nhân và sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước lại trở thành một nguồn cảm hứng trực tiếp không chỉ cho sự phát triển thời hậu chiến của Nhật Bản mà cho cả Hàn Quốc và Trung Quốc sau đó. Và ai là người thao túng phía sau? Không ai khác chính là Nobusuke Kishi.

Niềm tin không suy xét của ông Abe rằng giá trị dân tộc mình gắn bó chặt chẽ với các thể chế thời Minh Trị Duy Tân và tất cả những gì chúng sinh ra thật sai lầm và thiếu khôn ngoan. Nhưng cũng là sai lầm khi hạ thấp mọi khía cạnh trong sự tiếp nối của nước Nhật trước và sau chiến tranh. Từ mọi phía, những linh hồn bị khóa chặt. Đáng lẽ họ phải được lắng nghe và nói lên những sự thật phức tạp của chiến tranh, trách nhiệm và vai trò nạn nhân trong cuộc chiến.

Xu Ming (Nhu Minh) nhớ lại lần đầu tiên bà ra ngoài mà không có mẹ nắm tay đi cùng. Khi đó, bà xin một nhóm trẻ cho chơi cùng. "'Không', một đứa nói. 'Tại sao không?' Tôi hỏi. 'Bởi vì mày là một con tiểu quỷ Nhật Bản.’ Sau đó, đứa trẻ lớn nhất ra mặt. ‘Được rồi’, thằng bé nói, ‘Mày có thể vào chơi. Nhưng mày phải làm chó. Mày phải bò qua háng bọn tao và sủa gâu gâu’. Và tôi đã làm vậy. Rồi họ bắt đầu đánh tôi."

Bà Nhu sinh ra ở tỉnh Hắc Long Giang miền đông bắc Trung Quốc, một phần của Mãn Châu, vào năm 1944, ba năm sau khi Kishi từ chức để về làm Bộ trưởng Công nghiệp ở Tokyo. Bà là con một, được lớn lên trong tình yêu thương và sự bảo vệ của cha mẹ nhưng bị bạn bè bắt nạt thậm tệ. Năm lớp bảy, bà và các bạn đã được đưa đi xem một bộ phim chiến tranh cho thấy đội quân Cộng sản giành chiến thắng vinh quang chống lại những tên sát nhân Nhật Bản độc ác. Những đứa trẻ xung quanh bà bắt đầu la lớn: "Đả đảo Nhật Bản". Và sau đó chúng nhổ nước bọt vào bà. Khi bộ phim kết thúc, giáo viên điểm danh nhưng không thấy Nhu Minh đâu. Cô giáo tìm thấy bà đang co ro dưới gầm ghế, đôi mắt đỏ hoe vì khóc. Cô mắng cả lớp: Nhu Minh chỉ là một bạn nhỏ; và bộ phim chỉ là phim. Ngày hôm đó, Nhu Minh đã quyết tâm trở thành một giáo viên.

Một năm sau, một cán bộ từ Cục Công an đã đến nhà bà. Nhu Minh phải đứng bên ngoài nhưng cố nghểnh cổ nghe ngóng cuộc trò chuyện. Người cán bộ hét lên: "Cô tốt hơn hết là thừa nhận đi: con bé đó là người Nhật và cô đã nhận nuôi nó." Mẹ bà bật khóc. Nhu Minh chạy vào an ủi bà. Hai mẹ con đã khóc nhiều đến nỗi viên cảnh sát từ bỏ ý định hỏi thêm bất kỳ điều gì.

Đó cũng là lúc Nhu Minh hỏi: "Con là người Nhật, đúng không?"

"Đúng vậy", mẹ bà trả lời, "con là người Nhật."

Theo John Dower, đã có hơn 6 triệu người Nhật bị mắc kẹt ở nước ngoài khi chiến tranh kết thúc. Kỳ lạ thay, câu chuyện của họ lại chẳng được được nói tới, thậm chí ở Nhật Bản. Khoảng hơn một nửa số người kẹt lại là quân nhân, nhiều người bị thương, suy dinh dưỡng hoặc mắc bệnh. Phần còn lại là các công chức, nhân viên ngân hàng, nhân viên nhà ga, nông dân, các nhà công nghiệp, gái mại dâm, điệp viên, nhiếp ảnh gia, thợ cắt tóc và trẻ em. Đối với họ và gia đình, bạn bè của họ ở quê nhà, giống như những người Trung Quốc và Hàn Quốc phải nhập ngũ rồi lưu vong trong hoàn cảnh tương tự, ngày 15 tháng 8 chưa bao giờ là một kết thúc. Một năm sau thất bại ấy, hai triệu người Nhật Bản vẫn chưa thể coi nơi đó là nhà. Nhiều người vĩnh viễn không thể. Một chương trình phát thanh quốc gia, "Nhắn tìm người thân", đã bắt đầu phát sóng vào năm 1946 và chỉ ngưng cho đến năm 1962.

Phe Đồng minh đã tận dụng số quân sĩ đầu hàng. Người Mỹ sử dụng 70.000 lao động như trên ở các căn cứ Thái Bình Dương. Người Anh, mỉa mai thay, đã sử dụng hơn 100.000 quân Nhật Bản để củng cố chính quyền thực dân trên các vùng đất vừa được "giải phóng" của Đông Nam Á . Ở Trung Quốc, hàng chục ngàn người Nhật đã chiến đấu ở cả hai phe của cuộc nội chiến.

Số phận tồi tệ nhất là nằm dưới sự "bảo vệ" của Nga. Liên Xô, nước tham chiến trong tuần cuối cùng, tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật tại Mãn Châu và Bắc Triều Tiên. Có khoảng 1,6 triệu lính Nhật Bản đã rơi vào tay người Nga. Khoảng 625.000 người đã được đưa về nước vào cuối năm 1947, nhiều người đã bị đưa đến các trại lao động ở Siberia và phải trải qua quá trình cải tạo tư tưởng khắc nghiệt. Những người khác may mắn hơn khi đi về phía nam, tới khu vực Mỹ kiểm soát trên bán đảo Triều Tiên. Vào đầu năm 1949, Liên Xô tuyên bố rằng chỉ còn lại 95.000 người Nhật Bản cần hồi hương—theo tính toán của Nhật Bản và Mỹ, vậy là còn hơn 300.000 người mất tích.

Đến tháng 8 năm 1945, vẫn còn 1 triệu dân thường Nhật Bản tại Mãn Châu. Khoảng 179.000 người đã chết khi cố gắng quay về Nhật Bản trong cơn hỗn loạn và trong sự tàn bạo của quân Liên Xô sau khi Nhật đã đầu hàng, hoặc trong mùa đông khắc nghiệt của năm 1945-1946. Trẻ em mồ côi trở về Nhật Bản, tro cốt của người thân được đựng trong chiếc hộp đeo trên cổ. Ở Mãn Châu, nhiều cặp cha mẹ cầu xin các gia đình nông dân Trung Quốc nhận nuôi đứa con út.

Và đó cũng là điều mẹ ruột bà Nhu đã làm. Cha bà, phục vụ trong quân đội đế quốc, đã bị đưa đến Siberia. Mẹ bà nghĩ Minh, đứa con gái út, sẽ không thể sống sót trong cuộc hành trình về Nhật Bản. Bà cầu xin một cặp vợ chồng nhận nuôi Minh. Cặp vợ chồng sau đó đã có thêm con riêng của họ, họ đã bán Minh cho gia đình họ Nhu.

Được học tập như mong muốn, bà Nhu trở thành một giáo viên với điểm số xuất sắc, hứa hẹn một sự nghiệp chói sáng. Nhưng những năm sau đó, bà chỉ được dạy ở những khu lán trại tối tăm nằm sâu trong cánh rừng tỉnh Hắc Long Giang. Học sinh của bà là con cái những người thợ đốn gỗ nơi đây. "Em không thể thay đổi được gì đâu", thầy giáo của bà đã nói vậy, "Em là người Nhật Bản." Trong các trại gỗ, họ làm bánh mì từ vỏ bắp và vỏ cây. Sống ở những nơi xa xôi như vậy, bà Nhu đã tránh được sự điên rồ tồi tệ nhất của cuộc Cách mạng Văn hóa. Ở quê của bà, cô nha sĩ người Nhật Bản dịu dàng và chăm chỉ đã bị kéo đến ngã tư với một tấm biển treo trên cổ, tố cáo cô là gián điệp Nhật Bản. Mỗi lần được hỏi có phải là gián điệp không và phủ nhận, cô đều bị đánh. Ba ngày sau, cô đã chết.

Năm 1972, Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka đã đến thăm Trung Quốc, bắt đầu một chương trình viện trợ song phương trị giá hàng tỷ đô-la cho kẻ cựu thù. Người dân Nhật Bản bắt đầu đến Hắc Long Giang để tìm người thân. Một nhà báo đến thăm đã hứa với bà Nhu ông sẽ đưa thông tin của bà lên các tờ báo của Nhật Bản để bà có thể tìm thấy gia đình ruột thịt. Một người lính già ở Hokkaido đáp lại, khẳng định bà là con gái của ông. Năm 1981 bà Nhu được cấp thị thực. Bà đã vô cùng mong đợi khi đến Nhật Bản; cuộc gặp mặt của bà với người lính già rất xúc động. Nhưng xét nghiệm ADN cho thấy họ không có quan hệ huyết thống. Người lính già không biết làm gì hơn.

Nhà chức trách ở Nhật Bản đe dọa trục xuất bà Nhu. Hồ sơ tại tòa án Trung Quốc khẳng định dòng máu Nhật Bản của bà không có giá trị gì với họ. Trong khi đấu tranh thông qua các tòa án để xin ở lại, bà làm tình nguyện tại một tổ chức phi chính phủ ở địa phương, giúp đỡ những "trẻ mồ côi Mãn Châu". Một buổi sáng, tại một quán cà phê gần đó, hai người phụ nữ Nhật Bản trên đường đến tổ chức này xin ngồi cùng bàn với bà. Cứ tự nhiên, Nhu Minh nói, giọng bà vẫn còn âm hưởng tiếng Nhật. Những phụ nữ hỏi bà có phải là người Trung Quốc không và nếu có thì quê ở đâu? Hắc Long Giang, Nhu Minh trả lời. Đó là nơi mẹ của chúng tôi đã để lại người con út, em gái chúng tôi, họ nói. Những sự trùng hợp lớn dần: thị trấn, tên của gia đình đầu tiên nhận nuôi Nhu, nhà họ Lý ngay gần đường tàu. Ba chị em cuối cùng cũng đoàn tụ, lần đầu tiên kể từ năm 1945. Đối với Sumie Ikeda, giờ bà Nhu đã biết mình là ai, niềm vui chỉ ngưng lại khi bà biết tin mẹ mình đã qua đời chỉ vài tháng trước. Nhưng giờ đây linh hồn của bà, ít nhất, có thể yên nghỉ.

Những cuộc đời đau thương vì Thế chiến thứ II đang đi đến hồi kết. Dù vậy, lịch sử châu Á mà họ đã đóng góp một phần sẽ tiếp tục định hình thế giới của con và cháu họ. Ở một số nơi nó bị bóp méo, ở những nơi khác, nó bị phủ nhận. Một số nạn nhân và một số người thắng cuộc được vinh danh. Số khác bị lãng quên.

Trong những năm 1960, trưởng đạo sĩ tại đền Yasukuni có nhiều tự do hơn so với người đồng nhiệm ngày nay, đã dựng một ngôi đền nhỏ trong một góc sân để làm yên lòng linh hồn của kẻ thù ngã xuống. Giờ đây, ngôi đền nhỏ này được bao quanh bởi một hàng rào bằng kim loại cao, và không mở cửa với du khách. Vào ngày lễ tháng 7 hằng năm, một đạo sĩ trẻ đặt qua loa một bát hoa quả bên ngoài đền thờ rồi vội vàng bước ra. Đối với những người Nhật là nạn nhân của cuộc xâm lược— những người lính trẻ, thất vọng vì các tướng lĩnh, những người đã chết vì đói và bệnh tật ở rừng rậm New Guinea, hàng trăm ngàn thường dân bị giết hại khi chiến tranh lan đến các đảo chính của Nhật Bản: ta không tìm thấy họ ở đâu. Yasukuni chỉ ghi nhớ những cái chết vinh quang.

"Ai hoài niệm quá khứ", câu hỏi của bà Vương, trên ghế sofa của mình tại Trùng Khánh vẫn văng vẳng. Ai sẽ hoài niệm? Nhưng quá khứ diễn ra không chỉ để hoài niệm.

Minh Thu
The Economist

Bài trước: Sóng gió Yasukuni

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc