Hai người đàn ông trong một bồn tắm

Kuril islands. Photo courtesy Peter.

Thủ tướng Nhật Bản lên kế hoạch cho một cuộc đối thoại trực tiếp “ấm áp” với Tổng thống Nga. Nhưng khả năng cho một bước đột phá trong tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước này là không nhiều.

Hiroshi Tokuno vẫn còn nhớ tiếng bước chân quân lính trên sàn gỗ lớp học của ông. Khi 600 quân Liên Xô đổ bộ lên hòn đảo Shikotan của Nhật Bản vào ngày 01 tháng 9 năm 1945, ông nhớ lại, "Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ bị giết." Khi bớt sợ hãi, ông kết bạn với kẻ xâm lược và học tiếng Nga. Ba năm sau, họ dồn ông và gia đình lên một chiếc thuyền vượt gió biển về đất liền Nhật Bản.

Ông Tokuno, nay đã 82 tuổi, là một trong khoảng 17.000 người Nhật bị
Photo credit: The Economist.
trục xuất khỏi khu vực mà Nhật Bản gọi là Lãnh thổ Phương Bắc, gồm bốn hòn đảo nằm dưới cùng trong quần đảo Kuril (hay Chishima trong tiếng Nhật), giữa đảo cực bắc Hokkaido của Nhật Bản và những hoang đảo tuyết phủ của Kamchatka (xem bản đồ). Trong thế kỷ 19, Nga đã công nhận chủ quyền của Nhật Bản trên bốn hòn đảo, và năm 1875 đã trao tất cả đảo trong quần đảo Kuril cho Nhật Bản. Nhưng chỉ một vài ngày trước khi Nhật đầu hàng Đồng Minh vào năm 1945, Liên Xô đột ngột tuyên bố chiến tranh, dù trước đó không chiến đấu với Nhật Bản. Quân đội Liên Xô nhanh chóng chiếm toàn bộ quần đảo, hình thành nên một vụ tranh chấp kéo dài 70 năm. Nhật Bản yêu cầu đòi lại bốn hòn đảo cực nam. Liên Xô đề nghị trao lại hai đảo nhỏ nhất trong số đó, Habomai và Shikotan, nếu Nhật Bản từ bỏ yêu sách đối với những đảo còn lại. Nhưng Nhật Bản từ chối. Sự bế tắc vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Ngày 15 tháng 12, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Nhật Bản trong một thập kỷ qua. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe -- cháu trai của một cựu bộ trưởng trong thời chiến và là thủ tướng sau chiến tranh -- đã không che đậy sự quan tâm cá nhân của ông trong việc giải quyết vấn đề này. Ông đã mời ông Putin đến tắm cùng ông ở suối nước nóng tại quê nhà Nagato ở miền nam Nhật Bản -- một dịp để hai người đàm phán trực tiếp. Hiện tại chính là thời điểm cho giải pháp, ông Muneo Suzuki, cố vấn không chính thức của Thủ tướng về vấn đề với Nga cho hay.

Tại bến cảng hoen rỉ cũ kỹ Nemuro ở Hokkaido, nơi nhiều người di tản đã bị mắc kẹt kể từ những năm 1940, đã có niềm hy vọng chắc chắn cho một bước đột phá. Sẽ khó có chuyện ông Putin đến tay không, ông Shunsuke Hasegawa, thị trưởng của thị trấn cho biết. Tổng thống Nga là một "nhà lãnh đạo mạnh mẽ", người sẽ đối mặt với những phản đối về một bản thỏa thuận như vậy ở Nga, ông nhấn mạnh.

Ông Hasegawa than rằng chỉ 6.641 cư dân cũ trên các đảo vẫn còn sống, tất cả đều là người già. Hơn nữa, các vùng nước xung quanh các đảo vốn cung cấp ngư trường cho tàu thuyền từ Nemuro. Thành phố này giờ đã mất đi một nửa dân số kể từ cuộc chiến. "Đây là cơ hội cuối cùng của chúng ta để giải quyết vấn đề này," ông nói.

Nhiều vấn đề đang bị đe dọa hơn cả vấn đề quyền đánh bắt cá. Tranh cãi đã ngăn cản một kết thúc chính thức đối với sự thù địch giữa Nga và Nhật Bản. Các nhà ngoại giao Nhật Bản bứt rứt vì bế tắc tiếp tục sẽ đẩy Nga gần hơn với Trung Quốc.

Một trong số những điều có thể hấp dẫn đối với Nga là việc làm sống lại một đề nghị bị bỏ xó từ lâu về việc xây dựng một đường ống dẫn khí 5,3 tỷ USD giữa đảo Sakhalin của Nga và Tokyo. Nhật Bản cũng đang treo trước mắt hàng tỷ USD cho vay ưu đãi để phát triển vùng Viễn Đông nghèo của Nga, cũng là một động lực để thúc đẩy đầu tư tư nhân. Trong khi đó, Nga đang cảnh giác với việc trở thành một đối tác cấp dưới cho Trung Quốc ở châu Á. "Chúng tôi không thể đặt cược hết vào một chỗ", Alexander Panov, cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản cho biết.

Nhưng những trở ngại cho một thỏa thuận hiện đang rất không thuận lợi. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 78% người Nga đều phản đối trao lại tất cả bốn hòn đảo; 71% phản đối trao lại Shikotan và Habomai. "Ở Nga, nếu bất kỳ tổng thống nào, ngay cả ông Putin, trao đi hai đảo của chúng tôi cho Nhật Bản, mức đánh giá của dân chúng đối với ông ấy sẽ tụt xuống cực kỳ thảm hại", Dmitry Kiselev trưởng ban dân vận Nga cho biết vào tháng trước. "Người Nhật thích nói về việc giữ thể diện, nhưng họ quên rằng người Nga cũng có thể diện của mình," ông Anatoli Koshkin của Đại học Phương Đông tại Moscow cho biết. Các hòn đảo bảo vệ con đường từ biển Okhotsk tới Thái Bình Dương, “một vấn đề sống còn" cho hải quân Nga, ông Shigeru Ishiba cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho hay.

Một ngạc nhiên nhỏ là sau đó ông Putin tuyên bố thẳng thừng hồi tháng 9 rằng: "Chúng tôi không trao đổi lãnh thổ." Valentina Matvienko, phát ngôn viên của thượng viện quốc hội Nga, cho biết trong chuyến thăm tới Tokyo vào tháng 11: "Chủ quyền của Nga về quần đảo Kuril là không thể chối cãi và không được phép sửa đổi." Củng cố thêm thông điệp đó, các lực lượng vũ trang Nga tuyên bố vị trí của hệ thống phòng thủ tên lửa trên Etorofu và Kunashiri hồi tháng trước.

"Chính phủ của ông Abe đã để hy vọng vượt khỏi tầm kiểm soát, thậm chí gián tiếp ám chỉ một cuộc bầu cử sớm dựa trên sự thành công của hội nghị thượng đỉnh", ông James Brown của Đại học Temple, Nhật Bản cho biết. Những triển vọng đang dần nhạt nhòa về một thỏa thuận lãnh thổ có thể giúp giải thích cho tuyên bố bất ngờ của ông Abe vào ngày 05 tháng 12 rằng ông sẽ đến thăm Trân Châu Cảng, khu vực chiến trường cuộc tấn công của Nhật Bản đã kéo Mỹ vào tham chiến trong Thế chiến II vào năm 1941. Vị Thủ tướng này đang tìm kiếm một sự kiện để thúc đẩy lòng tin của nhân dân vào ông và đánh lạc hướng khỏi hội nghị thượng đỉnh với ông Putin, nhằm duy trì hy vọng về cuộc bầu cử sớm vào tháng Một, tờ báo Nikkei của Nhật Bản tuyên bố.

Tuy nhiên, không có mấy khả năng Nga sẽ dập tắt hoàn toàn hy vọng của Nhật Bản. "Phía Nga không muốn điều này kết thúc," ông Brown nói; thay vào đó, họ sẽ tìm cách để thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản mà không cần phải nhượng lại chủ quyền lãnh thổ, ông dự đoán. Một bước tiến có thể diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh đó là khả năng nới lỏng các quy định cấp visa và tạo ra một khu vực kinh tế đặc biệt, cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận dễ dàng hơn với quần đảo Kuril. Suy cho cùng, chính ông Putin đã nói có thể tìm ra giải pháp để không bên nào "cảm thấy giống như một kẻ thua cuộc".

Hy vọng trở về nhà của ông Tokuno đã được nâng lên và bị dìm xuống hết lần này đến lần khác trong những năm qua. Từ mũi bán đảo Shiretoko, chỉ một vài dặm từ Nemuro, ông có thể nhìn thấy Habomai ngoài khơi. Một thập kỷ trước, ông được phép thăm Shikotan trong một cuộc hành hương đến thăm mộ của tổ tiên mình. Ông vẫn còn nhớ tiếng Nga ông đã học khi còn bé. Nhà của ông đã không còn nhưng ông không đau buồn. Đó là chiến tranh, ông Tokuno nói; cách tốt nhất để trân trọng nỗi đau là đảm bảo nó không bao giờ xảy ra lần nữa. Một hiệp ước hòa bình sẽ đem đến một sự khởi đầu.

Quỳnh Anh
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc