Thanh Lâu Mộng

Photo credit: The Economist.

Trung Quốc đang trong một cuộc cách mạng tình dục. Đã đến lúc bắt đầu giáo dục giới trẻ.

"Tình dục, tình dục, quan hệ tình dục, dương vật, dương vật (penis), âm đạo (vagina)". Hơn 150 sinh viên năm cuối ngồi trên giảng đường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh đang cùng đọc đồng thanh ầm ĩ. Rất nhiều trong số họ ở độ tuổi sinh sản, hoặc sẽ sớm bước vào độ tuổi này. Tuy nhiên, với đa số thì đây là lớp học giới tính đầu tiên mà họ tham dự.

Giáo viên hướng dẫn hy vọng rằng đọc to những lời như vậy sẽ giúp các thanh niên nói chuyện cởi mở hơn về tình dục. Lu Zhongbao, một sinh viên lâm nghiệp 24 tuổi, cho biết hồi bé cậu được bảo rằng mình “chui ra từ một tảng đá". Khi bắt đầu quan hệ với bạn gái ở trường đại học, Lu hầu như không biết gì về các biện pháp phòng tránh thai. Tối nay, cậu đến sớm hơn một tiếng và có một câu hỏi khác: liệu thủ dâm (masturbating) có hại cho sức khoẻ?

Kể từ năm 1979, không chỉ riêng nền kinh tế Trung Quốc được mở cửa. Giờ đây đất nước này đang trong cuộc cách mạng tình dục. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy hơn 70% người Trung Quốc có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Các cuộc thăm dò khác cho kết quả thấp hơn nhưng đều chỉ ra rằng trong hơn 30 năm qua, càng có nhiều thanh niên Trung Quốc quan hệ tình dục trước hôn nhân, ở độ tuổi trẻ hơn và với nhiều bạn tình hơn. Nhưng không được giáo dục giới tính cũng có nghĩa là nhiều thanh niên không biết tự bảo vệ mình, dẫn đến tỷ lệ nạo phá thai và mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục tăng vọt.

Ba mươi năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã can thiệp vào cuộc sống của mọi gia đình bằng chính sách kế hoạch hóa nghiêm ngặt. Tuy nhiên, những điều cấm kỵ về quan hệ tình dục trước hôn nhân đã thắng thế. Đây là kết quả của những quan niệm gia trưởng, chứ không phải tôn giáo, về trinh tiết phụ nữ (female chastity), cộng với một chút (dose*) khổ hạnh của chủ nghĩa Cộng sản. Quan hệ tình dục trước hôn nhân vấp phải hàng loạt luật lệ ngăn cấm, bị bao gồm trong cả những án phạt đối với hành vi côn đồ. Lệnh này chỉ được dỡ bỏ vào năm 1997.

Bầu không khí tâm lý xã hội đến giờ vẫn còn ớn lạnh. Hầu hết các tin tức về tình dục đều liên quan đến các vụ bê bối, hoặc tội phạm. Các trường học cấm học sinh hẹn hò và nhiều trường triển khai "các cuộc tuần tra đạo đức" để tìm ra các cặp đôi đang tán tỉnh hay yêu đương. Quan hệ ngoài hôn nhân không phải là bất hợp pháp nhưng trẻ ngoài giá thú phải đối mặt với những khó khăn về hộ khẩu (hukou), thứ giúp các em nhận được trợ cấp giáo dục và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, khi được cha mẹ cho nhiều hơn, cả tự do và tiền bạc, cùng với sự tiếp xúc ngày càng nhiều với lối sống phóng khoáng từ phương Tây, giới trẻ Trung Quốc đang nhìn nhận tình dục với sinh sản như hai vấn đề tách biệt.

Giáo dục về chủ đề này là bắt buộc ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan—những nước có nhiều điểm văn hóa tương đồng với Trung Quốc. Nhưng hầu hết các trường ở Trung Quốc chỉ dạy giải phẫu cơ bản.

Đây hoàn toàn không phải vì thiếu cố gắng. Chiến dịch thí điểm tại các trường ở Thượng Hải và Bắc Kinh trong thập niên 80 đã được đưa thành một chương trình toàn quốc vào năm 1988 nhưng không bao giờ được thực hiện. Năm 2008, Bộ Giáo dục đã lồng ghép giáo dục giới tính vào chương trình giảng dạy quốc gia về sức khỏe và vệ sinh. Những rào cản không chỉ là sự ngại ngùng khi nói về vấn đề tình dục mà giống như bóng đá, thời trang và những trò tiêu khiển khác cho tuổi teen, quan hệ tình dục (và tìm hiểu về nó) bị coi là thứ gây xao nhãng việc học. "Giáo dục giới tính không phải là môn học để thi," Sheng Yingyi, một sinh viên 21 tuổi nói.

Ở các lớp học, hầu hết sinh viên đều chỉ nhận được một cuốn sách giáo khoa. Cuốn "Học sinh trung học vui vẻ", được viết cho học sinh từ 12 đến 15 tuổi vào năm 2006 và vẫn được sử dụng rộng rãi, mô tả quá trình tinh trùng gặp trứng mà không mô tả các cơ chế giao hợp (mechanics of intercourse). Trong khi đó một cuốn sách chi tiết hơn dành cho học sinh tiểu học được xuất bản vào năm 2011, trong đó giải thích tinh trùng được phóng ra như thế nào lại bị chỉ trích là mang tính khiêu dâm.

Thông điệp chủ đạo là phải tiết chế (abstain). Một báo cáo vào năm 2013 của UNESCO và Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh cho thấy sự phổ biến của kiểu giáo dục giới tính "dựa trên sự sợ hãi" với nội dung chủ yếu tập trung vào những khó khăn của thời kỳ mang thai, việc phá thai và lây nhiễm HIV. Hồi đầu tháng này, một trường đại học ở Tây An miền trung Trung Quốc đã dạy một khóa học mang tên "Tuổi trẻ không hối tiếc", nơi các sinh viên nhận được một "thẻ cam kết", hứa giữ mình trong trắng đến khi kết hôn.

Chúng ta cần nói chuyện
Hầu như không có cuộc thảo luận nào trong các trường học ở Trung Quốc về chủ đề tình yêu, lòng tin, cách trò chuyện, cách nói không hay cách đối phó với sự quấy rối hoặc lạm dụng tình dục. Vấn đề đồng tính cũng không được thảo luận, còn các bậc cha mẹ Trung Quốc thì hiếm khi nói chuyện với con cái về tình dục. Peng Xiaohui từ Đại học Sư phạm Hoa Trung, người giảng dạy tại các lớp học giáo dục giới tính (gồm cả một lớp tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc), năm ngoái đã bị ném phân vào người vì công việc anh làm. Một số tổ chức phi chính phủ của Trung Quốc và nước ngoài đã cố gắng để thay đổi nhận thức, nhưng giờ đây nhiều người đang cảm thấy lo ngại sau khi 5 nhà hoạt động vì nữ quyền phát động một chiến dịch chống quấy rối tình dục đã bị bắt giam cả tháng trời trong năm nay. Hầu hết thanh niên Trung Quốc tìm hiểu về tình dục qua internet và phim ảnh khiêu dâm.

Cách này cũng không hiệu quả lắm. Vì sự lệch lạc giữa ham muốn và hiểu biết, nên khoảng một phần tư các cô gái có quan hệ tình dục dưới 24 tuổi đều mang thai ngoài ý muốn. Một nửa trong số họ không sử dụng biện pháp phòng tránh thai, một số người vì không biết nhiều về các biện pháp đó, còn một số khác là vì không được tiếp cận thông tin đầy đủ.

Thuốc tránh thai không được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, ngay cả với những phụ nữ đã lập gia đình. Chính phủ khuyến khích việc đặt vòng (the use of intra-uterine devices), biện pháp ít có sai sót nhất. Cho đến năm ngoái việc quảng cáo bao cao su trên truyền hình vẫn bị cấm (trái lại, việc nạo phá thai lại được chấp nhận). Các cửa hàng tiện ích đều bán bao cao su, nhưng lại thường không ở gần các trường đại học.

Những người sử dụng các biện pháp phòng tránh thai thì lại dùng không đúng cách: theo một nghiên cứu thực hiện năm 2014, một phần tư số người dưới 17 tuổi vẫn có thai mặc dù đã dùng biện pháp phòng tránh thai. Ngoài ra, ngành kinh doanh "bao cao su giả" cũng đang rất phát đạt khi giả mạo bao bì của các thương hiệu nổi tiếng. Kết quả là bệnh lây truyền qua đường tình dục đang gia tăng; 91% các trường hợp nhiễm HIV mới là do quan hệ tình dục không an toàn.

Những bí mật đáng sợ
Người ta không hề ngạc nhiên khi tỷ lệ nạo phá thai ở mức quá cao. Chính sách một con đã giết chết một hiện tượng sinh lý bình thường. Hầu hết các phòng khám, dù tư nhân hay nhà nước, đều cố gắng xử lý cái thai cho nhanh chứ không tư vấn về cách phòng tránh thai cho những lần tiếp theo. Vì vậy, việc nạo phá thai nhiều lần trở nên phổ biến: một nghiên cứu được công bố vào tháng 10 trên tờ Lancet của Anh cho thấy trong gần 80.000 phụ nữ Trung Quốc–những người đã từng phá thai vào năm 2013--có đến 37% số người phá thai lần hai, và 29% phá thai lần ba hoặc hơn nữa. Phụ nữ chưa lập gia đình chiếm một phần ngày càng lớn trong số đó—và là lý do quan trọng giải thích cho số ca nạo phá thai lại gia tăng sau một thời gian dài suy giảm từ năm 2003.

Mặc dù Trung Quốc không có con số thống kê toàn quốc về các ca nạo phá thai (thống kê chính thức chỉ bao gồm các cơ sở nhà nước), nhưng một nhà nghiên cứu của Ủy ban quốc gia về Y tế và Kế hoạch hóa gia đình cho rằng mỗi năm có thể có 13 triệu ca phá thai hoặc hơn. Con số này khá phổ biến trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc. Tuy nhiên theo Marie Stopes, một cơ quan quốc tế về sức khỏe sinh sản, thì con số này có thể là 40 triệu ca, căn cứ theo doanh số bán thuốc phá thai trong nội địa của các công ty dược. Nếu con số đó là đúng, thì khoảng một nửa số ca phá thai trên toàn thế giới là ở Trung Quốc. Số ca nạo phá thai cao tương phản rõ rệt với tỷ lệ sinh thấp. Nếu tính toán của Marie Stopes là đúng, thì ở Trung Quốc cứ 2,5 trẻ bị bỏ đi mới có một trẻ được sinh ra, so với tỉ lệ ở Nga là 2 trẻ được sinh ra mới có 1 trẻ bị bỏ đi và tỉ lệ 5 trẻ được sinh trên 1 trẻ bị bỏ ở Mỹ. Ngay cả căn cứ vào con số 13 triệu được trích dẫn rộng rãi kia thì gần như năm nào ở Trung Quốc số ca nạo phá thai cũng nhiều bằng số ca sinh. Chính điều này, chứ không phải việc nói chuyện thẳng thắn về tình dục, mới là nỗi xấu hổ của Trung Quốc.

Vương Thảo
The Economist

Bài trước: Hủ tục cắt âm vật tại Ai Cập

* còn có nghĩa là bệnh hoa liễu.
Tags: sex

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc