Kinh doanh ở Nhật Bản: Làm thế nào để thúc đẩy khởi nghiệp

Dream, enjoy your life. Photo courtesy FollowYour Nose.

Nhật Bản cần làm nhiều hơn nữa để khuyến khích các doanh nghiệp mới.

Wantedly - một LinkedIn cho thế hệ thiên niên kỷ của Nhật Bản, sẽ không lạc lõng nếu phát triển ở California. Văn phòng của công ty đang ăn nên làm ra này nổi bật với những đồ nội thất thời thượng và một bàn bóng bàn. Akiko Naka, giám đốc điều hành 32 tuổi của một đội ngũ nhân viên trẻ, đã quyết định bỏ bộ đồ đen trắng thường thấy của doanh nhân Nhật Bản để tự do đi lại với quần jeans và tất. Phòng họp được đặt tên theo các nhân vật trong một bộ truyện tranh nổi tiếng.

Tuy nhiên Wantedly là trường hợp hiếm. Từ sau những năm phát triển thịnh vượng vào thập niên 1980, và sự bùng nổ ngắn ngủi của các công ty điện tử vào cuối những năm 1990, Nhật Bản đã không mấy hào hứng trong việc khuyến khích những doanh nghiệp khởi nghiệp tương tự. Theo một nghiên cứu vào năm 2014 về Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (GEM - Global Entrepreneurship Monitor ) của một nhóm các trường đại học trên thế giới, có 31% người Nhật nghĩ trở thành doanh nhân là một sự lựa chọn nghề nghiệp tốt, chỉ hơn vị trí thấp nhất là Puerto Rico. Theo kết quả nghiên cứu thì tỷ lệ này tại Mỹ là 65%, Trung Quốc 66% và Hà Lan 79%. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cố gắng khuyến khích kinh doanh mới nhằm phục hồi nền kinh tế. Những công ty khởi nghiệp tạo thêm công ăn việc làm và những người lao động năng suất hơn, đó là những điều Nhật Bản đang rất cần. (Năng suất mỗi giờ làm việc của người Nhật bằng khoảng 65% so với Mỹ.)

Ông Abe đã giúp việc khởi nghiệp trở nên dễ dàng hơn và nhanh hơn, và mọi thứ đã được cải thiện một chút. Các nhà đầu tư mạo hiểm đã chi 92,8 tỷ yên (khoảng 900 triệu USD) trong nửa đầu năm nay, so với 76,5 tỷ yên vào cùng kỳ năm 2015. Một thị trường chứng khoán mạnh hơn có nghĩa là những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO - initial public offerings) sẽ phổ biến hơn. Một vài công ty có triển vọng đang nổi lên, chủ yếu trong lĩnh vực khoa học đời sống và công nghệ sinh học. Một trong số đó là Spiber. Công ty này tạo ra vật liệu mới từ protein, chẳng hạn như lụa siêu bền như tơ nhện.

Còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là với tâm lý lo ngại rủi ro. Hầu hết người Nhật sợ thất bại. Tamako Mitarai đã thành lập một công ty bán đồ dệt kim do những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất và sóng thần ở Tohuku năm 2011 làm ra. Cô nói rằng cô muốn truyền động lực cho những người đã mất đi sinh kế để họ có thể có việc làm và tiếp tục cuộc sống. Tuy nhiên, năm năm sau không mấy ai làm được như vậy.

William Saito, một doanh nhân và hiện là tư vấn của chính phủ nói "Tình hình đáng lẽ không phải vậy”. Ông cho biết thêm rằng chính các công ty của Nhật Bản đã từng tài trợ cho ông khi ông khởi nghiệp rồi thất bại tại khu vực bờ Tây của Mỹ. Jiro Kokuryo của Đại học Keio nói rằng "Đây không phải vấn đề với cấu trúc gen của người Nhật mà là với cấu trúc của xã hội Nhật".

Vấn đề chính là do một thị trường lao động không linh hoạt. Mặc dù hệ thống được nới lỏng hơn trước, các công ty Nhật Bản vẫn coi trọng và tưởng thưởng cho sự cống hiến cả đời. Một nhân viên mẫu mực, chầm chậm thăng tiến tại một công ty vẫn là một hình ảnh đầy hấp dẫn với sinh viên sau khi tốt nghiệp, và người ta gần như không có ý định nhảy hết việc nọ đến việc kia. Theo bà Naka, điều này khiến các công ty khởi nghiệp khó mà thu hút được tầng lớp lao động trung niên, vì thế mà công ty của bà toàn những người trẻ.

Wantedly đã trở thành cầu nối các doanh nghiệp với người tìm việc. Nhưng theo như Ryo Ishizuka của Mecari – một trang mạng ngang hàng (peer-to-peer: chia sẻ không cần qua máy chủ) đã vươn tới Mỹ, doanh nghiệp Nhật thấy khó mà truyền lửa được cho nhân viên, khiến các công ty khởi nghiệp gặp khó khăn khi đã lớn mạnh và phát triển.

Những điều này có thể giải thích lý do vì sao phụ nữ trẻ Nhật Bản làm chủ nhiều doanh nghiệp mới và thành công. Ông Saito nói "Họ đã có kinh nghiệm đối mặt với các vấn đề thăng tiến, vì vậy họ không phải đánh đổi nhiều khi gây dựng công ty một mình". Cũng cần có cách dễ dàng hơn cho các công ty muốn đóng cửa. Chỉ có 12% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản mới được thành lập trong 5 năm trở lại đây, so với 33% ở Mỹ. Các công ty cũ hoạt động cầm hơi, đôi khi với hỗ trợ từ chính phủ, cản trở việc những doanh nghiệp mới được thành lập.

Các công ty đã ổn định cũng nhận được nhiều quan tâm hơn các công ty khởi nghiệp trong các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của chính phủ, chẳng hạn ưu đãi thuế đầu tư và phát triển. Trong khi đó, có quá nhiều gánh nặng đè lên vai một cá nhân nếu công ty của họ bị phá sản, ví dụ như các ngân hàng - nguồn cung cấp vốn chính - yêu cầu thế chấp rất cao.

Chính phủ cũng có thể loại bỏ một loạt các quy định hạn chế hoặc cấm những hình thức phổ biến nhất của khởi nghiệp. Uber tại Nhật chỉ hoạt động trên những chiếc xe sang trọng, và cũng không thường xuyên. Dịch vụ đặt phòng Airbnb thì không có luật lệ hoạt động rõ ràng. Theo ông Ishizuka, đó là một sự xấu hổ vì hình thức thương mại điện tử đang có tiềm năng lớn nhất tại Nhật Bản.

Chi phí khởi nghiệp đã giảm và ngày càng khó tìm được sự đảm bảo cả đời từ một công việc, đây là lúc Nhật Bản giải quyết những vấn đề này. Các chỉ số khởi nghiệp toàn cầu cho thấy: mặc dù về tổng thể nhu cầu muốn khởi nghiệp kinh doanh của Nhật Bản có thể thấp nhưng 19,5% số đó tin rằng họ có khả năng thành lập một công ty thực sự. Tỷ lệ này ở Mỹ là 17,4%. Nhật Bản có tiềm năng, nhưng các doanh nhân của nó cần một cú bứt phá.

Bích Nhàn
The Economist


Tags: japan

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc